Những bí mật về trại tị nạn Nahr Al-Bared
(ANTĐ) - Cuộc chiến mà quân đội Lebanon tiến hành từ ngày 20/5 nhằm chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo mà họ gọi là “khủng bố” mang tên Fatah Al Islam, tại trại tị nạn của người Palestine Nahr Al-Bared, phía Bắc Lebanon, đã bước sang tháng thứ 4...
Trại tị nạn Nahr Al-Bared |
Đến nay vẫn chẳng có gì báo hiệu sự kết thúc của cuộc chiến này dù nhiều nguồn tin quân sự Lebanon khẳng định cách đây ba tuần rằng “cuộc chiến đang ở pha cuối”. Nhưng, đằng sau những hoạt động quân sự ấy là tranh cãi chính trị giữa phe đa số và phe đối lập về đầu đuôi cuộc chiến, và sau cái ngày mà cuộc chiến này sẽ kết thúc, câu chuyện về nó vẫn còn nhiều điều để nói. Nhiều vùng tối cần được làm sáng tỏ.
Quân đội đã lao vào cuộc chiến sau khi 27 lính của họ bị Fatah Al-Islam giết hại hôm 20/5 ở bên ngoài trại tị nạn Nahr Al-Bared. Phong trào này nói là họ muốn dùng vụ ám sát để tháo lỏng sự o ép của cảnh sát đối với một số thành viên của họ trong thủ đô Tripoli.
Các căn cứ quân sự là mục tiêu đầu tiên của vụ đối đầu này. Con số thiệt hại đang ngày một trầm trọng hơn. Khoảng 140 binh lính đã bị giết hại và 800 người khác bị thương. Số người chết của Fatah Al-Islam thì vẫn chưa được đưa ra.
Khoảng ba chục ngàn người dân đã được sơ tán trong những tuần đầu tiên nổ ra xung đột. Họ sống trong những điều kiện rất bấp bênh và sẽ không thể trở lại nhà ngay sau khi cuộc chiến kết thúc. Bởi dưới sức công phá của đạn pháo, nhà của họ đã bị phá huỷ hoàn toàn.
Quân đội cho rằng cuộc chiến kéo dài và mức độ trầm trọng của những thiệt hại về người và của lớn đến vậy là vì chiến trường là một khu dân sự đông đúc rộng khoảng 2 km vuông. Quân đội cũng không biết rõ hình dáng của khu vực này, bởi từ cuối những năm 1960, người Palestine là chủ nhân duy nhất ở bên trong.
Các chiến binh của Fatah Al-Islam đã tận dụng việc đây là khu vực phi quân sự để đào tạo phiến quân và phát triển lực lượng của mình. Khu đông dân cư đã tạo điều kiện cho sự di chuyển bí mật của chúng. Chúng đã gài bom vào các toà nhà, các đồ vật, con vật và cả trên thi hài những người đã chết. Việc này đã ngăn cản hoạt động của quân đội, vì phải liên tục cho một đơn vị gỡ mìn để mở đường.
Rõ ràng chúng không thiếu vũ khí và đạn dược. Những thứ này chúng chủ yếu lấy từ kho vũ khí của một phong trào khác thân Syria mang tên Fatah Al-Intifada. Cũng có thể chúng đã được cung cấp trang thiết bị quân sự từ nhiều tổ chức thân Syria khác, đặc biệt là Mặt trận Nhân dân của tướng Ahmed Jibril.
Chính quyền và quân đội Lebanon không thể bỏ qua mối đe doạ lớn của Fatah Al-Islam, đặc biệt là sau những lời thừa nhận của các nghi can vụ tấn công hôm 13/2 ở vùng núi phía Đông Beirut. Trên thực tế, quân đội đã dựng lên trại tị nạn Nahr Al-Bared để ngăn cản đường dây buôn lậu vũ khí và chiến binh cho Fatah Al Islam. Nhưng giải thích thế nào khi trại tị nạn này giờ lại nằm ngoài tầm kiểm soát của quân đội, để đến nỗi xảy ra vụ các binh lính bị giết hại hôm 20/5 vừa qua? Thêm một câu hỏi phụ: cùng với quyền lực chính trị trong tay, quân đội định hành động thế nào để tính sổ với nhóm này nếu vụ ám sát trên không diễn ra?
“Tiểu vương quốc” Hồi giáo
Fatah Al-Islam từ lâu đã xuất hiện như một nhóm nhỏ gồm khoảng 200 tên. Con số này cũng phải xem lại, chờ đến khi cuộc chiến kết thúc và có bản báo cáo chính xác.
Thông tin tình báo phải chăng có thể đã bị hổng ngay từ đầu? Giả định này có thể được khẳng định dựa vào lời thú nhận của những nghi can mới bị bắt: có sự tồn tại của một dự án hình thành một “tiểu vương quốc” Hồi giáo ở phía Bắc Lebanon và vụ giết chóc từng gây ra cuộc chiến hiện nay chỉ là một “cú giao bóng”.
Nhưng trước tiên, phong trào bị tất cả các tổ chức của Palestine từ chối và những chiến binh mang quốc tịch Arập Fatah Al-Islam này thực sự là ai? Một nhóm tay chân của Syria như phe đa số gồm chính quyền và cảnh sát Lebanon vẫn nghĩ, hay chỉ là một nhánh nhỏ của mạng lưới khủng bố Al Qaeda như lãnh đạo quân đội, tướng Michel Sleiman thường khẳng định? Hoặc là cả hai?
Cuối tháng 7 vừa qua, công dân Lebanon Chehab Al-Qadour đã bị giết khi đang cố thoát khỏi sự ngăn chặn của lực lượng an ninh nội địa trong một khu phố ở Tripoli. Theo một kẻ tòng phạm đi cùng và đã bị bắt, thì Chehab Al-Qadour, người bị nghi là lãnh đạo các chiến dịch quân sự của Fatah Al-Islam ở bên trong trại tị nạn Nahr Al-Bared, đã tẩu thoát qua đường biển và đến được bờ bên kia sau khi bơi khoảng 4 tiếng đồng hồ.
Làm sao cuộc tẩu thoát này lại có thể diễn ra được khi ít nhất một hạm đội hải quân Lebanon thả neo ở ngoài khơi trại tị nạn từ đầu cuộc chiến? Và nếu như cuộc tẩu thoát đó là có thực, thì làm sao những phiến quân khác có thể cứ thế tiếp tục ra vào trại tị nạn theo cách đó?
Đến nay, bất chấp những lời khoác lác và đe doạ của các lãnh đạo của Fatah Al-Islam rằng chúng đang hoạch định việc mở rộng bạo lực ra những điểm khác trên lãnh thổ Lebanon, vụ việc Nahr Al-Bared vẫn chưa trở thành vết dầu loang trong các khu vực tị nạn khác của Lebanon. Nhưng liệu có một sự đảm bảo nào đáng tin cho tương lai?
Bạch Dương
Theo Le Monde