Những căn bệnh nguy hiểm dễ phát sinh khi rét đậm

ANTD.VN - Sự thay đổi của thời tiết, nhất là rét đậm, rét hại đột ngột làm suy giảm sức chống đỡ của cơ thể, từ đó tạo cơ hội cho các bệnh phát sinh, nhất là đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Hãy xem đó là những căn bệnh nguy hiểm nào?

Những căn bệnh nguy hiểm dễ phát sinh khi rét đậm ảnh 1Giữ ấm cơ thể là biện pháp phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm mùa đông

Tê cóng

Thời tiết lạnh buốt, người lao động chân tay phải làm việc ngoài trời hay người phải ra ngoài đường nhiều rất dễ bị tê cóng. Tê cóng xảy ra khi da và các mô bên dưới da “đóng băng”, thậm chí là hoại tử khi tiếp xúc với thời tiết lạnh và nhiều gió.

Cách xử trí là phải cách ly với giá lạnh, làm nóng vùng da này một cách dần dần. Có thể sưởi ấm các vùng như tai, mặt, mũi, các ngón tay, ngón chân bằng hơi thở ấm của mình hoặc áp phần chân tay có quần áo ấm vào nơi da bị lộ ra ngoài. Nếu có thể, ngâm vùng tê cóng vào nước ấm trong 10-15 phút. Chú ý: Không hơ lửa sưởi ấm lại ngay vùng bị tê cóng. Không chà xát hoặc xoa bóp phần cơ thể bị tê cóng để tránh gây tổn thương cho các mô. Để phòng tê cóng, ra ngoài trời lạnh cần trang bị đầy đủ áo khoác, găng tay, mũ, tất ấm. 

Hạ thân nhiệt đột ngột

Hạ thân nhiệt là khi cơ thể còn 35 độ C. Người già, trẻ em và người gầy là những người rất dễ có nguy cơ. Một số tình trạng khác khiến người ta dễ bị hạ thân nhiệt là suy dinh dưỡng, bệnh tim mạch và thiểu năng tuyến giáp.

Khi trời lạnh  nếu cơ thể run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, xám,... nên quấn chăn và đốt lửa sưởi cho tới khi cơ thể ấm lại. Không nên chườm nóng trực tiếp. Không dùng nước nóng, đệm sưởi hoặc đèn sưởi để làm ấm cơ thể, nhất là làm ấm tay và chân vì việc đó đẩy máu lạnh trở về tim, phổi và não, gây hạ thân nhiệt trung tâm, có thể dẫn đến tử vong. Lưu ý mùa đông không uống rượu bia mặc dù chúng có thể tạo cảm giác ấm người ngay tức khắc nhưng sau đó có thể khiến cơ thể hạ nhiệt bất ngờ. 

Đột quỵ

Trời lạnh, người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến... tăng cao hơn so với các mùa khác. Lý do là thời tiết lạnh giá khiến mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp nên lưu lượng máu đến não giảm. Mặt khác, huyết áp dễ tăng cao dẫn đến tăng áp lực trong lòng mạch. Với người bị xơ vữa động mạch, nguy cơ mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ. 

Khi phát hiện người đột quỵ cần sơ cứu bằng cách: để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu thấy người bệnh có những cơn đau đầu dồn dập, buồn nôn thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Thời gian từ lúc đột quỵ xuất hiện đến khi bắt đầu điều trị là “thời gian vàng”, quyết định đến sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não.