Những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời với sự sẻ chia, thấu hiểu và có trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã gần 100 ngày kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Đối mặt với thách thức mới nảy sinh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang vào cuộc một cách quyết liệt với những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết và hiệu quả.
Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để sớm dập dịch

Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để sớm dập dịch

Thực tế đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn

Với Việt Nam, đến tháng 4-2021, thành công chống dịch Covid-19 được coi là một kỳ tích đáng tự hào được thế giới ghi nhận. Thế nhưng, với sự xuất hiện của chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, Việt Nam đang phải trải qua giai đoạn đầy thử thách. Số liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 3.000 ca vào đầu tháng 4 lên trên 150.000 ca hiện nay. Đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh tại khu vực phía Nam, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng nhanh nếu không triển khai các biện pháp giãn cách, truy vết kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó là tình trạng quá tải của hệ thống y tế, nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch, điều trị người bệnh.

Thực tế đó đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để vừa phòng chống dịch, bảo đảm đời sống người dân, nhất là tại những nơi cách ly, phong tỏa, đồng thời duy trì sản xuất kinh doanh tại những nơi an toàn, đủ điều kiện. Những ngày qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những chỉ đạo với tinh thần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, triệt để, đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả, đồng thời kiên trì thực hiện mục tiêu kép, dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, không để khủng hoảng truyền thông, tất cả vì ấm no, hạnh phúc, an toàn cho người dân.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ dịch bệnh Covid-19 với virus SARS-Cov-2 và các biến thể là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc điều trị, vì vậy, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn. Phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vaccine cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Vì thế, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp, bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, linh hoạt, cương quyết, quyết liệt nhưng rất mềm dẻo, phù hợp với từng nơi, từng lúc.

Với tinh thần đó, ngay sau hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có ngay Công điện số 1063/CĐ-TTg giải quyết những vấn đề khẩn cấp đang đặt ra trong thực tiễn phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, với tinh thần không một ai bị bỏ lại phía sau, tính mạng của mỗi người dân là đáng quý nhất, là trên hết, trước hết. Công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện mọi biện pháp để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”, không di chuyển khỏi nơi cư trú cho tới khi hết giãn cách.

Để người dân thực sự yên tâm, tin tưởng thực hiện yêu cầu giãn cách, Chính phủ yêu cầu các địa phương, các tỉnh phải bảo đảm đủ điều kiện vật chất, tinh thần; các yêu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân. Đi vào cụ thể, đó là việc hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Đi liền với đó là yêu cầu tổ chức tiêm vaccine nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vaccine hết hạn. Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do Covid-19.

Nhiều giải pháp cụ thể nhằm giảm bớt khó khăn của người dân

Không chỉ dừng ở những chỉ đạo, với sự thấu hiểu và nhận thức rõ những vất vả của nhiều người dân trong khu vực đang thực hiện giãn cách, Chính phủ còn kịp thời đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm bớt khó khăn của người dân.

Ngày 31-7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là đợt hỗ trợ tiền điện thứ 4 được đưa ra trong vòng 2 tháng qua kể từ ngày 2-6, khi Chính phủ có Nghị quyết 55/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện lần này là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 8 và tháng 9-2021. Theo ước tính của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong đợt 4 này, số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng là khoảng 2.500 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT). Mức giảm tiền điện như đợt 4 này được đánh giá là giúp nhiều gia đình bớt đi phần nào gánh nặng, nhất là hộ nghèo - những hộ dễ dàng nhận diện qua hóa đơn tiền điện.

Tiếp đó, ngày 1-8, Chính phủ lại có chỉ đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, người dân thực hiện giãn cách xã hội chủ yếu ở nhà, nhu cầu sử dụng điện, nước đương nhiên sẽ tăng cao. Việc Chính phủ có thêm quyết định liên quan đến hỗ trợ tiền điện, nước được đánh giá là hết sức cần thiết, được người dân hết sức quan tâm và ghi nhận.

Trước đó, đầu tháng 7-2021, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 68/NQ-CP với 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Với nguyên tắc bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách, Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng đã tạo “luồng sinh khí mới” góp phần ổn định an sinh xã hội cũng như giúp người lao động và người sử dụng lao động thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch và vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Với những giải pháp hết sức cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, nóng bỏng nhất đang đặt ra trong công tác phòng chống dịch và bảo đảm cuộc sống của nhân dân, các chỉ đạo và quyết sách kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện được sự chia sẻ, thấu hiểu, có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhân dân để muôn dân một ý chí, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống dịch.