Những chuyến công tác đong đầy kỷ niệm nhớ đời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khoảng cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên vào thời điểm ấy có tên “Gió qua miền tối sáng”. Nhân vật nhà báo Quang (diễn viên Lê Tuấn Anh thủ vai) trong phim yêu một cô bác sĩ (diễn viên Minh Hòa đóng)... Đúng vào ngày ăn hỏi, trên đường sang nhà gái thì anh phóng viên gặp chuyện bất ngờ. Nhà trai không đến đúng hẹn và mẹ cô dâu, trong cơn giận thì chì triết con gái: “Lấy ai không lấy lại đi lấy nhà báo!”. Hồi xem bộ phim này, tôi còn là sinh viên. Không thể giải thích nổi, gần 20 năm qua đi, đã xem cả nghìn bộ phim nhưng cái đoạn hội thoại này khiến tôi cứ nhớ mãi, có thể nó liên quan đến nghề nghiệp của bản thân và lần nào nghĩ đến cũng thấy… phì cười.
Nhà báo Vân Quế

Nhà báo Vân Quế

Nhà báo thì sao (?!) Cũng cả mấy chục năm trước, người ta vẫn hay truyền miệng nhau câu nói vỉa hè: “Cơm hàng, cháo chợ, vợ phóng viên” để tả về cái sự bấp bênh của bữa cơm gia đình khi có vợ là phóng viên, đi như “ngựa vía”. Chẳng cần tư duy sâu cũng đoán được, tác giả của câu nói này hẳn phải là đàn ông với đầy ẩn ức về “cơm - ngon - canh - ngọt”. Còn những nhà báo nữ thì khi gặp các đối tượng “cà khịa” về “đặc thù… nghề nghiệp” thì thường thản nhiên mà rằng, câu nói truyền miệng nói ai đó, trừ mình ra.

Thời đại của truyền thông, mạng xã hội, chuyện đi công tác với các nhà báo cũng đơn giản hơn. Nhà nếu có đặt camera, vẫn kiểm tra được con cái ở nhà làm gì, ăn uống như nào, thi thoảng gọi về chỉ đạo, xem ít ti vi thôi, đọc sách đi, đồ ăn đã nấu sẵn trong tủ bỏ ra đun lại cho nóng... Nếu không có camera thì điện thoại thông minh đó, có thể gọi Facetime. Nói chung là mọi chuyện cũng không đến nỗi “cơm hàng cháo chợ”, câu truyền miệng vỉa hè thực sự đã lỗi thời.

Làm phóng viên, lại nhất là phóng viên mảng văn hóa, du lịch, đi công tác nhiều khi trông nhàn nhã kiểu “đi chơi”. Sẵn máy ảnh trong tay, chụp được kiểu ảnh đăng lên mạng xã hội gọi là “check-in” điểm đến thì bạn bè để lại bình luận đa phần “đi nhiều sướng thế”, thì im lặng và cười một mình thôi chứ không nhẽ lại dài dòng kể ra những vất vả... Có điều, những khó khăn, mệt nhọc, những điều đã thấy, đã nghe trong suốt các chuyến đi khiến mình trưởng thành, dày dạn hơn. Và sau mỗi chuyến đi bao giờ cũng là những kỷ niệm dù vui hay buồn.

“Chị làm xấu mặt chúng tôi quá!”

Đó là câu nói mà một chuyên viên sở nọ đã nói qua điện thoại với tôi như vậy sau khi trong một chuyến khảo sát du lịch để xây dựng tour tuyến kết thúc.

Chuyện là như thế này. Một chuyến khảo sát làng nghề kết nối tour tuyến cho du lịch ở một huyện ngoại thành Hà Nội được tổ chức, thành phần gồm các doanh nghiệp du lịch và cả các nhà báo. Trong chuyến đi ấy, đoàn được địa phương đưa vào thăm một ngôi chùa cổ, với hy vọng đây sẽ trở thành điểm đến cho du khách gần xa.

Gọi là chùa cổ nhưng mới tinh, hoành tráng lắm, tượng nào cũng to, cũng cao kỷ lục cả. Chùa chính thì còn 1 gian, nằm lẻ loi giữa các công trình khủng. Vốn là phóng viên theo dõi di sản đã lâu, nhìn qua là biết chùa cổ, lại được xếp hạng Di tích Quốc gia mà xây dựng thế này thì chỉ có là không phép. Bởi, không có cơ quan có thẩm quyền nào lại cấp phép cho việc xây dựng trái với kiến trúc gốc cả. Công nghệ Google sẵn, tra một cái là ra lịch sử chùa luôn, cả hình ảnh chùa cũ và một bộ phim tài liệu công phu từng phát trên đài truyền hình nữa.

