Những bí mật lần đầu được công bố về kế hoạch bắt giữ điệp viên Nga nghe trộm Bộ Ngoại giao Mỹ

ANTD.VN - Ngày 9-12-1999, nước Mỹ thông báo trục xuất một gián điệp Nga bị bắt tại Bộ Ngoại Giao Mỹ  về hành vi nghe lén. Người này phải rời Mỹ trong vòng 10 ngày kể từ khi bị bắt giữ. Khi ấy, nội dung vụ bắt giữ không được tiết lộ vì lý do bí mật và ngoại giao. Mới đây, ngày 11-9-2017, đặc vụ đã từng chỉ đạo cuộc điều tra và trực tiếp tham gia vụ bắt giữ đã tiết lộ những tình tiết hấp dẫn với báo chí. 

Booth bắt đầu sự nghiệp phản gián của mình vào năm 1976 với tư cách là một nhân viên an ninh khu vực của Cục An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hầu hết những người làm nhiệm vụ theo dõi, săn lùng gián điệp  ở Mỹ  không bao giờ tham gia  bắt giữ trực tiếp vì lý do bí mật và an ninh. Tuy nhiên, Robert David Booth là ngoại lệ hiếm có. Ông là Phó giám đốc Phòng Phản gián lĩnh vực ngoại giao của Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI. Booth tự cho mình là người may mắn khi trực tiếp điều tra và lên kế hoạch thực hiện vụ bắt giữ một điệp viên, điều mà ông cho rằng vô cùng hiếm hoi.

Mật danh “Sacred Ibis”

Vào đầu năm 1999, Booth và các đồng nghiệp của ông được bộ phận Công nghệ và Khoa học của FBI cho biết: Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington đang bị gián điệp Nga nghe trộm. Điều này hết sức nguy hiểm khi các báo cáo cho biết, thông tin bên trong phòng Ngoại trưởng Mỹ và hành lang phòng hội nghị cũng bị lộ lọt ra bên ngoài.

Tài liệu ban đầu được một nhân viên FBI mang tới cho đơn vị của Booth. Theo thỏa thuận với chính phủ, Booth không được tiết lộ tên của đặc vụ này. Tập hồ sơ gồm một băng video và bức ảnh một nhà ngoại giao Nga Stanislav Borisovich Gusev. Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Gusev là một nhân viên kỹ thuật KGB làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao tại Mỹ. Booth tiếp nhận bộ hồ sơ, quyết định mở cuộc điều tra với mật danh “Sacred Ibis”.

Khi ấy, Gusev bắt đầu vào bãi đậu xe. Đúng tại thời điểm đó, Booth nói với các đặc vụ: “Thời khắc chờ đợi đã đến, chúng ta đã có anh ta. Chúng ta sẽ thực hiện lệnh bắt giữ, sẽ có con rệp và sẽ có cái xe”. Gusev đến đúng vị trí ngồi như mọi lần, đeo tai nghe, luồn tay bật thiết bị thu sóng trong túi xách. Chỉ đợi có thế, các đặc vụ FBI ập vào. Gusev không thể chối cãi trước những vật chứng do lực lượng phản gián thu được.

Trong cuốn video, Gusev ngồi trên ghế ở phía sau tòa nhà chính của Bộ Ngoại giao. Anh ta mang túi xách bên cạnh, một tay thò vào túi, một bên đeo tai nghe với sợi dây luồn khéo léo vào bên trong túi. Đoạn phim khác quay cảnh Gusev vẫn ngồi ở vị trí đó với cái túi xách tay, miệng ngậm thuốc lá, dường như đang chăm chú đọc tờ Washington Post lộn ngược. 

Một kế hoạch chi tiết được vạch ra để ghi nhận hoạt động của Gusev tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Thực hiện các biện pháp bí mật, lực lượng chức năng phát hiện Gusev lái xe đến khu vực trụ sở như ngày thường, đỗ xe trên phố rồi rời đi trong vài giờ, sau đó quay lại lái xe đi. 

