Những bãi rác lộ thiên chình ình trên đường Nguyễn Xiển

ANTD.VN - Là đoạn nối dài của đường Khuất Duy Tiến với khu bán đảo Linh Đàm, nhiều năm nay tuyến đường Nguyễn Xiển (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng dưng trở thành khu tập kết các loại rác rưởi và phế thải xây dựng của những kẻ đổ trộm vô ý thức. 

Chỉ dài chưa tới 2km, nhưng dọc con đường thuộc phường Đại Kim này có tới cả chục bãi phế thải xây dựng hoặc bãi rác sinh hoạt lúc nào cũng trong tình trạng ruồi muỗi, chuột bọ thi nhau hoành hành. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân dọn dẹp, nhưng xem ra những cố gắng  vẫn chỉ như đá ném ao bèo.

Những bãi rác lộ thiên chình ình trên đường Nguyễn Xiển ảnh 1Những đống rác thải, phế thải xây dựng ngập vỉa hè gây ô nhiễm và mất mỹ quan trên đường Nguyễn Xiển

Đích đến của xe đổ trộm

Tuy vậy, vào các buổi chiều, bên cạnh những đống rác này lại là những quầy hoa quả di động kéo đến tập kết hoạt động  tấp nập. Cứ cách nhau độ chục mét là những chiếc xe đạp, xe máy trên đó kê sẵn tấm gỗ bày la liệt đủ loại trái cây bóc sẵn như mít, dưa hấu để khách hàng có thể thử chất lượng ngay lập tức. Mặc kệ bụi đường, mặc kệ ruồi nhặng, người mua vẫn rất đông vô tư chọn, nếm và mặc cả.

Chị Lê Thị Hằng, chủ một cửa hàng cây cảnh ở đường Nguyễn Xiển cho biết: “Do đây là tuyến đường mới, hai bên chủ yếu là đất của các dự án chưa hoàn thiện nên ban đêm rất vắng vẻ. Lợi dụng điều này, các đối tượng đổ trộm phế thải chỉ cần dừng xe là có thể trút xuống cả tấn đất đá. Đó là chưa kể các công trình xây dựng tư nhân. Nhiều gia đình thay vì thuê dịch vụ môi trường thì họ lại thuê “cửu vạn” chở đi từng bao đất nhỏ. Chính những “cửu vạn” này đã góp phần khiến các đống phế thải ở hai bên đường ngày một phình to”.

Ông Lê Đức Ninh, một cán bộ hưu trí của phường Đại Kim thì than phiền: “Trước đây, sáng nào tôi cùng vài người bạn cũng đi bộ dọc tuyến đường này để tập thể dục. Vỉa hè đường Nguyễn Xiển rộng, lại chưa có cơ quan, nhà dân đến ở nên rất thoáng đãng. Thế nhưng bây giờ thì chẳng thể nào đi được nữa do các đống rác đã chiếm hết vỉa hè. Các anh tính, cứ đi một đoạn lại gặp đống phế thải lù lù lấp kín vỉa hè thế kia thì người dân chỉ còn nước nhảy xuống dưới lòng đường”.

Thực ra, nạn đổ trộm phế thải, rác rưởi ra đường Nguyễn Xiển cũng không phải là mới. Bằng chứng là rất nhiều đống rác đã lên rêu, thậm chí cỏ cũng đã mọc xanh rì. Tuy nhiên, không hiểu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nghĩ thế nào mà tình trạng này vẫn không được cải thiện.

Ba lần ra quân vẫn đâu đóng đấy

Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, ông Trần Hữu Chúc - Chủ tịch UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết, đây chính là câu chuyện đau đầu đối với UBND phường từ nhiều tháng nay: “Chúng tôi đã ra quân 3 lần, lần nào phường cũng phải  bỏ kinh phí lên tới cả chục triệu đồng để thuê máy móc, phương tiện và nhân công dọn dẹp. Thế nhưng chỉ được vài hôm, mọi sự vẫn đâu đóng đấy. Thậm chí có khu vực, buổi sáng chúng tôi vừa xúc đất đá, phế thải, thì hôm sau đã thấy chình ình cả chục bao xi măng đựng đất trạc được ném ở ngay chỗ cũ. Quả thực nạn đổ trộm rác thải này rất khó xử lý, trong khi phường không thể cứ bỏ kinh phí để đi dọn mãi như thế  được”.

Cũng theo ông Chúc, phần lớn những đống đất đá, phế thải, rác rưởi trên đường Nguyễn Xiển là do người dân trong phường đổ ra. Cán bộ tự quản, dân phòng cũng đã bắt được vài trường hợp của dân “cửu vạn” dùng xe đạp thồ mang đất đá ra đây đổ trộm. Tuy nhiên, những trường hợp này phường cũng chỉ bắt làm kiểm điểm cảnh cáo bởi họ ngoài chiếc xe đạp cũ ra thì chẳng còn xu nào trên người để nộp phạt. Theo lời khai của những người này thì họ chỉ đi đổ thuê cho những hộ dân trong phường đang xây nhà. “Chúng tôi cũng đã đến làm việc với chủ công trình thì họ chối bay chối biến và đổ lỗi tất cả cho “cửu vạn”. Câu chuyện cỏn con, nhưng cứ chạy vòng quanh như thế và cũng chẳng có cơ sở nào để phạt nên rất mệt mỏi” - ông Chúc nói.

Cũng theo UBND phường Đại Kim, muốn địa bàn sạch đẹp, không còn tồn tại những đống đất, rác thải như thế này chỉ còn 2 cách: Một là UBND phường phải duy trì một đội ngũ cán bộ túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn nạn đổ trộm. Cách này xem ra không khả thi bởi lực lượng của phường thì mỏng và không biết lấy kinh phí ở đâu để trả lương cho những cán bộ “chuyên trách” như vậy. Hai là có lẽ cơ quan chức năng cần quy định rõ các công trình xây dựng bắt buộc phải có hợp đồng vận chuyển phế thải thì mới cấp phép xây dựng. Cách này cũng khó, nhưng không phải không thực hiện được. Mặt khác, lực lượng thanh tra giao thông cũng cần có sự vào cuộc tích cực để xử lý chứ không thể phó mặc tình trạng này cho chính quyền sở tại.