Gặp được chính quyền địa phương, vốn ấm ức trong lòng không nhịn được mới hỏi về chuyện xây dựng chùa thì nhận được sự im lặng đáng sợ. Chuyến đi kết thúc, về đến nhà, bắt đầu tra lại tài liệu từ Ban Quản lý di tích, Sở Văn hóa - Thể thao, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) thì đúng là chùa được xây sai nguyên tắc. Nhiều báo chí sau đó cũng vào cuộc, công trình xây dựng đó buộc phải chỉnh sửa lại thiết kế, người trực tiếp và liên đới đều phải kiểm điểm vì để xảy ra sai phạm... Và phóng viên - người nhìn thấy sai phạm và phản ảnh thì bị chuyên viên sở nọ - đơn vị tổ chức chuyến đi gọi điện mắng không thương tiếc, đại ý chị mà làm thế này, chúng tôi lần sau không mời nữa, địa phương người ta nói, mời nhà báo về để viết tốt, ai ngờ lại làm thế và không quên nhấn mạnh trước khi dập máy: “Chị làm xấu mặt chúng tôi quá!”.

Phóng viên đành im lặng mà ngậm ngùi cho nghề nghiệp, không lẽ báo chí chỉ là để ngợi ca. Có nhìn thấy sai phạm cũng không dám lên tiếng vì sợ “lần sau chúng tôi không mời nữa”, thế thì đổi nghề khác cho nó an yên, làm phóng viên làm gì (?!).

Trong rất nhiều chuyển khảo sát thực địa các di sản văn hóa xuống cấp hoặc xây dựng trái phép sau đó, có những lần đi về, phóng viên nhận được “cảnh cáo”: “Khoan hãy viết về những sai phạm mà hôm nay chúng tôi phát hiện ra, không thì đừng có trách”. Suýt không nhịn được cười. “Sai phạm hôm nay phát hiện” là tòa nhà 4-5 tầng ngay ở vùng bảo tồn cấp 2 của di tích. Ai đi qua cũng thấy chứ có phải bé như con kiến và nhỏ như lỗ kim đâu. Gạt đi dọa dẫm “đừng có trách’, phóng viên vẫn viết, hôm sau bài lên tràn một trang, không thấy bên kia dọa dẫm gì thêm.

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô (hàng trước) trong chuyến công tác ở Cà Mau

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô (hàng trước) trong chuyến công tác ở Cà Mau

Ngôn ngữ bất đồng và trận ốm nhớ đời

Đó là chuyến đi khảo sát du lịch ở một huyện miền núi giáp biên giới Việt - Lào. Chính quyền địa phương đang có những nỗ lực thúc đẩy du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm “homestay”. Con đường dẫn vào bản đất đá gồ ghề bụi đỏ mù mịt. Hướng dẫn viên của đoàn nói, đây là mùa khô, đi còn dễ, mùa mưa lầy lội, khổ sở vô cùng. Huyện cũng đang có chủ trương là phát triển du lịch thì đầu tư làm con đường 17km từ huyện lỵ vào. Vài năm nữa việc đi lại sẽ đỡ vất vả hơn.

Đoàn phóng viên có dăm người, được bố trí ở trong một nhà sàn khá rộng. Đây là nhà dân đầu tiên trong bản hơn 1 năm nay mở cửa đón khách du lịch đến lưu trú. Để xây dựng mô hình đón khách đến ăn nghỉ, anh chủ nhà, cất công lên tận Mai Châu - Hòa Bình học cách làm du lịch cộng đồng, nói chung là cũng quen với mô hình du lịch “homestay”.

Bữa ấy là mùa đông, miền núi chỉ tầm hơn 4h chiều là sương xuống lạnh. Phải trải qua một chặng đường dài khảo sát điểm đến tại một số nơi nên trong người ai nấy đều khá mệt mỏi. Tôi hỏi chị chủ nhà, nhà tắm có nước nóng không, chị cười cười và gật đầu. Hỏi có máy sấy tóc không, chị lại cười cười, gật đầu. Thế là yên tâm. Vào đến nhà tắm vặn mãi không thấy nước nóng đâu. Nước lạnh tê cả tay. Nhưng thôi lỡ rồi, gội đầu rồi sấy khô vậy... Gội đầu xong xuôi, đi tìm máy sấy, hỏi chị chủ nhà để đâu, chị vẫn cười cười hiền hiền và gật đầu. Thôi thế là xong! Máy sấy không có và lúc đó mới nhận ra, chị chủ nhà hoàn toàn không biết tiếng Kinh, có muốn hỏi gì thì phải liên hệ anh chồng với mấy đứa con.

