Những biện pháp cải thiện rắc rối ngày "đèn đỏ"

ANTĐ - Mỗi tháng có khoảng 85% phụ nữ phải chịu đựng ít nhất một triệu chứng của Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như chuột rút, đầy hơi... Dưới đây là 10 điều bạn có thể làm để thoát khỏi PMS.

Những biện pháp cải thiện rắc rối ngày "đèn đỏ" ảnh 1

Ảnh minh họa

1. Cải thiện chế độ ăn uống

Một chế độ ăn mặn thường xuyên có thể gây ra chứng đầy hơi. Thói quen uống cà phê hàng ngày có thể làm trầm trọng thêm cảm giác khó chịu hay lo lắng. Rượu có thể khiến bệnh trầm cảm thêm nghiêm trọng và quá nhiều đường sẽ dẫn đến tình trạng mất ổn định lượng đường trong máu.

Thay vì những điều này, hãy cố gắng ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc vào tuần trước ngày “đèn đỏ”. Nó không chỉ là những gì bạn ăn mà còn là cách bạn ăn như thế nào. Một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất sẽ đảm bảo sức khỏe và giúp bạn quên đi nỗi lo mỗi khi PMS “gõ cửa”.
Thay đổi thói quen ăn uống cũng giúp bạn ít gặp phải những tác dụng phụ hơn so với việc chuyển sang các phương pháp điều trị y tế cho PMS.

2. Tập luyện nhiều hơn

Việc tập thể dục có thể chống lại các triệu chứng PMS cả về thể chất và tinh thần. Bạn nên lựa chọn một thời gian tập thể dục tốt cho nhịp tim và khiến bạn hứng thú. Đối với PMS, The National Women's Health Information Center (Trung tâm Thông tin Sức khỏe Phụ nữ Quốc gia) khuyến cáo: hai tiếng rưỡi hoạt động với cường độ vừa phải, một giờ 15 phút cho bài tập aerobic mạnh mẽ hoặc kết hợp cả hai mỗi tuần, cộng thêm hai lần luyện tập tăng cường cơ bắp không chỉ giúp “chế ngự” PMS mà còn mang lại cho bạn một thân hình tuyệt vời.

Vitamin E có thể giúp cải thiện các rắc rối bởi PMS

3. Đừng quên các loại vitamin

Theo như Petra Casey, Giám đốc điều hành, Giáo sư về Sản phụ khoa tại Bệnh viện Mayo ở Rochester, tiểu bang Minnesota (Hoa Kỳ) thì các vitamin có thể có lợi cho người mắc PMS, đặc biệt là vitamin B6 và vitamin E .

Chưa có nhiều bằng chứng chứng minh những chất bổ sung hỗ trợ trên. Tuy nhiên, có thể thử những giá trị của chúng. Liều dùng hàng ngày được khuyến nghị là:
• Canxi: 1200 mg

• Magiê: 400 mg.
• Vitamin B6: 50 đến 100 mg.
• Vitamin E: 400 đơn vị quốc tế (IU)

4. Tận dụng thảo dược

Thảo dược ít khi được kiểm soát so với các loại thuốc kê đơn nhưng có một số hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng PMS như chuột rút và thay đổi tâm trạng.

Có thể sử dụng Thiên ma (Black cohosh, rễ cây Cimicifuga racemosa - bụi cây vùng Bắc Mỹ có rễ làm thảo dược trị nhiều loại bệnh phụ khoa), Dâu chế dục (Chasteberry, trái của cây Chaste - một loại cây mọc thấp từng bụi, đặc sản của vùng Trung Á và Địa Trung Hải), dầu hoa anh thảo vào buổi tối, gừng, lá mâm xôi, bồ công anh, hoặc các loại kem có chứa progesterone tự nhiên.

Massage giúp xoa dịu tâm trí và cơ thể khi những ngày "đèn đỏ" đến

5. Quên đi căng thẳng

Trước hết, điều quan trọng là bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc. Hãy cố gắng để có được giấc ngủ như mong muốn, đừng để tình trạng thiếu ngủ làm PMS thêm trầm trọng. Sau đó nên có ý thức kiểm soát stress để làm giảm mức độ căng thẳng của bản thân. Cố gắng hít thở sâu, massage hay ngồi thiền hoặc tập yoga để xoa dịu tâm trí và cơ thể. Ngoài ra, cũng nên tìm một công việc mà bạn yêu thích và gắn bó với nó để quên đi những ngày “đèn đỏ”.

6. Dùng thuốc giảm đau

Đối với phụ nữ bị PMS nặng với các biểu hiện rất khó chịu như chuột rút, căng tức ngực, đau lưng, hay nhức đầu… thì các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) được xem như một giải pháp được tính đến. Bao gồm ibuprofen và naproxen.

7. Kiểm soát việc sinh đẻ

Nếu chưa hài lòng với một biện pháp tránh thai nào, thử dùng thuốc uống tránh thai liều thấp để làm giảm các triệu chứng PMS. Các loại thuốc này có tác dụng ngay cả trong những ngày ấy. Một số phụ nữ sử dụng chúng liên tục và nó đã làm giảm các triệu chứng PMS.

Những biện pháp cải thiện rắc rối ngày "đèn đỏ" ảnh 4
PMS có thể làm cho bệnh trầm cảm thêm trầm trọng

8. Hỏi bác sĩ về thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm không phải là sự lựa chọn đầu tiên cho các vấn đề liên quan đến tâm trạng bởi PMS. Tuy nhiên, chúng là một lựa chọn nếu các triệu chứng này ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của bạn (các biện pháp trên mang lại ít tác dụng).

Các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) như Zoloft và Prozac thường được kê đơn (dùng theo chỉ định của bác sỹ). Chúng có thể được dùng chỉ trong một hoặc hai tuần trước chu kỳ kinh hoặc trong suốt thời gian đó.

PMS cũng có thể làm trầm trọng thêm các nguy cơ bệnh trầm cảm. Một số phụ nữ nghĩ rằng trầm cảm là theo chu kỳ và nhầm lẫn thuộc tính của nó với PMS, nhưng họ không nhận ra rằng nó không thực sự tuân theo một khuôn mẫu nào trong các chu kỳ của họ cho đến khi họ theo dõi nó. Điều trị các dấu hiệu cơ bản của trầm cảm có thể hỗ trợ “ứng phó” với PMS.

9. Thử nghĩ đến thuốc lợi tiểu

Nhiều phụ nữ đã bị phù nề ở tay, bàn chân, mặt hoặc đầy bụng do PMS. Một cách để chống lại điều này cùng với tập thể dục và cắt giảm lượng muối dư thừa là sử dụng thuốc lợi tiểu.mCác loại thuốc này được kê theo toa sẽ giúp cơ thể loại bỏ lượng nước dư thừa bằng cách tăng lượng nước tiểu thải ra.

Thuốc lợi tiểu thường được chỉ định là spironolactone (Aldactone). Các thuốc lợi tiểu không phải được dùng cho tất cả mọi người. Chúng có thể làm nghiêm trọng thêm các vấn đề như tiểu không kiểm soát, táo bón, hạ huyết áp, tăng nồng độ kali và tương tác với các thuốc khác.

10.  Ghi lại các triệu chứng PMS

PMS là có thật. Nhưng trước tiên nên ghi lại các triệu chứng mà bạn đã gặp phải trong vài tháng để chắc chắn rằng nó là PMS chứ không phải trầm cảm.  Ước tính có khoảng 12.000.000 - 25.000.000 phụ nữ ở Mỹ bị suy nhược bởi PMS. Nó bao gồm các triệu chứng cả về thể chất và tinh thần. Những triệu chứng này rất đa dạng và như vậy các phương pháp điều trị chúng cũng phong phú không kém. Những người bị PMS nặng cần phải cố gắng với các cách điều trị phù hợp cho mình. Không được nản lòng hay mong đợi "một viên đạn ma thuật" từ lần điều trị đầu tiên.