Những biện pháp ngăn ngừa cháy, nổ mùa nắng nóng

ANTD.VN - Giữa những ngày nắng nóng, nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn cao. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn để hạn chế nguy cơ này?

Nguy cơ chập cháy thiết bị điện

Những ngày qua, bất cứ ai cũng cảm nhận được không khí nóng bức đến khó chịu. Sức nóng hầm hập của không khí ngoài trời có cảm giác như sẵn sàng thiêu đốt thành đám cháy nếu như chỉ cần 1 tàn thuốc sơ ý rơi vào những vật liệu rễ cháy hay lá khô.

Điều hòa bỗng dững phát cháy lúc nửa đêm

Thời tiết làm cho những cỗ máy lạnh ở mọi gia đình, công sở, quán ăn… phải hoạt động công suất cực lớn ngay từ đầu giờ sáng mỗi ngày và kéo dài cho đến lúc tan ca. Còn ở mỗi gia đình, thời điểm tan ca làm việc cũng là lúc mọi nhà bắt đầu hoạt động hết công suất các loại máy làm mát, trong đó có quạt điện và điều hòa không khí. So với mùa đông thì mùa hè việc tiêu thụ điện trong mỗi gia đình gia tăng có thể gấp 2 đến 4 lần. Sự đồng loạt tiêu thụ nguồn điện năng của thành phố là nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ từ những trụ biến áp và đường dây.

Ở gia đình, những cỗ máy hoạt động triền miên đã là nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ rất cao. Trong khi đó, sự bền bỉ hoạt động lại thiếu sự bảo dưỡng, bảo trì theo định kỳ, hệ thống dây dẫn điện lại thiếu đồng bộ dẫn đến quá tải và là nguyên nhân chập cháy.

Mới đây, sự cố chập điện do quá tải xảy vào khoảng 12h ngày 13-6, tại phòng kỹ thuật điện ở tầng 5 trong chung cư A5 - Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thời điểm  đó có đông người đang sinh hoạt thì bất ngờ xảy ra cuồn cuộn khói trong hộp điện kỹ thuật khiến thang máy ngừng đột ngột làm 4 người bị mắc kẹt trong cơn hoảng loạn. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQ Hoàng Mai kịp thời có mặt và dùng công cụ chuyên dụng mở cửa thang máy cứu người mắc kẹt đồng thời mũi công tác khác chạy bộ mang bình khí thở tìm kiếm cứu nạn và đưa 30 người dân xuống nơi an toàn.

Trung tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai cho biết: “Khi tiếp cận hiện trường các lõi đồng dây dẫn điện trong hộp kỹ thuật đã cháy trơ lõi. Điều đó có thể nhận định sự quá tải trong việc sử dụng điện là nguyên nhân dẫn đến sự cố chập cháy này”.

Phân tích về việc người dân thắc mắc hoạt động bao năm không sao mà bỗng nhiễn lại bốc cháy, chuyên gia thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cháy, nổ hệ thống điện nhưng việc dùng quá tải và hệ thống dây dẫn không đủ công suất sẽ nung nóng lõi đồng khi tiêu thụ điện. Chính vì thế việc công suất hệ thống thiết bị tiêu thụ luôn phải đảm bảo đồng nhất với hệ thống dây dẫn và có lắp đặt công tắc ngắt tự động khi có sự cố chập điện”.

Hệ thống điện quá tải chập cháy trơ lõi đồng tại chung cư A5 Đền Lừ

Tại sao hay xảy cháy về đêm

Mùa nắng nóng đã là nguyên nhân tiềm ẩn cháy, nổ lớn, nhưng thời điểm đêm của mùa này thường hay xảy ra cháy lớn hơn mùa lạnh. Vụ cháy vào khoảng 12h đêm ngày 21-4 tại gia đình anh Nguyễn. V.H ở quận Hoàng Mai, Hà Nội là sự cố vô cùng may mắn. Bởi khi cả gia đình chuẩn bị đi ngủ thì bất ngờ điều hòa tắt ngấm và cũng là lúc ngọn lửa ngùn ngụt bốc ra từ cục lạnh trong phòng. Rất may, thời điểm này có người đàn ông ở nhà và vẫn đủ bình tĩnh để xử trí ngắt điện và đập vỡ điểm cháy và dùng nước hắt dập ngọn lửa. Tiếp đến đêm 13-6, tại một nhà xưởng ở Thanh Trì, Hà Nội đã bất ngờ phát tiếng nổ và bùng cháy lớn. Chỉ trong ít phút lửa đã thiêu rụi gần 400m2 nhà xưởng chứa máy móc. Theo tìm hiểu, được biết, hệ thống máy làm mát khu nhà xưởng đã hoạt động hết công suất vào buổi tối để đảm bảo cho vật tư chuyên dụng. Do quá tải chập điện và gây cháy lớn.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy phân tích: “Đêm thường dễ xảy cháy hơn ngày bởi vì khi đó hệ thống máy móc hoạt động nhiều giờ trong khi điện áp không ổn định. Càng về đêm và gần sáng các hoạt động của nhà máy, xí nghiệp và văn phòng nghỉ hoặc hoạt động bằng 1 nửa công suất ban ngày. Hệ thống điện lúc này tăng vọt bất thường khiến một số thiết bị điện không đảm bảo dễ gây chập cháy”.

Theo chuyên gia về an toàn điện, tất cả các thiết bị đều có tuổi thọ nhất định. Và để tuổi thọ của thiết bị điện được bền và an toàn, việc đầu tiên phải bảo dưỡng, bảo trì đúng định kỳ. Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, từ đầu mùa hè đến nay đã xảy ra hàng chục vụ cháy và nguyên nhân do chập điện từ các thiết bị điện trong gia đình. Để phòng ngừa cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản trong mùa nắng nóng, Đại tá Nguyễn Trường Sơn cảnh báo việc đầu tiên không được để quạt trong màn hoặc vắt quần áo vải vóc lên đó. Hơn nữa, thiết bị điện cần phải để khoảng cách riêng biệt với các vật liệu dễ cháy. Khi không dùng cần phải kiểm tra tắt hoặc rút ổ cắm để tránh việc máy hoạt động quá lâu dẫn đến chập cháy.

Bảo dưỡng thiết bị điện đúng định kỳ sẽ giảm nguy cơ chập cháy

Về phần máy làm mát, máy lạnh là thiết bị phổ biến hiện nay người dân sử dụng vào mùa hè. Vì thế việc kiểm tra đường dây dẫn điện, kiểm tra, vệ sinh máy móc vào đầu mùa hè là cần thiết. Điều đáng lưu ý khi thuê người bảo dưỡng, vệ sinh máy móc cần giám sát và thuê thợ có tay nghề, tin cậy tránh việc thiếu kiến thức sẽ làm hư hỏng máy móc. Nói về chi tiết nhỏ nhưng là hệ quả rất lớn mà nhiều gia đình đã gặp phải, đó là hẹn giờ thiết bị máy móc nhưng các thiết bị này đã làm sai lệch không tắt.

Để phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng nóng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội đã chủ động nhiều biện pháp phòng ngừa. Theo đó chú trọng công tác tuyên truyền, và tăng cường kiểm tra, xử lý. Điển hình là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại các quận, huyện đã đến tận nhà, ngõ xóm phát tờ rơi, dùng loa tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, tắt điện khi ra khỏi nhà, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị điện theo định kỳ.