Những chuyện kinh dị được đồn thổi từ một ngôi đền giữ kho báu của vua

ANTĐ - Tin đồn về kho báu của Vua Hàm Nghi để lại được cất giấu trong đền Cây Chay đã làm cho bao nhiêu người đến đền mong nhận được chút lộc vua xưa. Nhiều người đầu cúi lễ mà mắt đảo điên. Câu chuyện được kể ma mị, vừa lạ lùng vừa kinh sợ. 

Cách đây chừng hơn 10 năm, bỗng nhiên có một con rắn to từ đâu về nằm khoanh ngay trước điện trái thờ Đức Thánh Sông Triêm. Mọi người thấy rắn to, lại ở trong đền, nghĩ rằng chuyện linh thiêng nên bảo nhau về cả. Hôm sau lên đền, con rắn đã đi đâu mất. Một thời gian sau, có một người đàn ông đã đến đục một cái lỗ ở nơi thờ chính, lôi ra trong đó bao nhiêu vật dụng bằng vàng. Người đàn ông này đưa số vật dụng đó về nhà, sau đó không lâu thì chết, bởi những ám ảnh từ giấc ngủ mụ mị toàn rắn. Cái lỗ đó đến giờ vẫn còn. Gần đây, lại có tin thì thào: Có người trong làng đào được quanh làng một lá trầu và một quả cau bằng vàng. Người dân lại một phen lao đao.

Một ngôi đền cổ có nhiều chuyện lạ

Đền Cây Chay là một ngôi đền cổ nằm ở xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là một ngôi đền thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu (một tín ngưỡng thuần Việt). Phía trước cửa đền giáp với sông Tiêm, chảy từ thác Vũ Môn đổ về, bước lên qua nền xây 7 cấp là hai cột trụ phía trên đắp nổi hình 2 con nghê. Bốn phía đắp nổi rùa đội sen, rồng chầu mây, chim phượng, mình ngựa đầu rồng với chiều cao mỗi cột là 6,5m. Phía trong đền, có 3 điện thờ được bày biện rất quy củ. Điện chính thờ Đức Thánh Đại Càn, Đức Thánh Mẫu, Đức Thánh Thanh y. Điện Phải thờ Đức Thánh Bản thổ quan cả, Tả thái giám Ngô thượng tướng công. Điện trái thờ Đức Thánh Phong Sơn, Đức Thánh Tiêm Giang.

Đền Cây Chay nằm ở vị trí cảnh quan u tịch, cây cối um tùm, thiên nhiên đẹp đẽ, vị trí  lại thuận lợi đường sông, đường bộ. Năm 1994, đền Cây Chay được cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa. Tuy nhiên ít lâu nay, trong vùng thường lan truyền những tin đồn về sự linh thiêng của ngôi đền. Đầu tiên là những chuyện bàn tán trong làng xã. Cách đây khoảng 10 năm, cậu thanh niên tên Đinh Văn Đức ở trong xóm trộm tiền công đức ở đền Cây Chay, sau đó về nhà tự nhiên bị xoắn ruột phải đi viện mổ, điều trị 3 tháng rồi về nhà nhưng vết thương bị hở chảy nước hôi thối mãi không lành.

Một trường hợp khác, cách đây khoảng 5 năm, em Trần Đình Lâm, cũng ở xóm 2, khi đó đang học lớp 9, buổi trưa ra sông tắm rồi lấy dây trói tay ông tượng trước cửa đền, sau đó Lâm còn nhặt thuốc lá trên tượng. Không biết thế nào, tối về nhà nằm ngủ trên võng, em bị mê man. Đến khi trời gần tối, mẹ đi làm về gọi con mấy tiếng không thấy đáp, tưởng con ngủ say không nghe, chị lại gần thì thấy tay đứa con tự nhiên bị bắt quặt ra sau, mắt trợn ngược. 

Hoảng loạn, chị bứt dây võng hô hoán mọi người thì tự nhiên máu mũi thằng bé cứ chảy trào ra. Mọi người vội vàng đưa đi Bệnh viện Hương Khê cấp cứu, rồi lại chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, sau đó tiếp tục đưa ra bệnh viện Hà Nội. Bệnh viện kết luận thằng bé bị não, không thể chữa được nên trả về để gia đình chuẩn bị lo ma chay. Trong bước đường cùng, gia đình đi đến đền thì được “thánh” cho biết vì đã phạm thượng, cần phải làm lễ “chuộc tội”. Khi ra cầu ở đền xin “nước thánh” uống thì thấy cháu tiến triển tốt, rồi cất được tiếng gọi mẹ, sau đó chống gậy đi lại được rồi khỏe hẳn bình thường. 

Thật ra những chuyện này cũng chỉ là những chuyện đồn thổi của các ông các bà thường hay đi lễ ở đền bàn tán. Khi chúng tôi đi tìm những nhân vật trong các chuyện kể này thì hầu hết đã đi xa, không còn có mặt ở địa phương nữa.

