Những bác sĩ y khoa ra tiền tuyến trong cuộc đấu cam go chống Covid-19

ANTD.VN - Cùng với mức độ bùng phát và lây lan cực nhanh của dịch bệnh Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc), các phòng khám ở Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán nhanh chóng bị quá tải. Các bác sĩ ở “tuyến đầu” làm việc ngày đêm, nhiều người kiệt sức. Do đó, các bác sĩ và đội ngũ y tá các phòng, khoa khác của bệnh viện được huy động tới hỗ trợ. Nữ bác sĩ Xia Wenfang là một trong số những người tình nguyện ra “tiền tuyến”.

Các nhân viên y tế ở Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán được huấn luyện để chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19

Ngày 1-1-2020, bác sĩ Xia Wenfang (47 tuổi) tiếp nhận một bệnh nhân có tiền sử bệnh tiểu đường đang bị sốt, ho và khó thở. Kết quả kiểm tra cho thấy phổi của bệnh nhân có các triệu chứng điển hình chứng viêm phổi do virus Corona mới, sau đó bệnh nhân được chuyển đến một bệnh viện khác chuyên về hô hấp - “Thời điểm đó, chúng tôi không biết bệnh nhân này đã bị nhiễm loại virus chết người Covid-19”. Đó là cuộc “đối đầu” đầu tiên của bác sĩ Xia với loại virus nguy hiểm trở thành dịch bệnh chết người, tàn phá thành phố và cướp đi mạng sống của hơn 2.000 người. 

Xung phong ra “tiền tuyến”

Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán, nơi bác sĩ Xia công tác đã tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân đến thăm khám kể từ đầu tháng 1-2020 đến nay. Sau đó, bệnh viện này đã được chỉ định là một trong những bệnh viện đầu tiên ở Vũ Hán thực hiện việc khám sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Phòng khám các ca bệnh sốt của bệnh viện này đã trở thành “tiền tuyến” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. 

Nữ bác sĩ Xia xung phong tình nguyện ra “tiền tuyến”. “Hầu hết các đồng nghiệp trong khoa của tôi dưới độ tuổi 50 đều xung phong tham gia” - bác sĩ Xia nói - “Đó là ngày 7-2, tôi bắt đầu làm việc ở phòng khám “tiền tuyến” này sau một khóa huấn luyện bổ sung cấp tốc”. 

Giáo sư Dong (86 tuổi), người Trung Quốc, từng làm việc ở Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán trước khi nghỉ hưu. Từ năm ngoái, ông phải sử dụng xe lăn để di chuyển vì gặp khó khăn trong việc đi lại. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 tấn công Vũ Hán, bác sĩ Dong đã tình nguyện tiên phong “ra tuyến đầu” chống dịch. Mặc dù phải ngồi trên xe lăn nhưng tinh thần làm việc của bác sĩ Dong không biết mệt mỏi. Mỗi ngày, bác sĩ Dong điều trị cho hơn 30 bệnh nhân. “Bệnh viện đầy ắp các bệnh nhân nhưng Giáo sư Dong đã giúp chúng tôi có thể cứu chữa được nhiều người nhất có thể, ngay cả khi việc này khiến tính mạng của ông có thể gặp nguy hiểm” - một đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán chia sẻ. 

Các bác sĩ bổ sung được chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất chịu trách nhiệm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, nhóm thứ hai, chủ yếu là bác sĩ có trình độ cao, có nhiệm vụ giúp nhóm bác sĩ đầu tiên điều trị những ca bệnh phức tạp. Bác sĩ Xia nằm trong nhóm thứ hai, thường xuyên phải làm việc liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ. Trong giai đoạn đỉnh điểm bùng phát dịch bệnh, Phòng khám các ca bệnh sốt tiếp nhận hơn 800 bệnh nhân mỗi ngày. Những người đến khám ở đây có các triệu chứng khác nhau, một số ca nhẹ, nhưng cũng không ít những ca nghiêm trọng yêu cầu các bác sĩ phải có chẩn đoán nhanh chóng và đưa ra phác đồ điều trị nhanh nhất có thể. 

Chạy đua với thời gian để giành giật sự sống

Đặc biệt là các bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh mãn tính, họ là đối tượng dễ bị nhiễm virus nhất. Nữ bác sĩ Xia với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh tiểu đường và các bệnh nội tiết khác đã tận dụng tối đa kiến thức, chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống cho các ca bệnh nặng. Dịch bệnh tiếp tục lây lan với số lượng bệnh nhân hàng nghìn người, các bác sĩ và y tá cũng bắt đầu bị lây nhiễm. “Nhân viên y tế làm việc tại phòng khám các ca bệnh sốt này cũng giống như những người lính xung phong trên chiến trường” - bác sĩ Xia nói. 

Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán đã được chuyển thành phòng bệnh với 850 giường điều trị các bệnh nhân nhiễm virus Corona mới. Để tránh lây chéo, tất cả các phòng bệnh đều không được phép bật điều hòa và cửa sổ luôn phải mở để thông gió. Tuy nhiên, nữ bác sĩ Xia cho biết mặc dù phòng khám khá lạnh, nhưng cô luôn thấy nóng và ngột ngạt bởi luôn phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ liên tục nhiều tiếng đồng hồ. “Bộ đồ trùm từ đầu đến chân mặc trong suốt ca làm việc kéo dài ít nhất 8 tiếng liên tục. Và cũng không hề dễ dàng gì khi mặc vào, cởi ra.

Bác sĩ Lee Chongyou, người Malaysia là một trong số những bác sĩ quốc tế lựa chọn ở lại Trung Quốc để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, bất chấp nguy cơ gặp nhiều rủi ro. Theo bác sĩ Lee, nhiều đồng nghiệp của anh từ những quốc gia khác như Nhật Bản và Mỹ cũng lựa chọn ở lại Bắc Kinh để chống dịch. Lee mong đợi tới ngày đẩy lùi dịch bệnh để được trở lại với nhịp sống bình thường và chào đón những đồng nghiệp từ tuyến đầu trở về.

Lần đầu tiên tôi phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ mới mặc xong. Và vì thế, hầu hết các nhân viên y tế phải hạn chế nhu cầu vệ sinh để không phải tháo nửa chừng, thậm chí nhiều người sử dụng bỉm tã” - bác sĩ Xia kể. Không chỉ quần áo, kính bảo hộ cũng là một thử thách. Kính thường xuyên bị hơi nước làm mờ đi và cạnh của nó hằn sâu vào mũi, má. Tuy nhiên, bác sĩ Xia cũng như các đồng nghiệp đã tìm cách khắc phục những phiền toái này, như bôi dung dịch xà phòng vào mắt kính và sử dụng miếng dán bảo vệ mặt.

Mỗi người đều đóng góp công sức để chiến thắng dịch bệnh

Làm việc trong môi trường cực kỳ căng thẳng, bị cách ly, bác sĩ Xia cho biết, mọi người đều tìm cách để giảm bớt áp lực. Sự dũng cảm, thiện chí của các bệnh nhân hỗ trợ lẫn nhau là rất quan trọng. “Nụ cười của bệnh nhân - đó là sự chiến thắng” - nữ bác sĩ Xia nhớ một bệnh nhân bị tiểu đường có các triệu chứng nghi nhiễm Covid-19 đã nhường chiếc giường cuối cùng tại phòng khám các ca bệnh sốt cho một bệnh nhân 70 tuổi nguy kịch hơn - “Đó là những trải nghiệm vô cùng xúc động. Sự thông cảm, đồng lòng ủng hộ của các bệnh nhân đã làm chúng tôi thêm tự tin trong việc đánh bại dịch bệnh này”. 

Bác sĩ Xia đã không gặp con trai mình trong nhiều ngày kể từ khi cô bắt đầu làm việc tại phòng khám các ca bệnh sốt. Cô cũng tự tiến hành các biện pháp kiểm soát dịch cho bản thân sau mỗi ngày làm việc để tránh lây nhiễm cho người khác.  “Trong dịch bệnh này, mọi người đều trưởng thành và đóng góp một phần công sức của mình” - bác sĩ Xia nói, khi dịch bệnh kết thúc, việc đầu tiên cô sẽ làm là tháo mặt nạ để tự do hít thở không khí thoải mái nhất có thể. 

 “Người mẹ áo trắng”


Những bác sĩ y khoa ra tiền tuyến trong cuộc đấu cam go chống Covid-19 ảnh 2

Gia đình chị Zhao Rui sống ở quận Yingjiang, thành phố Yingjiang, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả người lớn trong gia đình cô đều không may nhiễm bệnh và được đưa đến bệnh viện điều trị. Hai đứa con nhỏ của cô, một bé 4 tuổi và một bé mới 2 tháng tuổi không có người chăm sóc. Khi biết được chuyện này, các y tá từ các tổ chức y tế địa phương đã nhận chăm sóc giúp, đóng vai trò là “người mẹ” tạm thời của các bé.

Ngày 20-2, Zhao Rui được xuất viện sau khi hồi phục và được chuyển đến nơi kiểm soát dịch bệnh để cách ly thêm 14 ngày. Trong khu cách ly, lần đầu tiên kể từ khi bị nhiễm bệnh phải cách ly, Zhao Rui không khỏi xúc động được nhìn thấy các con mình, trong một tòa nhà khác, trong vòng tay của những “người mẹ tạm thời”. Từ khoảng cách an toàn, Zhao Rui vui mừng vẫy tay với con và cúi đầu cảm ơn các y tá đã chăm sóc các con thay mình. Tại khu cách ly này, có ít nhất 9 “người mẹ áo trắng” chăm sóc các em bé thay cha mẹ đang phải điều trị bệnh.