Những chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Donald Trump

ANTD.VN - Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống đã làm dấy lên những câu hỏi lớn như quan hệ của Mỹ với các nước lớn, đồng minh NATO, việc xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, chống biến đổi khí hậu… sẽ ra sao bởi ông từng có những tuyên bố gây sốc về chính sách đối ngoại.

Những chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Donald Trump ảnh 1Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể có điều chỉnh lớn song khó có sự đảo lộn trong chính sách đã định hình lâu nay của nước Mỹ

Dù đều nhanh chóng gửi điện chúc mừng hay gọi điện trực tiếp chúc mừng ngay sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, song các quốc gia, từ những đồng minh thân cận cho tới bất đồng với Washington, đều không khỏi dè dặt về chính sách đối ngoại của nước Mỹ khi ông chính thức trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng từ cuối tháng 1-2017. Khác biệt với nhiều ứng cử viên Tổng thống Mỹ trước đây, ông Trump khi tranh cử Tổng thống đã có những tuyên bố gây sốc với thế giới về chính sách đối ngoại.

Khác với Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và các Tổng thống trước đó, ông Trump cho rằng nước Mỹ đã phung phí quá nhiều nguồn lực để can dự vào những vấn đề bên ngoài nước Mỹ, nên cần phải tập trung trước hết vào giải quyết các vấn đề trong nước sát sườn để nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, ông tuyên bố giảm cam kết với bên ngoài để đặt lợi ích của đất nước và người dân Mỹ lên trên hết, đồng thời dùng sức mạnh kinh tế nhằm khôi phục vị trí trung tâm của Mỹ trên trường quốc tế.

Ông Trump đã làm các đồng minh truyền thống ở châu Âu bất an khi tuyên bố NATO đã lỗi thời và thay vì dựa dẫm quá nhiều vào ảnh hưởng cùng tiền bạc của Mỹ, châu Âu phải góp nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh cho chính họ. Tuyên bố giảm can dự vào các vấn đề an ninh quốc tế làm những đồng minh của Mỹ bất an nhưng lại khiến những đối thủ lâu nay của Mỹ như Nga, Trung Quốc có tâm trạng ngược lại.

Thế giới cũng không thể không khỏi lo lắng về xu hướng bảo hộ mậu dịch của thị trường lớn nhất toàn cầu khi ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Đó là chưa kể các chủ trương khác như hủy bỏ cam kết của Mỹ đối với việc chống biến đổi khí hậu hay xây dựng bức tường biên giới chặn dòng người nhập cư, cấm cửa người Hồi giáo…

Chính sách đối ngoại cũng như sự can dự vào các vấn đề toàn cầu của cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ rõ ràng sẽ có sự đảo lộn lớn nếu ông Trump thực hiện các cam kết khi tranh cử của mình. Tuy nhiên, theo giới phân tích cũng như các chuyên gia, giữa cam kết tranh cử và thực tiễn quyết sách, điều hành sau này của người đắc cử Tổng thống Mỹ luôn có khoảng cách, thậm chí rất lớn và ông Trump cũng chắc chắn không phải là ngoại lệ.

Những chính sách đối ngoại định hình nhiều thập kỷ nay, dù có những điều chỉnh lớn, song không dễ thay đổi chỉ trong một nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Bên cạnh đó, ông Donald Trump tuyên bố lúc tranh cử khi ở vị thế “người ngoài cuộc” còn một khi đã ngồi vào chiếc “ghế nóng” trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, thực tế có thể khác xa. Chính ông Trump trong những cuộc điện đàm đầu tiên với lãnh đạo các nước sau khi đắc cử cũng đã lập tức khẳng định coi trọng quan hệ song phương, như việc tái khẳng định cam kết an ninh của Mỹ với Hàn Quốc khi điện đàm với nữ Tổng thống Park Geun-hye. 

Trao đổi với báo chí ngày 9-11, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã khẳng định chính sách của Mỹ với Việt Nam không thay đổi dù ai là Tổng thống. Đại sứ Ted Osius cũng nhấn mạnh, tương lai của nước Mỹ gắn bó chặt chẽ với tương lai của châu Á và chính sách của Mỹ với khu vực này sẽ không thay đổi.