Náo loạn vì những tin đồn

Sau khi được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, dân làng xã có tôn tạo lại cho khung cảnh ngôi đền được khang trang. Mấy chiếc máy xúc đào đất đắp lại xung quanh đền làm ồn ào mất vài ngày. Ngay sau đấy, ngày 14-4-2012 khi đi kiểm tra quanh đền, ông Nguyễn Văn Trác phát hiện có rất nhiều con rắn to nằm chết ngay mép sông, có con dài đến 2 mét. Thông tin nhanh chóng được truyền tai nhau khiến rất nhiều người dân gần, xa tìm đến để chứng kiến, một số người còn dùng điện thoại quay, chụp lại. Sự việc những con rắn hổ quấn vào nhau chết nổi trước khu vực đền thiêng khiến một số người dân hoang mang, họ cho rằng có thể đó là một điềm báo điều gì đó “chẳng lành” sắp xảy ra. 

Nhưng câu chuyện về mấy con rắn này tam sao thất bản đã thêu dệt thành chuyện kỳ dị. Theo lời kể của một số người dân thì chiều 15-4-2012, một người dân địa phương tên là Thái đã phát hiện có khoảng từ 15 - 17 con rắn hổ chúa, một loài động vật hoang dã rất quý hiếm, chết rải rác ngay trước cửa đền Cây Chay thuộc xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Con lớn nhất nặng khoảng 8kg, còn con nhỏ nhất cũng khoảng 2kg. Anh ta kể: “Mặc dù sống ở địa phương đã lâu năm nhưng tôi chưa bao giờ thấy những con rắn to như vậy. Lúc đầu, tôi chỉ thấy một con nằm chết ngay giữa cửa đền Cây Chay. Đi thêm mấy bước nữa, thấy hai con quấn vào nhau bên mép nước, nơi cổng đền tiếp giáp với bờ sông Tiêm. Thấy lạ, tôi gọi mọi người trong xóm ra xem”. Sau đó, người ta lần lượt phát hiện có hơn chục con rắn nằm rải rác bên bờ sông. Có đôi vợ chồng định mang những con rắn này về để nấu cao, tuy nhiên, khi anh chồng nhặt con rắn đầu tiên lên thì thấy máu trong con rắn bất ngờ bắn ra tung tóe, nên đã vứt xuống sông và bỏ chạy thục mạng. Bán tín bán nghi, một số người dân địa phương đã mời thầy cúng về thắp hương, tạ lễ. Rồi những tin đồn về cái chết bất thường của hàng loạt con rắn ấy cũng chìm dần. Bẵng đi một thời gian, từ đâu “bay” về một tin đồn mới, khiến vùng đất này lại “dậy sóng”. 

Tin rằng: Trước khi xảy ra cái chết của gần 20 con rắn to từ năm 2012, cách đó khoảng 3-4 km, gần chợ Phú Gia, có nhà vừa đào lên được một lá trầu vàng và một quả cau vàng. Họ cho rằng nó có liên đới đến cái chết bất thường của những con rắn, như một sự trừng phạt. Những con rắn này có sứ mệnh canh giữ các báu vật đó, nay bị đào mất, tức là đã không làm tròn nhiệm vụ được giao phó, phải đón nhận cái chết?

Giải mã những tin đồn

Về những chuyện đồn đại trong làng xã cũng đã lâu rồi, không còn cần phải giải thích. Nhưng chuyện những con rắn chết thì buộc chính quyền phải đi xác minh. Bà Nguyễn Thị Thân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Phong cho biết, sự việc đó, chính quyền địa phương đang xác minh, làm rõ. Số rắn bị chết hôm đó, người thì nói 6 con, người thì nói 12 con, thậm chí 16 con. Tuy nhiên khi nhận được thông tin, xuống kiểm tra thì chỉ thấy có 2 con chết nổi bên bờ sông. Cũng theo bà Thân, nghe một số người dân kể lại thì một ngày trước khi phát hiện rắn chết nổi, thấy một chiếc xe ô tô chạy xuống khu vực bờ sông Tiêm chùi, rửa xe. Sau đó người dân thấy mùi hôi thối. Có thể những con rắn này của dân buôn rắn, không may bị chết, tiện rửa xe họ vứt bỏ. Không liên quan gì đến đền Cây Chay cả. 

Về chuyện đào được lá trầu và quả cau thì câu chuyện có thật đã được đồn thổi khác đi. Lá trầu và quả cau bằng vàng là báu vật truyền đời của xã Phú Gia  được lưu truyền, giữ gìn mấy đời rồi. Mỗi năm trao cho một người bảo vệ. Mỗi năm, cứ đến mồng 6 tháng giêng, nơi đây lại tổ chức lễ rước những những đồ vật này. Báu vật các cụ trong làng đang bảo vệ là một số tài sản của vua Hàm Nghi giao cho làng giữ từ năm 1884 và những đồ vật ấy đều được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mỗi đời đều có một văn bản bàn giao lại tài sản cho đời sau. Hiện nay những tài sản đó gồm có: Một đôi kiếm lĩnh của vua, 42 đạo sắc được làm bằng vải nỉ, 2 con voi bằng vàng... Nhờ bảo vệ chu đáo, đến giờ những đồ vật này vẫn còn nguyên.