Những bước tiến dài trong thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam

ANTD.VN - Sau 30 năm tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1989-2019), ở Việt Nam, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm 3/4,  suy dinh dưỡng, thấp còi giảm 1/2; tỉ lệ tiêm chủng cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi; số trẻ em đến trường cao nhất trong lịch sử… Những thành quả trên đã được nêu bật trong Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, tối 16-11, tại Hà Nội.

Trẻ nhỏ tham gia sân chơi tìm hiểu Công ước về Quyền trẻ em tại triển lãm ảnh “Thắp sáng nụ cười Việt Nam” diễn ra trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhằm kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em 

Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, cho đến hôm nay, vẫn được coi là tiến bộ nhất và có đông quốc gia thành viên nhất (196 quốc gia). Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này (vào ngày 20-2-1990). Những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em. Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 là một bước tiến bộ về bảo đảm quyền trẻ em với một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về quyền trẻ em. Các bộ luật, luật khác trong quá trình sửa đổi, bổ sung cũng luôn cập nhật, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các thông lệ và chuẩn mực quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em, như: Hình sự, Tố tụng hình sự, Xử lý vi phạm hành chính, Lao động, Hôn nhân và gia đình, Tổ chức tòa án nhân dân…

Đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam là đặt trẻ em vào trọng tâm ưu tiên của đầu tư cho xã hội, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho phát triển bền vững và chuẩn bị tốt nhất cho nguồn nhân lực.

Tại buổi lễ, phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers đều nhấn mạnh, những cam kết trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em chỉ có thể được hoàn thành khi tất cả các Chính phủ và các công dân đề cao quyền trẻ em và tất cả các em đều có thể đề xuất ý kiến, nguyện vọng thực hiện quyền của mình.

Trẻ em phải được pháp luật bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, bao gồm cả bạo lực, trừng phạt thân thể, quấy rối hoặc bất cứ hình thức khiêu dâm trẻ em hay xâm hại tình dục. Ngoài ra, để bảo vệ trẻ em, đặc biệt khỏi bạo lực và xâm hại tình dục, cần một hệ thống công tác xã hội mạnh hơn, có thể  đảm bảo một mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, bắt đầu từ phòng ngừa và can thiệp sớm tại cấp cơ sở, cho đến các dịch vụ chuyển gửi và bảo vệ trẻ em chuyên biệt.

Chúng ta cần hành động mạnh mẽ và tăng cường đầu tư hơn nữa để giảm tử vong ở trẻ em và bà mẹ, phòng ngừa và điều trị trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho mọi trẻ em, đẩy mạnh giáo dục chất lượng và hòa nhập. Đồng thời, những tác động của những vấn đề mới nổi trội như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và những hiểm họa trên môi trường mạng cần phải được quan tâm giải quyết. Tất cả các vấn đề này đều liên quan đến thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và cần phải giải quyết một cách dứt điểm thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.