Những cái tát hạ nhục và hành xử phản giáo dục

ANTD.VN - Trường hợp cô giáo với “231 cái tát” ở tỉnh Quảng Bình còn chưa kịp lắng lại thì mới hôm qua thôi, ở Hà Nội có một sự việc tương tự khác đã diễn ra. Theo đó, “giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5 trường Tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội cho bạn tát một học sinh 50 cái vì em này nói chuyện”. 

Những cái tát hạ nhục và hành xử phản giáo dục ảnh 1Những hành vi bạo lực cần bị đẩy lui bởi chính những người được trao cho sứ mạng “trồng người”  (Tranh minh họa)

Đã có thời, bức tranh giáo dục của nước nhà có những nét vẽ xô lệch bởi những hành vi bạo lực giữa học sinh với học sinh. Lúc đó, một giáo viên đã hỏi tôi rằng, chẳng hiểu vì sao bây giờ bạo lực học đường lại rầm rộ trên mạng xã hội như vậy. Tôi nói với thầy một cách châm biếm rằng: Muốn không để những hành vi bạo lực của học sinh trong trường bị phát tán lên mạng, hãy triệt để cấm học sinh sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình trong trường học. Bởi đó là nguồn thu và nguồn phát những góc tối của giáo dục. 

Gần đây, bạo lực giữa các cá nhân, hoặc nhóm học sinh không còn xuất hiện nhiều như trước kia, nhưng lại có những hành vi bạo lực được “xây dựng” nên bởi chính những người được trao cho sứ mạng “trồng người”. 

Trường hợp cô giáo với “231 cái tát” ở tỉnh Quảng Bình là một ví dụ điển hình. Dư luận chưa kịp lắng lại với những xót xa từ 231 cái tát thì ngay giữa Thủ đô Hà Nội một sự việc tương tự khác đã diễn ra. Theo đó, “giáo viên chủ nhiệm lớp 2A5 trường Tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội cho bạn tát một học sinh 50 cái vì em này nói chuyện”. 

Bất lực. Không thể hiểu nổi. Chuyện gì đang xảy ra thế này? Đó là câu nói mà hẳn nhiều người đã phải thốt lên khi bạo lực có nguồn gốc từ giáo viên và bắt đầu bằng những cái tát hạ nhục cứ thế tiếp diễn. 

Theo dõi những câu chuyện gần đây, bỗng dưng tôi nghĩ đến một bộ phim mà mình đã từng xem có tựa đề “Cậu bé đặc biệt” của Ấn Độ. Bộ phim kể về một cậu bé 8 tuổi tên là Ishaan. Mặc dù cậu rất giỏi vẽ, nhưng thành tích học tập thấp kém của cậu khiến ba mẹ cậu phải gửi cậu vào trường nội trú. Tại đây, Ishaan từ một học sinh đặc biệt đã trở thành cá biệt trong mắt của giáo viên. Duy nhất chỉ có Nikumbh - giáo viên dạy vẽ mới của trường của Ishaan mới phát hiện cậu bị chứng khó đọc, và anh đã giúp Ishaan vượt qua khỏi tật này.

Từ một học sinh cá biệt, Ishaan đã trở thành một ngôi sao lấp lánh và đem lại niềm tự hào không chỉ có gia đình mà cả trường học ở tài năng hội họa thiên bẩm của mình. Nếu người thầy Nikumbh không nhìn thấy điều đặc biệt ở một học sinh cá biệt và vẫn áp dụng sự trừng phạt hà khắc bằng những cái tát. Có lẽ cậu chỉ là một ngọn đèn tắt chứ không phải là một ngôi sao lấp lánh. 

“Bất lực. Không thể hiểu nổi. Chuyện gì đang xảy ra thế này? Đó là câu nói mà hẳn nhiều người đã phải thốt lên khi bạo lực có nguồn gốc từ giáo viên và bắt đầu bằng những cái tát hạ nhục cứ thế tiếp diễn”. 

Nhìn xa ra, bạo lực từ giáo viên không phải tự nhiên sinh ra ở đâu đó và lúc nào đó nó còn được sự gửi gắm của phụ huynh. Thế hệ học sinh chúng tôi từng nghe rất quen những câu nói của bố mẹ như: “Bố mẹ không dạy được thì để thầy cô dạy”.

Sự gửi gắm đó dĩ nhiên trao thêm quyền bạo lực cho giáo viên, ở cái thời mà mạng xã hội chưa phát triển và học sinh cũng chưa có điện thoại có chức năng quay phim như bây giờ, những hành vi bạo lực của giáo viên với học sinh vẫn chỉ là chuyện nội bộ trong trường. Nếu những điều đó được phản ánh đến tai bố mẹ thì vẫn là câu nói cũ: “Bố mẹ không dạy được thì để thầy cô dạy”. 

Một trong những đóng góp không thể thiếu của các hành xử phản sư phạm đó có vai trò của “bệnh thành tích”. Thứ “bệnh” len lỏi không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục. Những con số và thứ hạng như một thứ màu vẽ để người ta đắp lên những hình hài non nớt. 

Những cái tát hạ nhục và hành xử phản giáo dục ảnh 2Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Bạo lực chỉ làm nảy sinh ra bạo lực, nhưng bạo lực lại giống như một liều thuốc kháng sinh cực mạnh có tác dụng tức thời, hậu quả về sau không cần tính tới. Mà đôi khi những liều thuốc kháng sinh đó lại được gián tiếp kê đơn bởi bố mẹ và xã hội thông qua mục tiêu về thành tích từ cá nhân đến tập thể.