Những “bóng hồng” trong “phi đội nhảy tàu” và chuyện tình yêu

ANTĐ - Với họ, đây là một nghề mưu sinh “gia truyền” có từ những năm chiến tranh, tồn tại cho đến ngày nay. Họ bất chấp nguy hiểm, tính mạng để kiếm miếng cơm, manh áo trên miệng tử thần.

Mỗi lần có tàu hỏa chạy ngang qua đoạn đường sắt từ ga Kim Liên (TP. Đà Nẵng) qua đèo Hải Vân đến ga Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế), hàng chục người phụ nữ gọi nhau bám vào thành tàu, rồi như con sóc nhảy lọt qua ô cửa sổ vào toa bán hàng rong cho khách. Với họ, đây là một nghề mưu sinh “gia truyền” có từ những năm chiến tranh, tồn tại cho đến ngày nay. Họ bất chấp nguy hiểm, tính mạng để kiếm miếng cơm, manh áo trên miệng tử thần. Có người bị chết, bị tàn phế, nhưng cả làng vẫn đeo bám với cái nghề này. Và đã có không ít những tình yêu kỳ lạ đến khó tin theo những chuyến tàu tử thần đó.

“Phi đội nhảy tàu”

Một sớm đầu tháng tư, chúng tôi đến xóm “nhà lá” nằm bên cạnh ga Kim Liên (Đà Nẵng) để “tận mục sở thị” những pha nhảy tàu có một không hai của xứ này. Vừa đặt chân đến cung đường sắt, gần chục người bán hàng rong mang theo nào mực khô, nào là đồ lưu niệm, bánh kẹo... bủa vây, mời mọc những vị khách lạ. Lấy cớ đang tìm bạn, tôi vòng ra phía sau ga, nơi “phi đội” đang chuẩn bị hàng hóa để bám theo các đoàn tàu khách. Gặp một người phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi, mắt mũi hom hem, cầm trên tay một xách mực khô, bánh tráng, bánh bột lọc... Khi tôi định chụp ảnh, người phụ nữ nhìn tôi từ đầu đến chân rồi xua tay: “Chú chụp rồi bảo vệ ga thấy, đuổi cổ chúng tôi ra ngoài. Khổ lắm, cả nhà chúng tôi chết đói như chơi”.

Sau một hồi năn nỉ không được, chúng tôi chuyển “mục tiêu” sang chị Hoàng Thị Nga (43 tuổi, tổ 13, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), đang bán hàng cạnh đó. Cũng như bạn đồng nghiệp của mình, chị Nga nói: “Nhảy tàu không dễ đâu em, không cẩn thận là mất mạng trong giây lát. Như hội bán hàng ở đây cũng phải học lên học xuống, ngã chỏng vó, thương tích đầy mình mới dám nhảy tàu đang chuyển động. Nếu thích thì nhảy tàu hàng kia. Họ đỗ hẳn ở ga Kim Liên, tha hồ mà lên xuống”. Như muốn “cắt đuôi cái ý tưởng dở hơi của tôi, chị Nga cùng “phi đội” nhảy tàu nháy mắt rời ga, bắt xe ba gác chở về phía chân cầu Nam Ô. Chúng tôi cũng lọ mọ bám đuôi theo, quyết tâm “học” lỏm cái nghề nhảy tàu.

Đi bộ khoảng 300 mét, cả đoàn ngồi bệt xuống đường ray chờ tàu. Hầu hết các thành viên trong “phi đội nhảy tàu” là phụ nữ, duy chỉ có anh Nguyễn Tý là “đấng mày râu” độc nhất lạc giữa các bóng hồng. Dù mới bước qua tuổi 30, nhưng trông anh Tý gầy gò, đen đúa. Anh cho biết: “Tôi làm nghề nhảy tàu này cũng đã gần 20 năm. Từ nhỏ, theo cha nhảy tàu đi bán hàng khắp nơi, rồi lớn lên kết duyên với cái nghề nguy hiểm này”. Theo anh Tý, nhiều người ở đây đã có gần 30 năm trong nghề nhảy tàu.

“Ngày đầu vào nghề, mọi người chỉ dám nhảy những chuyến tàu dừng đón khách ở ga lẻ Kim Liên để lên xuống bán hàng. Sau này có nhiều kinh nghiệm hơn mới dám tập nhảy các tàu chuyển động, đông khách. Tàu đang lao vun vút với vận tốc 20-25 km/h, muốn bu bám vào thành tàu là cả một vấn đề nan giải” - anh Tý nói.

Chưa đầy 5 phút, phi đội đã lên tàu.

Kéo chiếc ống quần đã sờn rách, anh Tý chìa đôi bàn chân chi chít vết sẹo. Có những vết toác dài đến hơn cả gang, ăn sâu vào trong da thịt. Vết thương mới nhất vừa mọc da non sau lần sẩy tay ngã xuống mé đường sắt. Quẹt diêm châm điếu thuốc, anh Tý rùng mình kể lại câu chuyện bị “tai nạn lao động”.

“Vào năm 2009, tôi bám theo đoàn tàu TN 1 để bán hàng, vừa nhảy lên tàu chưa kịp né người áp sát vào thân tàu thì bị va vào một thanh sắt lan can cầu. Dù đã cố rướn người vào bên trong toa xe lửa, nhưng vẫn bị chúng đập mạnh vào đầu, thân, chân... Tàu vừa qua cầu, tôi rớt xuống đường. Mấy đồng nghiệp đánh liều nhảy xuống để đưa đi cấp cứu. Chuyện vào ra bệnh viện với đội nhảy tàu là khó tránh khỏi” - anh kể trong giộng vẫn còn hãi hùng về vụ tai nạn.

Vạch đôi bàn tay sần sùi, chi chít những vết sẹo dọc ngang, chị Trần Thị Ngọc (35 tuổi) kể: “Dù kinh nghiệm nhảy tàu nhiều nhưng vẫn hên xui “nhờ trời” thôi. Muốn nhảy được tàu phải chọn khoảng đường bằng, ít độ dốc, có đoạn rộng nhất định để chạy nhớm theo tàu rồi mới nhảy lên đu bám. Mấy lần trước, tàu chạy nhanh quá, tui bị sẩy tay ngã xuống đất, nằm viện gần một tuần. Tưởng không qua khỏi ấy chứ”.

Theo vốn kinh nghiệm đúc kết được của những người dày dặn trong nghề nhảy tàu thì muốn đeo bám đoàn tàu phải có sức khỏe, nhanh nhẹn, dẻo dai, linh hoạt và đặc biệt không được sợ, run vì sẽ khó mà bám chắc vào thân tàu. “Tùy theo tốc độ của tàu để chạy nhớm phù hợp. Cái này thành phản xạ chứ chẳng ai đo đếm cụ thể được. Sở dĩ chọn đoạn cầu Nam Ô vì đoạn đường sắt này đang sửa, có khúc cua nối, đi qua cầu phải giảm tốc độ” - anh Tý tiết lộ cái nghề làm ăn của mình.

Nhưng dù có “kinh nghiệm” đến đâu thì vẫn xảy ra những tai nạn thương tâm. Đã 3 năm trôi qua sau cái chết của bà Đặng Thị Chín và anh Lê Tám - hai thành viên trong “phi đội nhảy tàu”. “Từ sáng sớm, bà Chín, anh Tám cùng một số người nữa dậy sớm chuẩn bị hàng hóa để bám theo bán trên chuyến tàu SE2 từ TP.HCM - Hà Nội. Khi chúng tôi đã trèo lên được nóc tàu ngồi thì đoàn xe lửa phóng nhanh như bay, hú còi chuẩn bị vượt hầm Hải Vân. Do tăng tốc bất ngờ nên hai người ngồi trên mui không kịp cúi đầu xuống, bị đập vào miệng hầm, tử vong”. Đối với dân nhảy tàu, những trường hợp thương tích kể không hết, nhưng chị Ngọc chỉ tặc lưỡi thở dài: “Ai cũng biết nguy hiểm, nhưng rồi cứ phải bám và mưu sinh”.

Cuộc trò chuyện bàn về kinh nghiệm nhảy tàu đã diễn ra rôm rả thì chuyến tàu SE hú còi báo hiệu trước mắt. Những cột khói đen nhám bị gió đánh bạt ra sau. Lúc này là 11h30 trưa, cả “phi đội” tất tả gói hàng, sửa lại quần áo, dõi mắt tập trung, đứng sát phía ray tàu. Chị Nga chạy nhanh dăm bảy bước rồi vịn tay vào thành cửa, đu rướn người áp sát vào thân tàu. Đến lượt chị Ngọc, anh Tý, bà Bảy... mỗi người chọn một toa để đu bám. Đuôi tàu vừa qua cũng là lúc hơn chục thành viên “phi đội nhảy tàu” đã bám chặt vào thành tàu. Nhanh như sóc, cả “phi đội” lẻn qua cửa toa hoặc leo lên mui tàu. Chị Nga không quên ngoái đầu lại dặn dò: “Sợ nhất khi qua hầm, đoạn từ ga Kim Liên đến hầm đầu tiên số 14 chỉ cách 2km, phải lẻn nhanh lên mui rồi cúi gập người xuống, sơ sẩy chút là mất mạng.
Qua đèo Hải Vân có đến 6 hầm lận. Tầu lắc mạnh, hầm nhỏ nên phải bám chắc và vững chí nha”. Chưa đầy nửa tiếng, tàu leo tới đỉnh đèo ga Hải Vân. Không đợi tàu dừng hẳn, cả “phi đội” nhảy vọt xuống đất, chạy nhanh về các ô cửa toa tàu, tay giơ đủ loại hàng đá mỹ nghệ Non Nước, mực khô, kẹo bánh để chào mời hành khách. Đáp lại họ phần lớn là những cái lắc đầu, xua tay từ chối. Anh Tý lại chạy nhanh về phía đầu tàu, nhướn người lên cửa sổ chào hàng. “Bán được mỗi hai con sư tử đá, giá 40.000 đồng/cặp, coi như lãi được 5-7 ngàn đồng. Hy vọng ra đến Lăng Cô, bán được thêm vài thứ, lãi 20 - 30 ngàn cũng tàm tạm qua ngày” - chị Duyên (27 tuổi, tổ 13) - một thành viên trong “phi đội nhảy tàu” chia sẻ.

Những bóng hồng hẩm hiu

Chiều về, phía sau cung đường sắt, xóm nhảy tàu (tổ 13, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trở nên xơ xác, tiêu điều với những mái nhà “ổ chuột” nằm liền kề nhau. Từng con tàu nổ máy xình xịch, xé toạc không gian yên ả rồi khuất dần về phía núi. Chị Ngọc vội vã ăn miếng cơm nguội rồi kiểm lại số hàng ít ỏi chuẩn bị chuyến nhảy tàu đêm. Trong túp lều nhỏ được dựng tạm bằng mấy tấm cót, suốt hơn 10 năm qua, chị phải thui thủi một mình. Cuộc sống vất vả, nguy hiểm đã hằn sâu những vết chân chim lên khuôn mặt da phấn của một thời thiếu nữ.

Chị kể, sinh ra trong một gia đình nghèo có “truyền thống” nhảy tàu mưu sinh, học hết tiểu học, chị Ngọc theo anh chị ra đường tàu kiếm sống. “Hồi ấy, tôi cũng có nhiều người theo đuổi, xin hỏi cưới về làm vợ. Nhưng cuộc sống khó khăn, chỉ biết cặm cụi làm việc chứ chưa nghĩ đến chồng con” - chị Ngọc buồn rầu nói. Tuổi xuân thì qua đi, bước qua tuổi 32, Ngọc vẫn chưa có mối tình “vắt vai”. Mấy chị em trong nhà đã lần lượt theo chồng, chỉ còn lại mình chị côi cút trong túp lều tạm bợ. Chị nói: “Lúc trẻ, không lo chuyện chồng con, giờ ngoảnh đầu nhìn lại đã muộn màng. Nhiều đêm nằm cô đơn một mình cũng lạnh lẽo, buồn tủi, nhưng ngày mai vẫn phải mang hàng nhảy tàu đi bán để kiếm tiền nuôi thân. Thôi thì, cứ sống tạm bợ vậy, đến đâu hay đó”.

Ở cái xóm nhảy tàu này, những trường hợp như chị Ngọc không phải là hiếm. Cuộc sống nghèo khó, họ mải mê lo bươn chải làm ăn nên hiếm muộn chuyện chồng con. Theo sự chỉ dẫn của chị Ngọc, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của chị Lê Thị Quyên (26 tuổi), người từng được xóm nhảy tàu mệnh danh là “Tây Thi” của xứ này. Khác hẳn với những lời giới thiệu của bà con lối xóm, Quyên trông gầy gò, ốm yếu với hai vết sẹo dài chạy dọc khuôn mặt. Cũng như bao đứa trẻ khác trong xóm nhảy tàu này, 15 tuổi, Quyên ra đường sắt, nhảy tàu bán hàng. Tuy cuộc sống khó khăn, cực khổ nhưng Quyên ngày càng xinh đẹp, nước da trắng mịn, khuôn mặt bầu tròn trĩnh. “Cũng nhờ có chút nhan sắc nên bé Quyên bán đắt hàng lắm. Nhiều ông khách còn bo thêm tiền và hỏi địa chỉ để đến làm quen. Nhưng đúng là “hồng nhan, bạc phận”...” - chị Ngọc buông tiếng thở dài.

Cuối năm 2007, trong một chuyến nhảy vào toa tàu TN7 bán hàng, Quyên bị tai nạn. Dù đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng khuôn mặt Quyên bị biến dạng với hai vết sẹo hằn sâu, chạy dọc hai bên má. Chị Ngọc kể: “Xuất viện trở về nhà, nó lại ra bám tàu để sống, nhưng đi đến đâu cũng bịt hai, ba lớp khẩu trang, không dám để mọi người nhìn nó”. Tôi bất giác nhìn lên khuôn mặt trái xoan của người thiếu nữ, ẩn chứa đằng sau mái tóc che khuất khuôn mặt là đôi mắt đẹp mang nỗi buồn sâu thẳm. Một sự nuối tiếc xót xa, tràn ngập.

Chẳng ai ở xóm nhảy tàu (tổ 13) nhớ nổi nghề này có từ thời nào, nhưng dường như nó “sinh ra” để dành cho những phụ nữ nghèo, bất hạnh. Dù đã bước qua tuổi 70, nhưng bà Tư vẫn ngày ngày rong ruổi theo những cung đường sắt để lượm lặt phế liệu. Tuổi trẻ của bà cũng “cống hiến” cho những chuyến tàu Bắc - Nam, đến khi không còn “nhảy” được nữa, bà mới trở về đi nhặt ve chai. Không chồng, không con, một mình bà lủi thủi trong căn nhà nhỏ phía mé ga Kim Liên.

Tôi tò mò hỏi: “Sao các chị không kiếm lấy một mụn con, để bớt cô độc”. Chị Ngọc thở dài thườn thượt: “Trong xóm này, cũng có nhiều người chấp nhận cảnh “không chồng mà có con”. Nhưng sinh con ra, biết lấy gì nuôi nó, cuộc sống bấp bênh, đến thân mình còn lo chưa nổi, huống hồ thêm đứa trẻ”. Khác với chị Ngọc, Quyên vẫn ấp ủ ước mơ một lần được làm vợ, làm mẹ. “Giờ thì ai mà dám cưới em về làm vợ hả anh? Đến chính bản thân em còn sợ mỗi lần soi gương mà. Nhưng em sẽ cố gắng làm việc để xin một đứa con nuôi. Có mẹ, có con, cuộc sống em mới khác được” - Quyên chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hòa Hiệp Bắc, bà Lê Thị Diệu Mân cho biết: “Chúng tôi đã kết hợp với các ngành chức năng khảo sát và lên phương án hỗ trợ chuyển đổi cho các chị em phụ nữ làm nghề đu bám tàu, bán hàng rong. Khoảng gần năm trước, Hội đã liên hệ với Công ty Thủy sản Bắc Đẩu (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) tạo việc làm cho gần 40 chị em, ngoài ra hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho hơn chục chị em khác. Nhưng rồi giờ họ lại bỏ nghề, trở về với nghiệp nhảy tàu”. Lý giải việc này, chị Ngọc giải thích, ngày Hội Phụ nữ phát động đi làm công nhân, chị em nào cũng hăng hái đăng ký tham gia.Nhưng công việc chế biến thủy sản không quen tay, họ lại tính theo sản phẩm nên mỗi ngày chị em chỉ được chừng 40 -50 ngàn đồng. Ban đầu, họ còn đưa ô tô đến đón công nhân, chứ về sau, chị em tự đạp xe gần 20 cây số. Xa quá, thu nhập lại ít, chẳng ai bảo ai, từng người quay về bám trụ trên nhữngđường ray.

Những câu chuyện tình cảm động ở xóm nhảy tàu

Trong túp lều nhỏ nằm sâu trong con hẻm, phía sau nhà ga Kim Liên, chị Nguyễn Diệu Thông (32 tuổi) đang cần mẫn đút từng thìa cháo cho người chồng ốm bệnh nằm liệt giường. Trên khuôn mặt hốc hác, bơ phờ mệt mỏi của người phụ nữ vẫn nở nụ cười tươi, âu yếm nhìn người chồng đang trệu trạo cố nuốt từng thìa cháo. Gần 5 năm qua, chị phải một mình tần tảo 2 buổi nhảy tàu đi bán hàng, kiếm từng đồng tiền, bát gạo giúp chồng chạy chữa bệnh tật. Câu chuyện tình của đôi vợ chồng trẻ khiến nhiều người cảm động, mến phục.

Cùng sinh ra và lớn lên ở xóm nhảy tàu, chị Thông và anh Nguyễn Đại Quang (33 tuổi) có cảm tình và nên duyên vợ chồng. Sau đám cưới nghèo đơn sơ, ấm cúng, hai vợ chồng nối nghiệp “gia truyền” cùng tham gia “phi đội nhảy tàu”. Ngày 4 lần, hai vợ chồng thay nhau bám theo các chuyến tàu khách để bán hàng. Thế rồi, trong một chuyến nhảy tàu hồi cuối năm 2008, anh Quang không may bị ngã, khiến bại liệt toàn thân. “Lúc đó, tàu SE2 từ TP.HCM - Hà Nội rời ga Kim Liên thì tôi lập tức nhảy theo. Đu mình qua tấm chắn bằng sắt, tôi đưa hàng vào bên trong mời khách mua. Trong lúc đang lúi húi móc tiền thối cho khách thì đoàn tàu bất ngờ giật phanh rồi tăng tốc, khiến tôi mất thăng bằng, ngã đập đầu vào thành tàu, ngất lịm” - anh Quang nhớ lại thời điểm bị nạn.

 Khi cả xóm kéo đến thì anh Quang đang nằm giữa vũng máu, toàn thân co giật liên hồi. Anh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng “thập tử, nhất sinh”. Nhận tin chồng bị nạn, chị Thông quăng gánh hàng, tức tốc chạy đến bệnh viện. Chị kể: “Khi ấy các bác sĩ bảo anh ấy phải phẫu thuật gấp, mới mong giữ được tính mạng. Chi phí phẫu thuật lúc đó khoảng 60 triệu, ngoài ra còn tiền thuốc thang, viện phí. Mà lúc đó, cả gia sản nhà tôi chỉ có túp lều cỏ dựng tạm”.

Trằn trọc suốt 3 đêm trắng bên giường bệnh của chồng để “xoay” tiền phẫu thuật nhưng chị vẫn không gom đủ một số tiền lớn như thế. Bí quá, chị làm liều, về mượn bố mẹ quyển sổ đỏ của gia đình đi cầm vay khoảng 70 triệu cho chồng lên bàn mổ. Nhưng số phận trớ trêu thay, do ca mổ tiến hành chậm trễ nên chỉ cứu được tính mạng, anh Quang bị chứng bại liệt toàn thân. Nghe tin ấy, chị gần như ngất xỉu. Nuốt nước mắt vào trong, chị đến bên giường bệnh động viên chồng cố gắng chữa trị, để sớm được xuất viện.

Anh Tý kể chuyện bị thương do nhảy tàu.

Suốt 4 tháng trời chồng nằm viện, từ sáng sớm chị Thông tranh thủ nhảy 2 “cuốc tàu” rồi về lo lắng cơm nước cho chồng. “Ngày anh biết mình bị liệt toàn thân, sợ khổ vợ trẻ nên anh cứ đòi đi tự tử cho em đi bước nữa. Bà con hàng xóm, người thân khuyên can mãi, anh mới chịu về nhà” - chị Thông ngậm ngùi.

Từ dạo chồng đổ bệnh, mỗi ngày chị Thông phải dần dần tăng tốc, nhảy 4-5 chuyến tàu để kiếm tiền trang trải nợ nần và lo tiền thuốc thang cho chồng. Dù cuộc sống vất vả, khổ cực nhưng vợ chồng chị chưa một lần to tiếng, cãi vã. Biết anh đau hay nổi nóng nên chị nhẹ nhàng khuyên can, chiều chuộng. Cuối cùng, số phận cũng đã mỉm cười với gia đình anh chị khi vào giữa năm 2010, chị mang thai và hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. “Có đứa con, anh ấy vui lắm, nên mình phải cố gắng làm nhiều hơn để lo trả nợ và còn chuẩn bị cho đứa nhỏ đi học” - chị Thông vui vẻ khoe.

Ở xóm nhảy tàu, có một câu chuyện tình bi thương, cảm động mà mỗi lần đến đây, người dân đều truyền miệng nhau. Năm 2004, trong một chuyến nhảy tàu bán hàng, chị Nguyễn Hải Yến (SN 1980) gặp gỡ và làm quen với anh công nhân xây dựng Nguyễn Văn Phi (SN 1979), một hành khách đi trên tàu. Cảm mến cô bán hàng có nụ cười duyên, dễ mến, anh Phi đem lòng yêu thương chị. “Lần đầu gặp gỡ, anh ấy đã hỏi xin địa chỉ nhà tôi để có dịp ghé thăm. Tôi chỉ nghĩ anh ấy đùa vui, nên cũng cho địa chỉ nhà. Ai dè, 2 tháng sau, anh tìm đến ga Kim Liên và hỏi đường về nhà tôi” - chị Yến bẽn lẽn kể lại. Hai người yêu thương nhau thật lòng và hẹn ngày đính ước, mang lễ trầu cau.

 Nhưng cuộc tình đẹp của cô gái xóm nhảy tàu đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình nhà chồng tương lai. Họ kéo đến tận nhà đánh đập, dọa nạt, buộc chị Yến phải rời xa anh Phi. Chị kể: “Khi ấy nhà chồng nói tôi chỉ là con bán hàng rong trên tàu, sao xứng với anh Phi. Nghĩ tủi thân nên tôi nói với anh, hai đứa chia tay, mỗi đứa mỗi đường. Anh ấy, nghe xong buồn khổ, bỏ nhà đi suốt 2 tháng trời”.

Trong lúc buồn bã, tuyệt vọng, chị Yến đã nghĩ đến ý định quyên sinh để kết thúc chuỗi ngày tháng đau khổ. Rồi trong một chuyến nhảy tàu bán hàng, chị Yến bất ngờ thả tay, lao từ trên tàu SE xuống đường sắt. Cú va chạm đã khiến đôi chân chị đứt gãy, toàn thân bê bết máu. Nghe tin người yêu gặp nạn, anh Phi vội vã bắt xe từ Sài Gòn về Đà Nẵng trong đêm để gặp người yêu. “Anh ấy trực bên giường bệnh suốt 5 đêm liền, cho đến lúc tôi tỉnh dậy. Lúc đó, hai đứa chỉ biết ôm nhau khóc nức nở. Nghĩ lại, tôi thấy mình dại dột quá” - chị Yến nhớ lại.

Vụ tai nạn đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của người phụ nữ nghèo, bất hạnh. Thế nhưng hôm nay khi gặp chúng tôi, chị Ngọc hồ hởi nói: “Sau vụ tai nạn, ai cũng nghĩ thằng Phi sẽ bỏ đi vì Yến đã trở thành người tàn tật, không thể đứng bằng đôi chân của mình. Nhưng thằng Phi vẫn luôn ở bên, động viên Yến sớm hồi phục, để trở về với cuộc sống bình thường”.

4 tháng sau vụ tai nạn, một đám cưới nhỏ được diễn ra tại khu “ổ chuột” của xóm nhảy tàu trong sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm. Đôi uyên ương hạnh phúc ấy không ai khác chính là Phi và Yến. Vượt qua sự phản đối của gia đình, Phi vẫn quyết tâm xây dựng hạnh phúc với cô gái nhảy tàu bị bại liệt. Giờ đây, cuộc sống hai người tuy khó khăn, vất vả nhưng lúc nào cũng tràn ngập nụ cười, hạnh phúc. Đến tháng 8 tới, gia đình anh chị sẽ đón đứa con đầu lòng.

Chia tay xóm nhảy tàu, lòng tôi chạnh buồn khi nghĩ đến cuộc sống của những phụ nữ quanh năm đùa giỡn với “tử thần” để đổi lấy miếng cơm, manh áo hàng ngày. Rồi đây, tương lai của họ sẽ đi về đâu? Chỉ có những tình yêu ở nơi này là vẫn nở hoa trên mảnh đất cằn cỗi.