Ngôn ngữ bất đồng thật tai hại. Ôm cái đầu ướt ngồi chờ mãi không khô. Đêm đó, gió mùa về. Ngồi giữa nhà mà gió luồn qua các tấm ván dưới sàn hắt lên lộng cả óc. Chờ đến bao giờ mới khô... Sáng hôm sau dậy, họng đau, đầu bắt đầu lên cơn sốt, giọng khản đặc... Thế là xong! Cái cơ địa của người thành phố là tôi, lười vận động, không quen nắng gió, nên chỉ một chuyện “vớ vẩn” thế là đủ ốm một trận to.

Cũng trong sáng hôm đó, cả đoàn có lịch đi khảo sát trong rừng, đường đi khá xa và dốc, “bệnh nhân” tôi cố mãi mới không bị bỏ lại phía sau. Chuyến đi nhẽ ra kéo dài 5 hôm, tôi đành phải dừng lại ở ngày thứ 3 và đi nhờ xe về Hà Nội trước. Từ bản, tôi phải đi qua một chặng đường núi dài 17km để ra đến đường cái - ô tô vào được. Thằng bé “xe ôm” chở tôi mới 17 tuổi mà trông như 13-14 vậy, đen nhẻm, gầy gò. Hai cô cháu vừa đi vừa trò chuyện. Nó nói bằng giọng địa phương đặc biệt dễ thương, vừa nói vừa cười, bảo sao cô kém thế, chúng cháu ở đây tắm suối quanh năm có ai ốm đau gì đâu. Cô mà thế này thì không sống được ở đây đâu. Chết lâu rồi. Nó cứ nhấn mạnh vào cái thể trạng khật khừ của tôi kiểu rất khinh khi. Trận ốm đã đáng nhớ, nhưng chuyến đi trên cung đường bằng “xe ôm” với tài điều khiển xe máy lần đầu chở khách của thằng bé kia mới gọi là không thể quên...

Đi công tác vùng cao sợ nhất chuyện gì (?)

Sợ rượu! Đó là nỗi niềm không phải của riêng đội ngũ phóng viên mà là của rất nhiều người dưới xuôi có dịp lên vùng cao công tác.

Cuối năm 2020, trong chuyến công tác tại một huyện miền núi phía Bắc, tôi có gặp B.Q.L - 1 trong 600 nguời thuộc đề án đưa trí thức trẻ lên vùng sâu, vùng xa, biên giới khó khăn công tác. B.Q.L vốn là người gốc Nam Định, học xong đại học thì xung phong lên đây, giờ đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch xã vùng cao nọ. B.Q.L kể, hồi mới lên đây, sợ nhất là khoản uống rượu. Sau khi công tác được một thời gian thì phải làm báo cáo, đại khái báo cáo tổng thể về khó khăn, vất vả, cùng cả những kế hoạch, ý tưởng phát triển cho địa phương. Vốn thật thà, L viết cả về chuyện “phong tục”. Sau rồi cũng bị phê bình nhẹ, rằng đó là tập tục địa phương, cũng đang có điều chỉnh nhưng chưa được, và không thể đưa vào báo cáo chuyên môn được.

Nhà báo đi công tác vùng cao cũng không tránh khỏi việc “uống một chén đi rồi hỏi gì thì hỏi”, nhiều khi uống một chén xong là hoa hết cả mắt lên, còn hỏi được gì nữa. Có lần đi viết bài quảng bá du lịch vùng cao, gặp một chủ nhà đang ấp ủ làm du lịch cộng đồng. Ông chủ nhà thật thà hỏi: “Cứ bảo làm hôm say, mà tôi chẳng biết hôm say là gì?”. Sau khi giải thích xong, thì à ra một tiếng, tức là mời khách đến ở nhà mình chứ gì, tôi lại tưởng “hôm say” là để phân biệt với “hôm không say”, tôi thì hôm nào cũng là “hôm say”. Đáp lại lời ông, tôi cũng đành phải thật thà thú nhận, từ hôm lên đây, hôm nào cũng là “hôm say” của cháu. Nói xong thì cả chủ lẫn khách đều cười vui vẻ.

Người vùng cao đặc biệt mến khách, thành ra phải chấp nhận nhập gia tùy tục. Phong tục thế, không dễ gì mà thay đổi trong một sớm một chiều. Nhiều khi nhà báo sợ rượu quá phải thoái thác, thôi cháu đau dạ dày không uống được. Chủ nhà à lên một tiếng, ôi cứ uống đi trên này có bài thuốc chữa dạ dày hay lắm. Để tôi tặng một ít. Thế là xong! Lý do đằng trời cũng không thoát!