Những chiến công thầm lặng

ANTĐ - Trong dòng chảy lịch sử 70 năm qua, những đóng góp thầm lặng của CBCS Phòng Viễn thông tin học, CATP Hà Nội đã góp phần làm nên những chiến công của lực lượng CAND, tạo nên truyền thống đầy tự hào của Công an Thủ đô Anh hùng.

Những chiến công thầm lặng ảnh 1Cán bộ Phòng Viễn thông tin học, CATP Hà Nội tập huấn nghiệp vụ

Trưởng thành từ gian khó

Thượng tá Thiệu Kim Lương, Trưởng phòng Thông tin liên lạc đầu tiên của Công an Hà Nội nhớ lại: “Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã xác định tầm quan trọng của công tác thông tin liên lạc “như thần kinh, mạch máu của con người, là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, quyết định sự thống nhất của chỉ huy, sự phân phối lực lượng và đảm bảo thắng lợi”. Vì thế, cùng với sự ra đời của lực lượng CAND, lực lượng thông tin liên lạc đã nhanh chóng được hình thành, đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình mới. 

Những tháng đầu tiên còn nhiều gian khó và thiếu thốn, nhưng những người lính thông tin đầu tiên của Công an Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc trong thời chiến luôn luôn thông suốt. Hòa bình lập lại, công tác đảm bảo thông tin liên lạc càng được quan tâm nhiều hơn. Từ một đội thuộc Văn phòng CATP Hà Nội và Văn phòng Công an tỉnh Hà Tây (cũ), lực lượng viễn thông tin học Thủ đô ngày càng trưởng thành và lớn mạnh hơn. 

Những năm gần đây, nhằm đảm bảo bí mật cho các hoạt động nghiệp vụ công tác công an, CATP đã tham mưu và được lãnh đạo Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho xây dựng một hệ thống thông tin hữu tuyến điện đầu số 043, độc lập với hệ thống điện thoại bưu điện, gồm hai hệ thống tổng đài trung tâm đặt tại 87 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) và số 6 Quang Trung (quận Hà Đông) được kết nối với hàng chục tổng đài vệ tinh đặt tại công an các quận, huyện, thị xã. “Đây là hệ thống thông tin huyết mạch quan trọng với hàng nghìn thuê bao phủ khắp các phòng, ban, quận, huyện, thị xã, phường, đồn, đội, trạm... luôn được đảm bảo thông suốt, là phương tiện thông tin chủ lực trong mọi hoạt động của CATP” - Đại tá Bùi Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Viễn thông tin học CATP Hà Nội cho biết. 

Ngoài ra, CATP đã được Bộ Công an đầu tư xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống mạng cáp quang vòng ring theo mô hình kiến trúc mạng metro, đảm bảo kết nối từ CATP đến tất cả trụ sở của công an 30 quận, huyện, thị xã và 137 công an phường thuộc 10 quận nội thành. Hệ thống này cũng cho phép các đơn vị sử dụng đa dịch vụ về truyền dữ liệu tốc độ cao. 

Giữ vững “mạch máu” thông tin

Chia vui với chúng tôi, chỉ huy Phòng Viễn thông tin học cho hay, các hạng mục công trình hạ tầng truyền dẫn thông tin liên lạc đều do cán bộ, chiến sỹ thông tin liên lạc CATP tự nghiên cứu, thiết kế, ứng dụng, thi công, quản lý, điều hành, khai thác, làm chủ về công nghệ, không phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài, vừa bảo đảm bí mật công tác, bí mật quốc gia, vừa tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

Hiện tại, hệ thống này đang được CATP sử dụng vào các mục đích truyền dữ liệu thuộc các hệ thống phần mềm nghiệp vụ, phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo trong lĩnh vực đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Trong công tác chỉ huy, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị có tính chất sự vụ, sự kiện, các hoạt động nghiệp vụ mang tính chất chiến dịch, chiến lược, Phòng Viễn thông tin học đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thông tin liên lạc bằng hệ thống thông tin vô tuyến và thông tin vệ tinh. 

Từ một bộ phận nhỏ thuộc Văn phòng CATP, với điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, sau 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Viễn thông tin học Công an Thủ đô với hệ thống thông tin vô tuyến và thông tin vệ tinh hiện đại đã trở thành phương tiện thông tin đắc lực giúp CATP làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an và công an các tỉnh lân cận không chỉ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phục vụ nhân dân mà còn góp sức mình vào bảo vệ các kỳ cuộc, các sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước.