Những "bông hồng thép" trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại

ANTD.VN - Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm lớn nhất trong năm nhằm tôn vinh những “bông hồng thép” trên tuyến đường huyền thoại.

Bởi vì em là con gái

Triển lãm chính là những mẩu chuyện nhỏ,  được các nữ cựu chiến sỹ, thanh niên xung phong chia sẻ về cuộc sống và chiến đấu trên con đường Trường Sơn. Đó cũng là câu chuyện đời thường rất lính, nhưng lại nữ tính với cả nỗi niềm của những người con gái nơi chiến trường, đối mặt với mưa bom bão đạn. 

Tại đây, nhiều câu chuyện xúc động về cách những người phụ nữ bé nhỏ đã vượt qua bom đạn, vượt qua nỗi sợ hãi rất nữ tính sẽ làm bất cứ người xem nào cũng phải thán phục. Để được tham gia lực lượng phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, có nhiều chị đã phải khai tăng tuổi, lúc tuyển quân phải tìm mọi cách để tăng cân nặng mới đủ tiêu chuẩn ra chiến trường.

Thậm chí, chị Nguyễn Nữ Kim Hiếu, Viện 108, Đoàn 730B dù biết mình có thai nhưng đã giấu đơn vị vì không muốn bỏ qua cơ hội được vào chiến trường. Sau 1 tháng hành quân, đơn vị của chị đã vào đến Quảng Trị. Dù đang mang bầu nhưng chị vẫn tự đào hầm, gùi gạo, chăm sóc, khám chữa cho thương bệnh binh hàng ngày.

Ảnh trưng bày tại triển lãm "Kiêu hãnh Trường Sơn"

Còn chị Hoàng Thị Kim Vinh, C812, N43, TNXP Đoàn 599, khi con trai duy nhất mới được 2 tuổi, chồng đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam nhưng vì chứng kiến cảnh  máy bay Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, gia đình bị cháy hết mọi tài sản, chị đã làm đơn tình nguyện xin gia nhập Thanh niên xung phong, phục vụ trong chiến trường với mong muốn “nước nhà không còn cảnh gia đình chia cắt và đứa con yêu của tôi không phải đi sơ tán”.Đây chỉ là một trong số nhiều tấm gương thời kỳ đó đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ.

Chuyện rất lạ, chiến trường đầy rẫy bom rơi đạn lạc, hàng ngày đối mặt với hiểm nguy rình rập, các chị thản nhiên coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Chết không sợ, thế mà lại sợ trăm thứ linh tinh khác, sợ vắt, sợ xấu, sợ ma...thậm chí phát khóc lên khi thấy con trăn trườn qua trong lúc hái rau rừng.

Có thể nói, những nữ thanh niên xung phong đó, cả một thời thanh xuân ấy đã trải qua những cảm xúc đến tận cùng mà đôi khi cả đời người sống cũng chưa đong cho đầy: yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường…

Và cung đường Trường Sơn huyền thoại thực sự là thước đo cho những quyết tâm, sự hy sinh và lòng dũng cảm.

Bởi em là chiến sỹ Trường Sơn

Chị Thanh Thủy, nhân viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, người trực tiếp tham gia tổ chức nội dung của triển lãm cho biết, những “bông hồng thép” đã làm nên những kỳ tích trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Và những người chiến sỹ ấy có quyền tự hào, có niềm kiêu hãnh về những năm tháng chiến đấu, hy sinh gian khổ trên tuyến đường huyết mạch đó.

Khi bắt tay thực hiện cuộc triển lãm này, Ban tổ chức đã rất băn khoăn về tên gọi của chương trình. Nhiều phương án được đưa ra nhưng cuối cùng BTC đã quyết định chọn tên gọi “Kiêu hãnh Trường Sơn” như sự khẳng định và tôn vinh công lao của các nữ chiến sỹ Trường Sơn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Một người phụ nữ bé nhỏ có thể gùi trên mình những thùng hàng cao hơn người và leo trên những con dốc đứng. Họ phải giữ thùng hàng đó trong nhiều tiếng đồng hồ, trải qua những chặng đường khó khăn, gian khổ mới tới nơi tập kết. Nếu không bằng ý chí và quyết tâm cao, không một ai có thể hoàn thành nhiệm vụ. Điều đáng trân trọng hơn, nếu với nam giới trong điều kiện thời tiết khắc nghiêt của con đường Trường Sơn đã khổ, thì với những người phụ nữ càng vất vả và khổ cực hơn nhiều lần. Mùa khô phải hứng từng giọt mưa, mấy tháng trời không có nổi một gắp rau tươi. Còn với mùa mưa, mưa triền miên, xối xả, trắng trời trắng đất, rồi thì muỗi vắt theo nhau nảy nở hàng đàn.

Các nữ chiến sỹ Trường Sơn đã vượt qua gian khổ, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Họ là những người anh hùng nhưng họ cũng là những người con gái

Ông Ngô Hữu Minh, Trung đoàn 95, mặt trận B5, B3 nhận xét, chị em phụ nữ ở chiến trường rất vất vả nhưng có sức chịu đựng ghê gớm. Các chị luôn là người trực tiếp hứng chịu bom đạn nơi trọng điểm. “Chúng tôi còn đùa rằng “Các chị cứ được không lực Hoa Kỳ đấm lưng liên tục”. Ấy thế mà các chị mạnh mẽ, kiên cường lắm. Có chị lúc cần thiết một mình vác cả thùng đạn ĐKB nặng hơn 40kg trên vai phục vụ bộ đội chiến đấu trong khi nam giới chúng tôi có lúc 2 người khiêng đã thấy nặng”, ông Ngô Hữu Minh nói.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng thán phục: “Trên chiến trường Trường Sơn, trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại có đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn “huyền thoại của huyền thoại” có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng. Công tác, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mang trên mình khí phách Bà Trưng, Bà Triệu.”

Họ là những anh hùng. Nhưng họ cũng là những người con gái. Khi chiến tranh đã lùi xa những “cô gái” bước ra từ cuộc chiến tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống. Cho đến hôm nay, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn.

Triển lãm sẽ khai mạc vào 9h ngày 16-5 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt.