Những "chiêu" dẹp loạn trị thói ăn vạ của trẻ

ANTD.VN - Người xưa thường nói “thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi” câu nói đó vẫn đúng cho đến bây giờ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp con “mè nheo” thì  không thể dùng “roi vọt” hay khuyên con nhẹ nhàng mà các bậc cha mẹ cần phải kiên quyết, cứng rắn. Với những ‘chiêu” dẹp loạn dưới đây sẽ giúp cha mẹ sửa đổi và uốn nắn được thói ăn vạ của con.

Thế nào là thói ăn vạ ở trẻ

Theo thông tin trên báo Giáo dục thời đại, ăn vạ còn gọi là giận dữ, ăn vạ ở trẻ là khái niệm mô tả các hành vi ương bướng, la hét, khóc đòi bằng được, tức giận, đánh lại cha mẹ, nằm khóc ăn vạ thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 1-5 tuổi.

Những "chiêu" dẹp loạn trị thói ăn vạ của trẻ ảnh 1 

Thói ăn vạ xảy ra ở hầu hết các trẻ từ 1-5 tuổi

Đây là 1 giai đoạn hầu như các bé đều có thể trải qua. Nhưng cách ứng xử và xử lý ăn vạ của cha mẹ cần đúng thời điểm, kiên nhẫn và đủ nghiêm nghị. Ăn vạ sẽ qua đi nhưng sẽ mang những bài học lớn về cách sống và điều chỉnh hành vi tốt hơn cho bé.

Ăn vạ gồm 5 cấp độ, bao gồm: Cấp độ 1 là trẻ giận dữ, thể hiện ở tiếng la hét lớn hoặc trút cơn giận vào vật thể/ bản thân/người khác trong một khoảng thời gian ngắn (chỉ dài khi có ai đó tác động vào cảm xúc này). Đến cấp độ 2, trẻ sẽ có thêm cảm xúc buồn bã, bắt đầu bằng sự mếu máo, khóc, giãy giụa giảm dần, kéo dài bằng khoảng 40% tổng thời gian ăn vạ.

Theo Giáo sư James A.G. tại ĐH Connecticut, Mỹ, cha mẹ hãy để bé tự trải qua cấp độ 1,2,3 trong an toàn để bé suy nghĩ và tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Đến cấp độ thứ 4 là thời điểm tốt nhất để mẹ cho lời khuyên, răn dạy và yêu thương.

Trước những trò “nổi loạn” của trẻ mỗi khi ăn vạ, cha mẹ đừng vội dỗ dành, giận dữ hoặc tỏ ra lúng túng mà hãy kiên nhẫn thử những “chiêu” này.

Đừng “bắt mồi”

Theo thông tin trên báo VNN, phần lớn lỗi của các bậc phụ huynh chính là việc thể hiện sự quan tâm khi con cư xử xấu. Trẻ ăn vạ, khóc lóc, giận dỗi, chúng ta xúm vào dỗ dành, giải thích, răn đe,... mọi phản ứng dù là đang nhượng bộ hay phản đối hành động của trẻ, đều khiến trẻ nhận ra chúng đang “được quan tâm” và càng tiếp tục. Hãy thử tỏ thái độ “phớt lờ”. Khi phát ra tín hiệu mà không thấy cha mẹ hồi đáp, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình.

Không nên bỏ qua

Những "chiêu" dẹp loạn trị thói ăn vạ của trẻ ảnh 2 

Phớt lờ bé lúc bé lên đỉnh điểm “ăn vạ” không có nghĩa là sẽ bỏ qua luôn chuyện này

Phớt lờ bé lúc bé lên đỉnh điểm “ăn vạ” không có nghĩa là sẽ bỏ qua luôn chuyện này. Sau khi bé trở lại bình tĩnh, các mẹ nên ôm bé và giải thích cho bé hiểu hành động vừa rồi của bé là không tốt, tại sao mẹ lại không ủng hộ để bé hiểu được vấn đề.

Không bỏ mặc con

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, nhiều lời khuyên nói rằng bố mẹ cứ để mặc bé một mình và sau khi bé hết khóc cứ phớt lờ bé để bé bình tĩnh lại. Nhưng bố mẹ nên tìm cho bé một chỗ riêng tư và ở bên cạnh khi con khóc lóc.

