Những chuyện “lạ” của họa sỹ thời @

ANTĐ - Trình bày bìa sách, việc tưởng như không có gì phải ồn ào hóa ra lại nhiều chuyện. Giới làm sách vẫn truyền tai nhau  “tích” họa sĩ chuyên thiết kế bìa sách nhưng không hề biết vẽ tay, lại còn cả chuyện đưa phong thủy vào bìa sách…

Những họa sỹ không biết… vẽ 

Bạn đọc là người thiệt thòi nhất khi mua phải những cuốn sách trình bày cẩu thả

Bao nhiêu năm nay, chuyện thật mà như đùa này vẫn cứ lặng lẽ diễn ra trong giới vẽ bìa sách. Mang tiếng là họa sỹ thiết kế bìa và được đào tạo một cách bài bản ở các trường chính quy nhưng trong thực tế, rất hiếm để tìm được họa sỹ có thể tự tay thiết kế một bìa sách bằng phương pháp vẽ thủ công. Điều này hoàn toàn trái ngược với lớp họa sỹ đàn anh cách đây chừng vài chục năm, việc vẽ bìa sách bằng tay là công việc bắt buộc. Tuy phương tiện thô sơ chỉ có cây bút, thước và giấy, nhưng các bìa sách rất cảm xúc. Mỗi bìa sách được thiết kế đều cho thấy sự trau chuốt, tỉ mỉ và trong từng đường nét. Màu sắc tuy đơn giản vì chỉ giới hạn trong 3 màu nhưng không vì thế mà người họa sỹ chịu “bó tay”. Để có thêm màu sắc cho bìa sách sinh động, các họa sỹ đã pha chế, chồng màu. Còn ngày nay, các họa sỹ đã cậy vào công nghệ cao mà không động bút vẽ. Vì thế, mới có chuyện làm nghề mà không biết nghề là vậy. 

Công việc trình bày bìa sách của các họa sỹ thời @ nói ra thì nhiều người sẽ “ngã ngửa”. Để cho ra đời một bìa sách tương đối bắt mắt, các họa sỹ chỉ việc lên mạng tìm hình ảnh ưa nhìn rồi cắt ghép và chỉnh sửa. Vậy là đã hoàn thành một bìa sách. Vì cách làm khá đơn giản này mà bất kỳ ai biết kỹ thuật đồ họa cũng có thể trình bày bìa sách. Hoàn toàn khác với thời gian trước đây, chỉ những họa sỹ có nghề mới có thể làm công việc này. Nhiều họa sỹ nước ngoài đã “mắt tròn mắt dẹt” khi biết một họa sỹ Việt Nam, một năm có thể “đẻ” sòn sòn vài trăm bìa sách, một việc không thể tưởng tượng nổi ở các nước bạn. Hơn thế, cách làm này còn dẫn đến những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Nhà văn Phạm Quang Đẩu đã tá hỏa khi nhìn thấy một cuốn sách có bìa giống hệt cuốn sách “Sét đánh trong thị trấn” do NXB Quân đội phát hành của ông. Ban đầu, nhà văn tưởng là sách của mình nhưng khi cầm lên đọc thì là một cuốn sách có nội dung hoàn toàn khác do một họa sỹ khác trình bày và không cùng một NXB phát hành. Đây có lẽ cũng chỉ là một trong nhiều câu chuyện của những cuốn sách có hình ảnh bìa giống nhau nhưng nội dung bên trong lại không… liên quan, đang xuất hiện khá nhiều trên thị trường. 

Chọn màu vẽ theo Mệnh

Không chỉ vậy, việc cắt ghép ảnh để trình bày bìa sách còn dẫn tới những hệ lụy của bản quyền. Các họa sỹ đã ngang nhiên lấy hình ảnh của các tác giả mà không hề có sự xin phép. Cho dù tính tới thời điểm hiện tại, việc trình bày bìa sách chưa có bất kỳ vụ tranh chấp bản quyền nổi đình đám nào, nhưng không vì thế mà các nhà xuất bản lơ là công việc kiểm duyệt trước khi sách phát hành. Trong thực tế, vì chạy theo lợi nhuận mà đã từng có nhà sách hướng các họa sỹ đến việc trình bày bìa sách tương đối giống với các cuốn sách bán chạy trên thị trường để hút độc giả. Họa sỹ Ngô Xuân Khôi, NXB Phụ nữ cho biết: công việc trình bày bìa sách là sản phẩm tổng hợp của tập thể từ họa sỹ, biên tập viên đến người kiểm duyệt và cả nhà in, nhưng công nhận, phông văn hóa của các họa sỹ thời @ rất yếu, thiên về kỹ thuật đồ họa.

 Thậm chí, để trình bày một bìa sách, các họa sỹ còn không đọc nội dung, chỉ vài lời tóm tắt của người yêu cầu vẽ như “sách kể về một người phụ nữ thời đổi mới với khát vọng vươn lên” là đã vẽ ngay được. Sự cẩu thả này đã dẫn đến rất nhiều bìa sách có hình thức không ăn khớp với nội dung bên trong. Có tác giả khi đặt vẽ bìa sách còn chọn màu phù hợp với mệnh của mình để yêu cầu họa sỹ trình bày. Vô vàn những câu chuyện khác nhau liên quan tới việc trình bày bìa sách đã cho thấy sự bất cập trong mắt xích để ra đời một ấn phẩm văn hóa. Và người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là độc giả, những người yêu mến tri thức đã không được tôn trọng từ chính những người đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản.