điều khiển phương tiện khi uống rượu, bia say:

Những cái chết được báo trước

ANTĐ - Không những tích độc tố gây hại cơ thể, người uống rượu bia còn phải đối mặt với nguy cơ mất mạng vì TNGT khi điều khiển xe. Hậu quả này ai cũng biết nhưng nhiều người vẫn phớt lờ.

Rất nhiều vụ TNGT bắt nguồn từ lái xe uống bia rượu  

Đủ thành phần “đỏ mặt”

12h trưa, trước cổng trụ sở của Đội CSGT số 6 - Phòng CSGT, CATP Hà Nội là những tốp thanh niên đứng ngồi xiêu vẹo. Khuôn mặt của ai cũng đỏ gay gắt. Một thanh niên miệng đầy mùi bia rượu đang cố liên lạc qua điện thoại với người thân để phân trần không uống chút men nào và nhờ trợ giúp thoát khỏi sự kiểm tra của CSGT. Chưa kịp dứt câu chuyện nhờ vả, nam thanh niên này đã phải ngậm miệng thổi vào máy đo nồng độ cồn trước thái độ dứt khoát, kiên quyết của Thiếu úy Nguyễn Văn Nam. Mặc dù đã được Thiếu úy Nam hướng dẫn cách thổi nhưng nam thanh niên trên là Trần Văn Thoại, ở Chương Mỹ vẫn cố tình ngậm chặt ống thổi nín thở.

Chưa hết, khi bị tổ xử lý nhắc nhở, Thoại còn viện lý do rằng bản thân đang bị nhiệt miệng nên khó ngậm ống và thổi được. Hành vi cố tình “chầy bửa”, cản trở việc xử lý của Thoại đã bị Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Đội trưởng Đội CSGT số 6 lật tẩy khi yêu cầu CBCS đưa Thoại sang kiểm tra tại bệnh viện 19-8. Chỉ nghe đến đây, Thoại im thít, miệng ngậm ống thổi của máy đo nồng độ cồn thổi “ngon lành”. Chưa đầy 3 giây sau, kết quả từ máy đo cho thấy số rượu Thoại uống đã vượt 5 lần so với mức quy định.

Sau khi “chén chủ” trong cuộc rượu phải ký vào biên bản vi phạm với lỗi nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định trong quá trình điều khiển phương tiện, 3 người bạn của Thoại cũng lần lượt nhận giấy hẹn đến nộp phạt với lý do tương tự. Mặt tím tái sau buổi rượu gặp mặt đầu xuân, Nguyễn Xuân Hòa phân trần với CSGT như để chữa ngượng với người bạn gái đi cùng: “Lâu chưa gặp, 4 đứa chúng em mới hết có 3 chai volka to thôi mà”.

Cũng giống nhóm của Hòa, nhóm 5 sinh viên cả nam và nữ điều khiển xe máy phóng trên đường Xuân Thủy miệng nồng nặc mùi bia rượu đã được tổ xử lý chuyên đề bia rượu của Đội CSGT số 6 đưa về trụ sở để kiểm tra. Qua máy đo nồng độ cồn, cả 5 người trong nhóm đều vi phạm. Khi PV hỏi có biết quy định không được điều khiển phương tiện khi uống rượu bia hay không, miệng bốc mùi rượu, Đặng Hoài Nam nói, đang đi tìm quán karaoke hát để phả hết rượu rồi mới vào lớp học. “Bọn em uống thường xuyên. Sinh viên bây giờ uống rượu tính bằng bát chứ vài chén nhằm nhò gì. Rượu vào lái xe càng “lụa”, Nam thản nhiên.

Không chỉ có thanh thiếu niên, sinh viên sớm bập vào rượu, bia rồi phóng xe như ma đuổi trên đường, một tầng lớp chiếm tỷ lệ vi phạm lớn nhất đó chính là cán bộ công nhân viên chức. Theo Trung tá Nguyễn Hữu Tâm - Đội trưởng Đội CSGT số 1, trong 4 ngày vừa qua hơn 50 trường hợp người vi phạm bị đơn vị xử lý thì có tới gần 30 người là dân văn phòng. Hầu như không kể trưa tối, sau giờ làm việc là họ lại kéo nhau ra quán. Người ít thì một đôi chén, nhiều thì hàng chai. Làm tổ trưởng tổ công tác xử lý vi phạm rượu bia trực tại ngã ba Trần Hưng Đạo - Trần Khánh Dư, Trung úy Nguyễn Văn Thái kể lại một vụ TNGT khiến anh nhớ mãi, đó là vào tháng  12-2011, 2 người đàn ông trung niên sau khi rời quán bia đèo nhau trên xe máy phóng như bay về phía cầu Vĩnh Tuy đã mất lái đâm vào thành cầu chết tại chỗ. Khi bộ phận khám nghiệm hiện trường tai nạn đến nơi, trên thi thể của 2 nạn nhân vẫn nồng nặc mùi bia rượu.


Phớt lờ cảnh báo

Câu chuyện về vụ TNGT nghiêm trọng trên được Trung úy Thái thuật lại cũng chỉ là một trong hàng trăm vụ TNGT có liên quan đến rượu bia được Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiện TNGT - Phòng CSGT ghi lại từ năm 2009 đến nay. Còn Trung tá Đinh Thanh Thảo - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT cho biết, TNGT liên quan đến rượu bia có thể xảy ra bất kể thời gian nào trong ngày. Tuy nhiên, đáng sợ nhất vẫn phải kể đến những vụ TNGT xảy ra vào ban đêm. Hầu hết những vụ đó đều là tai nạn liên hoàn, gây hậu quả vô cùng thảm khốc. Không khó lý giải bởi thời điểm này số thanh thiếu niên đi ăn uống về khuya có hơi men trong người thường nổi máu yêng hùng cộng với đường vắng khiến vận tốc của những chiếc xe như làm “cháy” mặt đường. Sau khi gây tai nạn, các lái xe này thường bỏ chạy, hoảng loạn lại tiếp tục gây thêm tai nạn.

Hậu quả do TNGT để lại đối với không chỉ gia đình người bị hại mà cả xã hội rõ ràng là không thể đong đếm được. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền và xử lý đối với hành vi vi phạm này lại chưa thật sự được các cơ quan chức năng quan tâm. Dù trong tháng 9 - Tháng ATGT năm 2011, vi phạm về rượu bia được lấy làm chủ đề xử lý nhưng cho đến nay, việc duy trì xử lý theo chủ đề này vẫn rất khiêm tốn ở các địa phương. Thượng tá Trần Sơn - Phó Trưởng phòng Hướng dẫn Luật Giao thông, Cục CSGT đường bộ-đường sắt (Bộ Công an) cho biết, trong năm 2011, phân tích 25.093 vụ TNGT thì có 1.080 vụ lái xe uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Theo Thượng tá Sơn, con số thống kê này mới chỉ phản ánh được “phần ngọn” so với vi phạm đang diễn ra trên thực tế. Đồng tình với nhận định này, đại diện Phòng CSGT Hà Nội cũng khẳng định, hàng trăm nghìn quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố mỗi ngày cũng đón tiếp hàng triệu lượt thực khách. Nếu tính “rẻ” ra ít nhất 60% trong số đó vi phạm nồng độ cồn quá quy định thì con số vi phạm là rất lớn.

Vi phạm nhiều như vậy nhưng sao con số xử lý của các đơn vị chức năng lại thấp. Câu hỏi này của PV đã được Cục CSGT và Phòng CSGT trả lời bằng cùng một kết quả na ná nhau như: trang thiết bị phục vụ cho công tác xử lý thiếu, nhiều nơi hỏng hóc không sử dụng được. Ngoài ra, gần như 90% số người vi phạm đều tìm đủ mọi cách chống đối, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của CSGT. Thực trạng này đòi hỏi CSGT cần phải làm mạnh tay hơn nữa trong công tác tuần tra kiểm soát. Tuy nhiên, trong khi nhiều người vẫn coi rằng việc uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện là quyền của họ thì chắc chắn rằng, sẽ thêm nhiều nạn nhân thiệt mạng vì TNGT.