Những bi kịch đến từ chiếc… tivi

ANTĐ -Một đạo diễn đã từng lăn lóc với nghề hơn hai chục năm từ chân trợ lý, đến đủ thứ chức vụ trong đoàn làm phim, khi được hỏi về phim truyền hình đã thẳng thắn trả lời: "hàng chợ!".

Đời sống gia đình hiện đại ở Việt Nam bị vây quanh bởi quảng cáo các kiểu, bởi sản phẩm rởm và tiện nghi nửa vời, bằng... công nghệ giải trí. Tuy nhiên, đến cả giải trí cũng không được giải trí cho tử tế thì đúng là bi kịch. Bài viết đi trực diện từ phim truyền hình, mòn ăn mà khán giả hơn 60 đài truyền hình ở Việt Nam bị "ép" ăn đến bội thực mỗi ngày...

Một đạo diễn đã từng lăn lóc với nghề hơn hai chục năm từ chân trợ lý, đến đủ thứ chức vụ trong đoàn làm phim, khi được hỏi về phim truyền hình đã thẳng thắn trả lời: "hàng chợ!".

Ai cho người tâm huyết được... sống?

Những đạo diễn có tâm huyết với nghề, nếu có nhận làm phim truyền hình thì cũng với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Đời sống của một bộ phim truyền hình ngắn tựa như bài báo. Khi phải nhắc đến thành tích của cá nhân, không đạo diễn nào không tự hào với bề dày phim nhựa. Với họ, phim nhựa là tiểu thuyết trong văn học, là đứa con chính thức. Nhưng có một thực tế mà ít ai chịu thừa nhận, công chúng ít xem phim nhựa hơn phim truyền hình nên với công chúng, tay nghề của một đạo diễn được đánh giá hàng đêm theo giờ phát sóng!

 

Lasta, với những bộ phim đầu tiên rất đáng thất vọng, nhưng về doanh thu quảng cáo rất thành công. Và có thể nói, Công ty Lasta đã tạo ra một "trào lưu" làm phim mì ăn liền kiểu mới. Chỉ cần có rating cao, nhiều quảng cáo là được. Không nhất thiết phải hay hoặc có giá trị nhân văn cao. Trong buổi đầu, khi kịch bản Hàn chưa rộ, kịch bản phim Việt còn hạn chế, Lasta đã nhanh tay khuân hàng loạt kịch bản từ Thái về để Việt hóa cấp tập và hùng hục sản xuất.

Tiến độ càng lúc càng được đẩy nhanh và những đạo diễn nghiêm túc với nghề không tài nào đáp ứng nổi yêu cầu của đơn vị sản xuất về thời gian, đã lặng lẽ rút lui.

Thế là nhờ phim truyền hình chất lượng thấp lên ngôi đã tạo cơ hội cho những đạo diễn "nhân tài nằm trong lá ủ" có dịp dương danh với thị trường.

Để kịp tiến độ và yêu cầu quảng cáo, hiện nay một số công ty quảng cáo đang đặt hàng những hãng phim có khả năng thực hiện chỉ tiêu mỗi tập phim được hoàn tất trong... một ngày! Đạo diễn Đỗ Phú Hải cho biết, một tập phim truyền hình làm cho đàng hoàng tử tế, mất trung bình 10 ngày. Những đạo diễn khác có nhanh hơn cũng mất từ 5 - 7 ngày. Thế mà, mỗi ngày một tập phim!? Không dở là chuyện không thể!

Nhưng nếu không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về thời gian, ắt mất việc

Với cách làm phim hết sức ẩu theo kiểu hàng chợ, ngay từ lúc vừa xuất hiện Lasta đã khiến TFS và một vài nhà sản xuất phim truyền hình khác phải ngậm ngùi thua cuộc rút lui. Họ không thể muối mặt trình làng công chúng loại phim "mỗi ngày mỗi tập" như thế. Thế nhưng đó là chuyện xưa. Hiện nay, những đạo diễn Sài Gòn làm phim nhanh như "rác điện ảnh" có đầy, tha hồ lựa chọn.

