Những “bóng đen” siêu lợi nhuận tung hoành trên thị trường lậu

ANTĐ - Mỗi năm, nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD do nạn buôn bán hàng giả, ma túy, nội tạng, cờ bạc bất hợp pháp, ăn cắp bản quyền phim, âm nhạc,... gây ra. Tuy nhiên, vì siêu lợi nhuận và những thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu lại được internet “tiếp tay”, nên cuộc chiến tẩy chay các loại kinh doanh bất hợp pháp này là vô cùng khó khăn.

Hàng giả: Lợi nhuận 225 tỷ USD

Hải quan Hoa Kỳ cho biết, không chỉ đồng hồ, quần áo được làm giả mà các thiết bị có kích thước lớn như các bộ phận máy bay, các thiết bị điện tử và nguy hiểm hơn là các mặt hàng thuốc cũng được làm giả tràn lan trên thị trường. Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho biết, khoảng 1,26 tỷ USD giá trị hàng giả có xuất xứ ở nước ngoài, trong đó hàng nhái nguồn gốc từ Trung Quốc ngày càng nhiều, hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Hàng giả đang được bày bán tràn lan trên Internet và được vận chuyển đến người tiêu dùng, làm cho việc theo dõi và tịch thu trở nên khó khăn hơn.

Cờ bạc bất hợp pháp: 150 tỷ USD

Cho dù rất nhiều bang ở Mỹ đã hợp pháp cờ bạc thành một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận kếch xù và mạng lưới các sòng bạc, cá cược hợp pháp ngày càng tăng nhưng nhiều hình thức cờ bạc bất hợp pháp vẫn đang phổ biến trên thị trường chợ đen và thu về hàng tỷ USD. Nhiều trang web cờ bạc trực tuyến đã thất bại trong việc ngăn cấm các con bạc tuổi vị thành niên cũng như ngăn chặn việc rửa tiền và tạo điều kiện cho việc lừa đảo hay các hành vi phạm tội khác.

Ma túy: 35 tỷ USD 

Phần lớn ma túy được vận chuyển vào Mỹ qua biên giới phía Tây Nam Mexico. Các băng nhóm tội phạm tổ chức và tội phạm gia đình vận chuyển ma túy bất hợp pháp ngày càng tinh vi qua đường bộ, đường biển và hàng không. Cho tới thời điểm này, ma túy vẫn tiếp tục được nhập lậu và buôn bán trên thị trường chợ đen với con số lợi nhuận lên tới cho hàng tỷ USD.

Ăn cắp bản quyền phim: 25 tỷ USD

Theo Liên minh Nghiên cứu phim ảnh, gọi tắt là Movielabs, trung bình mỗi năm, các hãng phim của Mỹ bị tổn thất không dưới 3,5 tỉ USD vì nạn sao chép lậu phim ảnh. Mối quan tâm lớn nhất hiện này, ngoài việc quay lậu trong rạp và in sang DVD trái phép, chính là việc phân phối phim qua hệ thống Internet. Tại Mỹ, người phạm tội lần đầu quay video trong rạp chiếu phim có thể phải chịu mức án 5 năm tù giam hoặc phạt tiền lên đến 250.000 USD. 

Mại dâm: 14,6 tỷ USD 

Buôn bán người vì mục đích mại dâm là một trong những ngành kinh doanh bất hợp pháp, ngành công nghiệp chợ đen phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Theo ước tính, có khoảng 230 nghìn trẻ em (tuổi từ 12-14) có nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo đến con đường bán thân. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) luôn xem buôn bán mại dâm là một vấn đề nhức nhối và đáng được quan tâm.

Vi phạm bản quyền âm nhạc: 12,5 tỷ USD 

Mặc dù những trường hợp buôn bán bất hợp pháp phim ảnh, âm nhạc, phần mềm và các trò chơi điện tử vi phạm nặng có thể bị tước giấy phép kinh doanh, cấm xuất cảnh với cá nhân và người chủ sở hữu thậm chí còn bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, luật pháp Mỹ vẫn chưa thể bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Do đó, Mỹ được liệt trong 10 quốc gia hàng đầu vi phạm bản quyền trực tuyến và gây thiệt hại cho ngành công nghiệp hàng tỷ USD.

Buôn lậu thuốc lá: 10 tỷ USD

Theo báo cáo của Trung tâm Chính sách công cộng Mackinac, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng là việc chính phủ Mỹ phê duyệt những loại thuế mới đối với thuốc lá. Tiểu bang New York là nơi có tỷ lệ buôn lậu thuốc lá lớn nhất, chiếm hơn 60% thị trường buôn lậu.

Buôn bán nội tạng: 30.000 USD/ 1 quả thận

Tội phạm hoạt động theo hình thức này thường sử dụng 3 phương pháp khác nhau để lấy và bán nội tạng người. Đầu tiên, bọn buôn người có thể lừa (bắt cóc) một người nào đó, rồi ép buộc người đó phải “trao đổi” bằng chính nội tạng của mình. Thứ hai, vì lý do riêng (thường là cần tiền) mà sẵn sàng bán nội tạng của mình. Thứ ba, có lẽ là đáng sợ nhất, loại tội phạm này móc nối với một số y - bác sĩ (thậm chí là cơ sở y tế, bệnh viện), trong quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân, lợi dụng sự kém hiểu biết, đôi khi “lừa phỉnh” dưới chiêu bài chữa bệnh, “bác sĩ đồ tể” đã tiến hành phẫu thuật, lấy đi nội tạng của họ. Thường Nam Mỹ, châu Phi, châu Á và Đông Âu... được xem là “những nhà tài trợ vàng” các cơ quan nội tạng cho Mỹ, Canada và Úc.