Những cái tên bất tử

ANTĐ - Hàng năm, cứ vào tháng bảy, lực lượng Công an Thủ đô lại có những việc làm thiết thực để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, thương binh đã hy sinh máu thịt của mình  bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, nhân dân. 

Tô thắm lá cờ truyền thống

Trải qua 68 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lịch sử CATP Hà Nội là những trang vàng ghi lại biết bao chiến công hào hùng. Lớp lớp cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội đã không tiếc máu xương của mình vì sự bình yên của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Trong 68 năm ấy, Công an Hà Nội đã cống hiến cho đất mẹ Việt Nam 333 người con ưu tú. Họ ngã xuống trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có 244 liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; 67 liệt sỹ thời kỳ chống Mỹ cứu nước và 22 liệt sỹ thời bình. 

333 tấm bảng vàng được khắc trên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Công an Hà Nội là 333 bản hùng ca trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc. Nhiều người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất Mẹ, hay để lại một phần thân thể, đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, như Anh hùng, Liệt sỹ Trần Bình (đội viên đội Hành động Công an Quận 6, Hà Nội) với câu nói bất hủ “Giận mình chết quá sớm, chưa cống hiến được bao nhiêu” trước khi bị giặc xử bắn khi mới tròn 21 tuổi. Đó là Anh hùng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Uân, Nguyễn Tài Hải, Nguyễn Thái Bình, Phan Khắc Trình, Trần Thị Lời, Nguyễn Văn Ngữ, Mai Thị Du... Những cái tên đã hóa thành bất tử.

Ngay trong khuôn viên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Công an Hà Nội, Bảo tàng Công an Thủ đô là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử quý giá. Đó là những kỷ vật của đồng chí Nguyễn Thị Lợi (Trần Thị Lời), điệp báo viên Công an Hà Nội, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã hy sinh khi đánh đắm Thông báo hạm Amyot d’lnville của thực dân Pháp tại Sầm Sơn, Thanh Hoá ngày 27-9-1950. Người phụ nữ nhỏ bé với tấm lòng yêu nước vô hạn và trái tim quả cảm đã hy sinh thân mình để làm nên một chiến công lừng lẫy đi vào sử sách... Vẫn hiện hữu, sống động là chiếc mũ và tấm biển “Đồn Công an thị trấn Yên Viên” đầy vết đạn trong những ngày địch rải thảm B52. Vẫn còn đây hình ảnh của Anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Văn Uân quên mình cứu em bé dưới mưa bom - hình ảnh đọng mãi trong ký ức nhân dân khu lao động Mai Hương, Hai Bà Trưng những ngày lịch sử tháng 12-1972. Đó là tấm gương của Anh hùng, Liệt sỹ Nguyễn Tài Hải (Phó trưởng CAP Chương Dương)  xung phong đi làm nhiệm vụ và anh dũng hy sinh ngày 1-7-1981, khi mới 29 tuổi... Dù ở nhiều lứa tuổi khác nhau, những mặt trận khác nhau và hy sinh trong hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những tấm gương anh dũng, xả thân vì Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

“Từ ngày thành lập, lực lượng Công an Hà Nội luôn nhận được những chỉ đạo sát sao của Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố, sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân Thủ đô, và đã lập được nhiều thành tích xuất sắc. Để có được những chiến công, thành tích đó, biết bao liệt sỹ của Công an Hà Nội đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Hàng trăm đồng chí thương binh đã để lại một phần xương máu, tô thắm thêm lá cờ truyền thống của Công an Thủ đô”, Thiếu tướng 

Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP xúc động nói trong Lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công cho 2 liệt sỹ Công an Hà Nội đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp: Nguyễn Ngọc Phong và Nguyễn Văn Lưu, ngày 26-7-2013. Tiếp đó, những ngày đầu tháng 3-2014, Bộ Công an, CATP Hà Nội, Công an tỉnh Hưng Yên và chính quyền địa phương đã tổ chức lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sỹ Lê Thị Nguyệt, nguyên là cán bộ Công an quận VI, Ty Công an Hà Nội, nay là Công an quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Là cán bộ điệp báo, đồng chí Lưu Thị Nguyệt đã dũng cảm đấu tranh với địch, không khai báo cơ sở và giữ bí mật cách mạng nên bị kẻ thù tra tấn dã man. Ngày 25-4-1948, đồng chí Lê Thị Nguyệt đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò. Đó là tấm bảng vàng thứ 333 tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Công an Hà Nội. Những năm kháng chiến chống Pháp, Hà Nội là vùng địch tạm chiếm, hoạt động nội thành hết sức khó khăn, quyết liệt; các cán bộ công an Hà Nội là những người đầu tiên trở về nội thành hoạt động, dũng cảm, kiên cường bám trụ cho đến ngày giải phóng Thủ đô, và hy sinh tổn thất rất nhiều. Bằng tấm lòng biết ơn sâu sắc, Công an Hà Nội đã và đang không ngừng nỗ lực để tìm kiếm thân nhân các liệt sĩ để đưa các Anh, các Chị về với đồng đội sớm nhất, đó là tâm niệm và nguyện vọng của toàn lực lượng Công an Thủ đô.

Tiếp bước cha anh

Trước tình hình tội phạm ngày càng táo tợn, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng công an cũng theo đó mà ngày càng nặng nề, không ít cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội đã anh dũng hy sinh ngay giữa thời bình, trên tuyến đầu của mặt trận không kém phần khốc liệt này. Trong đó có những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ: Liệt sỹ Nguyễn Trường Quân (SN 1984, Phòng CSGT), Liệt sĩ Phạm Tuấn Anh (SN 1989, Trung đoàn CSCĐ), Liệt sỹ Lương Duy Vượng (SN 1983, Cảnh sát hình sự CAP Hoàng Liệt)... và còn cả hàng trăm cán bộ chiến sĩ mang nhiều thương tích, 180 thương binh loại A vẫn đang hàng ngày âm thầm tham gia gìn giữ an ninh trật tự... Xúc động khi nhắc đến sự hi sinh của người cha - Liệt sĩ Công an Hà Nội Nguyễn Văn Ngữ, Thượng úy Nguyễn Minh Tiến (cán bộ Đội Cảnh sát Kinh tế, CAQ Hai Bà Trưng) chia sẻ, động lực để anh theo đuổi sự nghiệp là tấm gương quên mình bảo vệ Tổ quốc của người cha kính yêu. Cảm xúc ấy sẽ như tiếp thêm cho Thượng úy Nguyễn Minh Tiến nghị lực sống, không quản ngại khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Công an thành phố đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sỹ và những người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Tiếp bước cha anh, hàng ngày, ở mỗi ngã tư, mỗi con phố, những chiến sĩ Công an Thủ đô nguyện phấn đấu hết mình, mỗi ngày làm thêm nhiều việc tốt phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì một Thủ đô bình yên, vì Hà Nội - Thành phố hòa bình.  

Bền bỉ những hoạt động nghĩa tình

Những cái tên bất tử ảnh 1

Những năm qua, Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc thực hiện hoạt động đền ơn đáp nghĩa như thăm hỏi tặng quà các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn; quy tập hài cốt liệt sỹ, khám sức khỏe đối với thương binh, thân nhân liệt sỹ, xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Nguyễn Thị Liên (Ba Đình), mẹ Nguyễn Thị Bình (Đan Phượng). Năm 2013, Công an TP Hà Nội đã khởi công xây dựng và khánh thành 8 ngôi nhà cho thân nhân liệt sỹ; thăm, tặng quà, trợ cấp thân nhân liệt sỹ, người có công, thương binh 882 triệu đồng. Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP cũng thường xuyên thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của các đồng chí công an lão thành, Ban liên lạc Chiến trường B-C-K, Ban liên lạc Công an Hà Nội tham gia kháng chiến chống Pháp... Ngày 26-7, Công an Hà Nội sẽ khởi công xây dựng 3 nhà tình nghĩa tại Thạch Thất, Sơn Tây, Hoàng Mai. Dự kiến trong năm 2014, CATP Hà Nội sẽ xây dựng 8 nhà tình nghĩa.