Bê bối tại công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (2)

Những cảnh báo bị phớt lờ

ANTĐ - Danh sách hội viên trong mạng nội bộ của Công ty Holiday thể hiện lên đến 90.000 người. Cứ nhân bình quân mỗi hội viên 375 USD, sẽ ra số tiền mà Công ty Holiday đã thu. Đáng chú ý, Hà Nội chỉ là 1 trong 20 tỉnh, thành phố có “chân rết” của trò “vừa du lịch, vừa kiếm tiền” này.

Một trong nhiều hội nghị mà Công ty Holiday tổ chức để “lòe” người dân

“Không thể tin được”…

Đó là những “tiếng kêu yếu ớt” ở một vài tỉnh, thành phố trên các trang báo địa phương, ngay khi hình thức kinh doanh của Công ty Holiday “vươn” tới, khoảng cuối năm 2010. Bản chất kinh doanh của Công ty

Holiday giống hệt với trò lừa đảo, huy động vốn trên mạng Internet bị triệt phá hồi năm 2007-2008. Việc huy động vốn của Công ty Holiday không để kinh doanh, phát triển lĩnh vực gì và cũng không có lãi suất. Nó khuyến khích đông người tham gia nộp tiền, bằng những lời hứa hẹn ngọt ngào, từ đó dùng tiền của người sau… trả cho người trước. Khác với các vụ trước, Công ty Holiday “hạn chế” thưởng - trả hoa hồng cho nhân viên, mà chủ yếu bộ sậu lãnh đạo… thưởng lẫn nhau.

Theo tìm hiểu của PV Báo ANTĐ, tháng 6-2010, Tổng cục Du lịch đã có văn bản khuyến cáo, khẳng định các loại hình “Câu lạc bộ du khách” hoặc “Vừa du lịch - Vừa kiếm tiền” là trái phép, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây mất an ninh trong hoạt động du lịch. Còn ở nhiều địa phương, không ít người dân đã “kêu cứu” về hình thức kinh doanh kỳ lạ này. Với mong muốn thăng hạng “bàn vàng, bàn kim cương”, nhiều hội viên đã huy động người thân, thậm chí vay tiền của ngân hàng để trở thành hội viên của Công ty Holiday. Một đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Điện Biên kể lại: “Khoảng đầu năm 2011, mô hình kinh doanh “vừa du lịch vừa có tiền” xuất hiện. Chỉ trong khoảng 2 tháng, đã có rất nhiều người tham gia, mà đa số là cả gia đình. Nhiều hộ ham quá, bán cả thóc dự trữ hoặc vay vốn ngân hàng để nộp tiền cho Công ty Holiday”.

Tháng 7-2011, Công ty Holiday tổ chức “Hội nghị chăm sóc khách hàng” tại nhà thiếu nhi tỉnh Điện Biên. Hàng trăm người dân có mặt để nghe nhân viên Công ty Holiday quảng bá việc học tập các chương trình tập huấn, dự án… Trước “sức hút” lạ thường này, lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên đã phải đưa ra khuyến nghị: “Hoạt động của Công ty Holiday tại tỉnh Điện Biên chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng ngành đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về phương thức hoạt động của họ. Trong thời gian tới Thanh tra ngành sẽ vào cuộc xem xét thực hư hoạt động của tổ chức này và khuyến cáo để người dân tham gia không bị thiệt hại về kinh tế sau này”.

Cảnh báo về hoạt động của Công ty Holiday cũng được đưa ra từ một số tỉnh phía Nam, hồi giữa năm 2011: “Gần đây, ở một số địa phương trong tỉnh xuất hiện và ngày càng lan rộng một “loại hình kinh doanh độc đáo”, vốn ít lãi nhiều mà không cần phải vất vả, có tên là Diamond Holiday. Tuy nhiên, một số người lại băn khoăn đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là một kiểu lừa đảo tương tự như “kinh doanh qua mạng” Colony hay các hình thức kinh doanh đa cấp bất hợp pháp khác từng khiến nhiều người khốn đốn, “tiền mất nợ mang?”. Tiếc rằng, những cảnh báo ấy đã không được quan tâm, giải quyết.

Câu hỏi mở

Đó là những cơ quan, đơn vị nào đã cấp phép và chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động của Công ty Holiday?

Theo như những gì mà Công ty Holiday quảng cáo trên Internet, thì công ty này là thành viên của “Tập đoàn Diamond Holiday Travel Inc”, là một “sáng tạo du lịch dịch vụ mạng” có trụ sở chính đặt tại Suite 1200. N 1000 West Street Wilmington - Delaware, Hoa Kỳ 19.801. Tập đoàn DHT có một đội ngũ kết hợp trên 45 năm của du lịch truyền thống, thương mại điện tử (internet) và kinh nghiệm chuyên môn sâu sắc… Tập đoàn DHT khai trương văn phòng tại Việt Nam tháng 9-2010, là văn phòng thứ 2 tại châu Á, sau Hồng Kông…

Những lời quảng cáo trên, có rất ít phần trăm sự thật! Theo thông tin PV ANTĐ nắm được, cơ quan chức năng đã xác minh, làm rõ Tập đoàn DHT không hề có trụ sở tại Mỹ ở địa chỉ như trong quảng cáo của Công ty Holiday.

Còn tại Hồng Kông, bóng dáng Tập đoàn DHT hay Công ty Holiday cũng không hề tồn tại. Vậy tại sao, những thông tin này đã không được kiểm chứng, trước và trong khi Công ty Holiday đi vào hoạt động, thu tiền, huy động vốn tại Việt Nam? Bên cạnh đó, trong hơn 1 năm trời, hoạt động của các thành viên Công ty Holiday khá rầm rộ, phổ biến, công khai, tụ tập đông người, nhưng chưa thấy chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, xác định tính hợp pháp và cũng chưa thấy nhiều sự cảnh báo được đưa ra từ phía cơ quan có thẩm quyền? Cuối cùng phải đến khi Công an Hà Nội, với sự phối hợp tích cực của cục nghiệp vụ - Bộ Công an vào cuộc điều tra, sự bất minh của Công ty Holiday và trò “vừa du lịch vừa kiếm tiền”,  mới bị lật tẩy. Rõ ràng, đây là bài học quá “đắt” cho những nhận thức mù mờ của một bộ phận không nhỏ người dân. Và trong “bài học” ấy, cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của cả cơ quan thẩm quyền.

Theo thông tin riêng của PV ANTĐ, ngày 29-2, bắt đầu có những thành viên chủ chốt của Công ty Holiday tự giác mang ô tô đến CQĐT nộp. Ô tô đó được mua từ tiền đóng góp của các hội viên và bản thân Tổng giám đốc Hùng cũng đang có “nhã ý” xin nộp CQĐT một chiếc ô tô “xịn” để khắc phục hậu quả. Và sau ông Hùng, CQĐT đang củng cố, hoàn tất hồ sơ để bắt thêm các đối tượng trong vụ án lừa đảo quy mô rất lớn này.