Khi bạn đang buồn mà người thân thờ ơ không hỏi han gì cảm xúc của bạn sẽ thế nào? Hãy nghĩ về điều đó để chú ý đến cảm giác của bé. Tôi thường ngồi bên cạnh chờ đợi khi con khóc lóc.

Có thể có mẹ bé sẽ khóc to hơn nhưng qua nhiều lần, bé sẽ hiểu “mẹ ở đây là để chia sẻ và làm con bớt buồn chứ không phải để đáp ứng đòi hỏi kia của con”. Bé sẽ dần biết được là khóc lóc chẳng giải quyết được gì. Với lại, khi ứng xử như vậy, bé học được một điều là biết chia sẻ khi người khác buồn, đừng phớt lờ và để mặc họ.

Khen ngợi khi con không ăn vạ

Sau một thời gian biết ăn vạ không còn tác dụng, các bé sẽ có xu hướng không ăn vạ nữa, những tình huống bé ứng xử tốt mẹ nên khen ngợi bé.

Cha mẹ hãy khen con bằng những cách như nói với bé: “Mẹ vui lắm, hôm này con đi siêu thị nhưng không đòi mua đồ chơi” hay trong bữa cơm nói với chồng trước mặt con: “Bố ạ, hôm nay con đòi ăn xúc xích nhưng mẹ không đưa tiền và con cũng rất vui vẻ thông cảm cho mẹ không hề khóc lóc gì hết. Bố thấy con giỏi không”. Lời khen cụ thể, chân thành bao giờ cũng có tác dụng tuyệt vời để các em bé làm điều tốt.

Bản thân bố mẹ phải “mẫu mực”

Khi con quấy khóc, bản thân bạn cũng bực bội, la hét và khó chịu? Như vậy, bạn đã vô tình xây dựng hình tượng xấu mà con rất dễ noi theo. Thay vì thế, hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy bảo con lúc con “ăn vạ”.

Nếu bạn cảm thấy khó kiềm chế cảm xúc, mọi việc vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc bối rối không biết xử trí thế nào, hãy thử ra ngoài thư giãn một chút nhưng đảm bảo bé vẫn ở trong tình trạng an toàn. Sau khi tâm trạng đã ổn định, bạn sẽ quay lại và nói chuyện tiếp với trẻ.

Giữ thần kinh “thép”

Những "chiêu" dẹp loạn trị thói ăn vạ của trẻ ảnh 3 

Khi đòi hỏi mà không được đáp ứng, bé sẽ phản ứng gay gắt và cư xử khó ưa hơ

Khi trẻ đòi hỏi mà không được đáp ứng, chúng có thể sẽ phản ứng gay gắt và cư xử càng khó ưa hơn. Đừng vì thế mà nhượng bộ, hãy chuẩn bị tâm lí sẵn sàng cho những giọt “nước mắt cá sấu” hay những tiếng la hét đau đầu cả tiếng đồng hồ.

Luôn nhất quán

Có thể ở nhà bạn đã xử lí hiệu quả cơn ăn vạ của bé bằng cách phớt lờ nhưng khi ra ngoài đường, đi siêu thị... vì sợ người ngoài nhìn vào mà bạn dỗ bé bằng việc mua đồ chơi hay bánh kẹo cho “xong chuyện”. Bé sẽ nhận ra thói quen này của bố mẹ và có xu hướng ăn vạ nhiều hơn ở nơi đông người. Vì thế, hãy luôn kiên định thực hiện các phương pháp dạy con một cả ở nhà lẫn bên ngoài.

Không để người khác xen vào

Những "chiêu" dẹp loạn trị thói ăn vạ của trẻ ảnh 4 

Khi con "ăn vạ", tốt nhất là cha mẹ, ông bà cứ để mặc con, không dỗ dành cũng không mắng chửi

Nếu bạn đang cương quyết với bé mà lại có ông bà hay cô dì chú bác xúm vào dỗ dành, mọi kỉ luật của bạn trở thành vô nghĩa. Cần thống nhất quan điểm với các thành viên trong nhà là khi bé ứng xử không tốt, mọi người không nên bênh vực bé, sẽ khiến việc dạy dỗ càng khó khăn hơn.