Những bệnh hay gặp mùa mưa

ANTD.VN - Thời tiết mưa nắng thất thường cộng với ngập úng, điều kiện vệ sinh kém là những yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, gây bệnh và bùng phát thành dịch. Dưới đây là một số bệnh dễ bùng phát trong mùa mưa.

Thương hàn

Thực phẩm và nước nhiễm khuẩn là nguyên nhân khiến bệnh thương hàn gia tăng trong mùa mưa bão. Biểu hiện điển hình là sốt cao, đau đầu, biếng ăn, tiêu chảy hoặc táo bón… Để phòng tránh, cần ăn chín, uống nước đã đun sôi kỹ, chế biến và bảo quản tốt thực phẩm…

Tả

Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn dịch tả phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở những khu vực ô nhiễm, việc sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Người mắc bênh tả có biểu hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng thành nước, chuột rút... Ở mức độ nặng, có thể dẫn đến tiêu chảy cấp. Nếu không kịp thời chữa trị có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh lỵ amip

Bệnh do ký sinh trùng amip gây ra, lây theo đường ăn uống (phân - miệng), gây bệnh ở đường ruột và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu đường tiêu hóa, gây thiếu máu hoặc có thể gây thủng ruột, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc...

Sốt xuất huyết

Mùa mưa bão thường cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết. Bệnh do virus dengue gây ra, lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh rồi truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do vậy, người dân cần tăng cường công tác vệ sinh nơi ở, loại bỏ nơi muỗi đẻ trứng, đi khám ngay khi có các dấu hiệu của bệnh để không lan thành dịch.

Bệnh hô hấp

Thời tiết ẩm thấp, mưa gió làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó phải kể đến cảm cúm, cảm lạnh. Cúm là bệnh thường gặp, nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí tử vong. Các bệnh hô hấp thường có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành dịch, gây khó khăn cho việc điều trị.

Đau xương khớp

Những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh xương, khớp thường rất sợ mùa mưa vì thời tiết thất thường khiến các cơn đau gia tăng. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc thường xuyên với nước mưa cũng khiến các bệnh về xương, khớp xuất hiện, ảnh hưởng đến khả năng vận động của con người. Vì thế, người bệnh cần hạn chế lội nước, tham gia các bài tập để tăng cường độ dẻo dai cho xương.

Nước ăn chân

Nguyên nhân của bệnh này là do nấm kí sinh gây ra, đặc biệt với những người hay đi chân trần, lội nước lâu. Khi bị nước ăn chân, da chân ở các kẽ bị bong vảy, ngứa ngáy, dần dẫn da bị mủn trắng, loét, chảy dịch, nứt kẽ rất đau. Bệnh gây ngứa, rát và khó chịu. Nếu để lâu, vết loét sẽ ngày càng ăn sâu và lan rộng, gây mưng mủ, sưng viêm, ảnh hưởng đến việc đi lại.