Khi xem lại các đoạn băng ghi hình, cộng đồng tình báo Mỹ kết luận: hành động của Gusev rất có thể là một dạng gián điệp kỹ thuật. Họ tin rằng một con rệp thu phát đã được gắn đâu đó ở mặt trước toà nhà Bộ Ngoại giao. Con rệp này có khả năng thu phát tín hiệu sóng rung động của micro.

Đặc vụ Booth và các đồng nghiệp cử người ngụy trang làm nhân viên văn phòng theo dõi mọi người ra vào trụ sở đồng thời sử dụng kỹ thuật dò tín hiệu, từ đó xác định một cách chắc chắn rằng thiết bị nghe lén được đặt tại tầng 7 của tòa nhà. Ông Booth phán đoán, chiếc xe gắn biển ngoại giao của Gusev được trang bị thiết bị điện tử có khả năng thu tín hiệu từ một con rệp được gắn trên tầng 7 gần phòng hội nghị, nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng.

Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Robert David Booth (phải) cùng  gián điệp Kendall Myers, năm 2009

Khoảng 2h sáng một ngày hồi năm 1999, các đặc vụ của Booth vào trụ sở Bộ Ngoại giao, sử dụng thiết bị cộng hưởng tín hiệu để xác định chính xác vị trí nghe lén. Không mất nhiều thời gian, họ tìm thấy con rệp được giấu bên trong tay ghế bằng sắt đúc, kê sát tường của phòng hội nghị.

Đó là một khoảnh khắc hưng phấn tột độ kèm theo trạng thái kinh ngạc của nhóm điều tra. Họ cho rằng cần phải đánh giá ngay người Nga đã nghe được những thông tin gì. Cuộc họp gần nhất tại phòng hội nghị do Ủy ban nhân sự chủ trì, đánh giá hồ sơ nhân sự cấp cao của Bộ Ngoại giao. Lúc ấy, cuộc tranh luận lớn trong cộng đồng tình báo nổ ra liên quan đến việc xử lý thiết bị nghe lén.

Một số ý kiến cho rằng: “Để con rệp nguyên tại chỗ, giám sát và bắt quả tang khi ai đó đến gỡ nó ra”. Số khác nói: “Chúng ta phải gỡ nó ra ngay lập tức, nghiên cứu, phân tích và tìm ra các biện pháp chống lại hoạt động nghe trộm của đối phương. Có thể Nga gài thiết bị tương tự ở khu vực khác như các đại sứ quán hoặc nghe trộm doanh nghiệp tư nhân Mỹ, thu thập tin tức tình báo kinh tế”.

Số khác lại nghiêng theo hướng: “Tại sao chúng ta không bố trí một cuộc họp tại phòng hội nghị, thảo luận trong kiểm soát những nội dung thể hiện cơn nóng giận của người Mỹ hoặc cung cấp cho họ tin giả”.

Cuối cùng, giới tình báo đi đến quyết định giám sát phòng hội nghị bằng máy ghi âm và máy quay bí mật, ghi nhận xem liệu nhân viên ngoại giao Nga đánh cắp thông tin mật có đủ để gán tội hoạt động gián điệp theo luật hay chưa và cần tìm hiểu rõ hơn tại sao người Nga lại chọn phòng hội nghị này làm mục tiêu thu tin. 

Sau khoảng 30-35 ngày, hoạt động giám sát liên tục 24h/7 làm cạn kiệt sức lực của nhóm điều tra. Bù lại, họ nắm chắc quy luật, cách thức hoạt động, thói quen của Gusev. Quyết định cuối cùng đưa ra, đã đến lúc bắt giữ nhà ngoại giao, thu giữ chiếc xe của anh ta và bóc con rệp ra khỏi tay ghế, phân tích nó. Thế nhưng, liên tiếp những tuần sau đó, Gusev không xuất hiện. Tâm lý chán nản bắt đầu xuất hiện trong nhóm điều tra.

Vào cuối những năm 1990, Booth (thứ ba từ phải sang), được chỉ định bảo vệ nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat

Khoảnh khắc kinh ngạc

Buổi sáng hôm ấy, Booth ở văn phòng cùng một số người trong tình trạng tinh thần giảm sút nghiêm trọng, quần áo hôi hám do nhiều ngày không được tắm rửa. Mọi người đều có chung tâm trạng và suy nghĩ: Gusev đánh hơi thấy cái bẫy đang giăng ra và tìm đường tháo chạy.