X.P nổi tiếng hơn một ngày một tập bèn cạnh tranh với đàn anh X.C và qua mặt cái ào. Cuộc đua về thời gian khiến cả 2 ông X. này trình làng hàng loạt phim, xem xong khán giả phải... thức dậy tắt TV! Nhưng đã thấm vào đâu với ông V.B. Là một diễn viên sống lâu năm bèn học thêm đạo diễn, V.B. đi lên trong nghề bằng nhiều kiểu, kể cả làm phi công lái máy bay bà già, V.B làm phim nhanh như "quay đám cưới". Thế mà ông ta vẫn ngoi lên vị trí sếp, nắm giữ khâu quyết định cho khá nhiều bộ phim khác. Thế mới kinh!

Để cạnh tranh bằng thời gian, những công ty quảng cáo có hãng phim riêng bèn đưa ra cách quay theo công nghệ "tiên tiến" nhất kiểu Hàn Quốc. Và những khiếm khuyết của công nghệ này chỉ lộ rõ khi... xem phim! Thu tiếng trực tiếp, trong khi diễn viên chỉ là những người mới tập tễnh vào nghề khiến thoại trong phim hệt như... tiếng cầu kinh! Và ánh sáng, một yếu tố quan trọng làm nên một tác phẩm điện ảnh được sử dụng theo kiểu... tệ hơn kịch nói. Ánh sáng bẹt và chỉn chu đến độ ngày cũng như đêm, công chúng được xem và được phân biệt thời gian, cá tính nhân vật... bằng cách nhờ diễn viên "bảo cho mà biết!".

Thật giả láo nháo, quảng cáo ăn tiền

Đóng phim, làm phim cho những hãng phim tư nhân đang rộ lên nhiều hơn nấm mùa mưa... bất kỳ ai cũng hiểu rằng chẳng bao giờ giỏi lên hoặc có danh vọng dù nhiều người biết đến. Thế nhưng, phim hàng chợ vẫn là nơi để giành nhau mà làm. Vì sao?

Đối với cánh đạo diễn, làm phim hàng chợ dễ mà khó. Dễ vì yêu cầu chất lượng không cao nhưng lại khó vì phải làm nhanh với một đội ngũ chắp vá không hề chuyên nghiệp.

Đối với dân kỹ thuật, làm phim hàng chợ hấp dẫn vì có những người, ngoài những hãng phim mọc ra theo kiểu từ trên trời rơi xuống "mạnh dạn" sử dụng, họ không thể tìm được bất kỳ nơi nào để đầu quân!

Đối với dân "đóng phim" (khác một chút với diễn viên điện ảnh), ai cũng thích đóng phim hàng chợ. Một phân đoạn giá 500 ngàn, cao gấp rưỡi so với các hãng phim khác mà đóng nhanh, mỗi ngày cả vài chục phân đoạn không hấp dẫn sao được. Đồng thời, vì là phim truyền hình, sẽ nhiều người biết, nhất là muôn vàn kẻ thân quen, tha hồ mà hãnh diện.

Thực hiện một tập phim với thời lượng 45 phút, giá dao động từ 90 triệu đến 150 triệu đồng. Đài truyền hình nhận phim về phát sóng và trả bằng spot quảng cáo. Giá cao nhất hiện nay là 140 triệu đồng/phút. Giá ở những đài truyền hình nhỏ hơn cũng lên đến cả vài chục triệu đồng/phút.

Các công ty quảng cáo khác không thể không nhận ra mảnh đất màu mỡ thiếu người chăm sóc này. Một giờ chiếu phim, trong đó có đến 15 phút quảng cáo. Vị chi, công ty quảng cáo và nhà - đài ẵm gọn hàng tỷ đồng. Lãi kinh người như thế không đua nhau làm phim mới là chuyện lạ!

Hầu hết các công ty quảng cáo đang gia công phim cho nhà đài có được một mảnh vườn riêng tha hồ cày xới, có thể - xin thưa là có thể thôi nhé, từ những cuộc đi đêm với một số nhà quản lý! Để cột nhau vào cỗ xe tam mã, không gì bằng... tặng phần hùn! Khi biết điều thì con nuôi sẽ được ưu ái hơn con ruột là cái chắc...

Tuy nhiên, thượng đế là những khán giả xem phim truyền hình, là những người trực tiếp mua hàng nhưng không được lựa chọn sản phẩm. Hay biết mấy mỗi khi ăn tối xong, bật TV lên xem phim mà lại là phim Việt chất lượng cao! Nhưng, giữa muốn và được, khoảng cách lớn quá. Khoảng cách phim dở và phim hay tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là... tiền!

Phim truyền hình là một nhu cầu có thực, nhưng khá khắc nghiệt với những ai ảo tưởng về một sân chơi công bằng. Phim truyền hình chạy theo thị hiếu của một bộ phận không nhỏ của xã hội và cần... hót! Yêu cầu hót là hợp lý, nhưng hót về đề tài không chưa đủ, cần phải hót cả những... tên tuổi! Hãng HK với dàn diễn viên độc quyền và chiến lược phát triển tốt đã và đang cộng tác với Công ty M&T Pictures để thực hiện phim truyền hình. Tất nhiên với trưởng phòng biên tập là đạo diễn Vinh Sơn, chúng ta có thể hy vọng những sản phẩm không đến nỗi. Nhưng cơn sốt kịch bản và yêu cầu lấp đầy giờ phát sóng đã mua được, chúng ta vẫn cứ phải thấp thỏm chờ xem của những hãng phim mang nặng chất con buôn, các bộ phim không ra gì!

Càng dài càng lãi, tào lao nhưng... giá không cao

Để tồn tại trong sân chơi đầy khắc nghiệt, các nhà sản xuất phim truyền hình phải dung hòa giữa chất lượng phim và khả năng vốn có. Bộ phim truyền hình có ngưỡng của nó: 120 triệu đồng/tập... khó có thể như ý khán giả mong muốn. Một kịch bản được xem là "ít dở" trong bối cảnh hiện nay là "Hồ sơ đen", khó triển khai mặc dù ai cũng thích. Một lý do đơn giản tốn quá! Mỗi tập phim cần một dàn diễn viên khác nhau để thể hiện mà điều này, với các nhà tổ chức sản xuất không chịu nổi! Tác giả nhận được đề nghị, kéo mỗi tập ra làm... 5! Vì kéo dài như thế mới phù hợp với yếu tố lợi nhuận của nhà sản xuất. Tất nhiên là các đạo diễn sẽ từ chối, vì như thế sẽ... nhạt như nước ốc! Cuối cùng bộ phim được giao cho một đạo diễn nghe đến tên ai cũng lắc đầu vì "hổng biết" là Lý Tiểu Bình. Tất nhiên, mỗi tập bèn được chia thành 2 và "mạnh dạn cắt bỏ" những thứ "hao tốn". Không nói ra cũng hiểu, phim chưa làm nhưng đã biết nó hay... cỡ nào!

 

Một đề tài khác được nhà sản xuất đặt hàng là những tranh chấp trong gia đình, thừa kế, đất đai, Việt kiều... với độ dài lên tới cả trăm tập, bị nhiều tác giả tên tuổi nhẹ nhàng từ chối. Lý do dễ hiểu: thiếu gì chuyện hay hơn, sao phải làm đề tài đó với độ dài lê thê như thế. Khán giả nào chịu nổi? Tất nhiên, kịch bản đó vẫn được sản xuất, nhưng do các bé sinh viên mới ra trường cầm bút phóng chữ!

Ngay cả đề tài tình cảm tay ba tay tư, nhàm đến độ khó có thể nhàm hơn, vẫn cứ được khai thác tối đa dù nhà sản xuất và nhà đài thừa biết rằng không tài nào cạnh tranh nổi phim Hàn. Khi được hỏi, một nhà sản xuất khá nổi tiếng hiện nay trong dòng phim truyền hình đã cho biết: phim tình cảm dễ làm và giá thành rẻ! Yếu tố tiền đã quyết định chúng ta phải ngồi trước màn hình ngao ngán với những cuộc tình rối rắm, tào lao. Không trách ai được!

Khi thành phố là đại phim trường

Nhà nhà làm phim, người người làm phim... và, phim trường, ở đâu có mà quay, mà dựng? Lại một vấn nạn không nhỏ nếu muốn làm phim ở Việt Nam. Nước ta có một phim trường lớn nhất thế giới! Chuyện tưởng như đùa khi chúng ta nghe một số đạo diễn Việt Nam khẳng định. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể phải trễ giờ đi đón con tan trường hoặc một ai đó phải bị phạt vì muộn giờ làm, bởi những đoàn phim "chặn đường, lấy cảnh, quay phim" một cách vô tội vạ, đều xác nhận điều đó!

Toàn bộ ngoại cảnh, thậm chí bên trong một biệt thự kín cổng cao tường... ăn thua, đoàn làm phim với những chuyên gia năn nỉ, đều có thể... xài chùa!

Tiền ít, phương tiện thiếu... và đôi khi tay nghề kém, không xài cảnh có sẵn thì... hóa là điên! Nhưng ngay cả việc "ta có phim trường lớn nhất thế giới" đã bộc lộ rõ tính không-chuyên-nghiệp. Không chuyên mà cứ đòi phải "ngang tầm thế giới", đúng là các nhà quản lý có thừa óc khôi hài nhưng kém trí tuệ!

Thử đưa giải pháp!

Một bộ phim hay, trước tiên cần một kịch bản không tồi. Điều này cũng do định hướng của các nhà sản xuất. Một hãng phim truyện vừa thành lập bao giờ cũng muốn mời những tên tuổi, đặc biệt trong giới nhà văn về công tác. Điều này đúng nhưng không hoàn toàn đúng hẳn. Cách tư duy của nhà văn thiên về tâm lý và miêu tả trừu tượng, trong khi ngôn ngữ của điện ảnh là hình ảnh. Và với nhu cầu bức thiết về thời gian, khó có nhà văn nào đáp ứng nổi tiến độ phim truyền hình. Ngay cả những siêu-sao trong giới viết kịch bản là ông Phạm Thúy Nhân cũng không mặn mà lắm với phim truyền hình trong bối cảnh bát nháo hiện nay, vậy kịch bản ở đâu ra? Hướng giải quyết có lẽ đơn giản hơn chúng ta nghĩ: mời cánh nhà báo tham gia thị trường kịch bản. Cách tư duy và thể hiện của phóng sự giàu hình ảnh thực ra gần gũi với điện ảnh hơn nhiều.

Và đạo diễn? Có lẽ nên mời được những đạo diễn có tay nghề, có tên tuổi... tham gia vào những bộ phim truyền hình nghiêm túc và tử tế để vực lại chất lượng cho phim truyền hình Việt Nam đang trong thời kỳ xuống cấp trầm trọng như hiện nay.

Diễn viên? Cần những người có kinh nghiệm diễn xuất và tài năng hơn là cách chọn hổ lốn theo cảm tính như hiện nay.

Kỹ thuật quay cần dẹp bỏ ngay việc "thử nghiệm công nghệ mới" không phù hợp là sitcom (thu tiếng trực tiếp với 3 máy) như hiện nay. Trong thực tế đã chứng minh, quay phim cách này... dở ẹc!