Booth cầm điện thoại đã mã hoá trao đổi với một đại diện đặc biệt của an ninh ngoại giao thuộc FBI với tâm trạng lo âu. Nhân viên này đang giám sát tại lối ra của bãi đỗ xe Đại sứ quán Nga. Đột nhiên, đầu dây bên kia dừng lại: “Robert, hắn xuất hiện ở bãi đỗ xe”. Thông tin cho biết, Gusev đã rời khỏi Đại sứ quán Nga. Anh ta sẽ đến trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ và kích hoạt thiết bị nghe.

 Khoảnh khắc ấy với đội của Booth thật khó tả. Tâm trạng dồn nén vì chờ đợi giây phút này quá lâu giờ như chực bung ra. Nhưng với người kinh nghiệm như Booth, ông chưa vội mừng, tất cả còn ở phía trước. Tuy nhiên, linh tính mách bảo ông rằng cộng đồng tình báo sắp đạt được mọi thứ họ muốn: bắt giữ một nhà ngoại giao Nga.

Booth ngồi nhìn qua cửa sổ văn phòng vừa nghe báo cáo của các đặc vụ FBI qua bộ đàm. Gusev tiếp cận trụ sở trên chiếc Chevy Malibu gắn biển ngoại giao. Từ tầng 6, Booth quan sát Gusev đỗ xe trên phố ngay bên lối vào văn phòng mà đội của ông chọn làm trạm quan sát. Gusev không biết đó là trụ sở chính của Văn phòng Ngoại giao An ninh.

Booth tiếp tục quan sát từ cửa sổ, tim thắt lại, máu trong người như đang sôi lên. Teresa Black, người thư ký trung thành của ông lên tiếng trấn an “Robert, anh phải bình tĩnh lại”. Khi ấy, Gusev bắt đầu vào bãi đậu xe.

Đúng tại thời điểm đó, Booth nói với các đặc vụ: “Thời khắc chờ đợi đã đến, chúng ta đã có anh ta. Chúng ta sẽ thực hiện lệnh bắt giữ, sẽ có con rệp và sẽ có cái xe”. Gusev đến đúng vị trí ngồi như mọi lần, đeo tai nghe, luồn tay bật thiết bị thu sóng trong túi xách. Chỉ đợi có thế, các đặc vụ FBI ập vào. Vụ bắt giữ được tiến hành một cách suôn sẻ. Gusev không thể chối cãi trước những vật chứng do lực lượng phản gián thu được. 

Khi báo chí hỏi về kết quả quá trình xét hỏi Gusev, Booth chỉ cho biết: “Hiện tại, việc các nhà ngoại giao của Nga hay bất cứ quốc gia nào khác như trường hợp Gusev, muốn vào Bộ Ngoại giao Mỹ và làm điều tương tự, có lẽ sẽ không xảy ra”. 10 ngày sau vụ bắt giữ, Gusev bị trục xuất khỏi Mỹ mà không có phiên toà xét xử  buộc tội gián điệp. Anh ta được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. 

Sau đó, các đánh giá phân tích thông tin bị nghe trộm cho thấy con rệp thu phát cho phép Nga nắm bắt được khá nhiều thông tin. Nhưng từng đó chưa đủ để hiểu đây là “chiến thuật hay chiến lược của điện Kremlin”. Có lẽ sẽ không bao giờ xác định được chính xác thiết bị nghe lén được đưa vào trong tòa nhà bằng cách nào. Sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra những hạn chế đối với các nhà ngoại giao nước ngoài được phép tới làm việc tại tòa nhà.

Robert David Booth hiện giờ đã nghỉ hưu, ông cũng là tác giả của cuốn “Phản gián ngoại giao: Rò rỉ, do thám và dối trá” xuất bản năm 2014. Cuốn sách kể về quãng đời công tác của ông và mô tả thế giới thực sự của phản gián ngoại giao. Vì lý do bí mật, Robert David Booth không được phép cung cấp hình ảnh của Stanislav Borisovich Gusev.