Những áng thơ trong từng nét vẽ

ANTĐ - Tuy theo học hội họa và điêu khắc trong 7 năm trời, nhưng khi được phân công về Sở Văn hóa Hải Dương, năm 1967, họa sĩ Lê Hướng Quỳ chỉ chuyên vẽ tranh cổ động. Ở tuổi 23, họa sĩ trẻ khi đó không nề hà, ngại khó và dồn toàn tâm toàn ý vào công việc.

“Trên hầm trận địa Quảng Bình” vẽ năm 1968

Lăn lộn trên chiến trường

Năm 1968 họa sĩ Lê Hướng Quỳ đi công tác tại mặt trận ở Quảng Bình, vẽ trực tiếp ngay trên chiến hào hàng tháng trời. Đó là những bức trực họa vương màu khói lửa, với những góc cháy của đạn bom. Anh cùng đồng nghiệp phải dựng dàn giáo để vẽ một bức tranh cổ động cho chiến dịch, không ít lần phải tránh bom của máy bay giặc Mỹ đến bắn phá. Và chính cái lúc mưa bom bão đạn đó cũng là lúc họa sĩ Lê Hướng Quỳ tranh thủ hoàn thành các bức ký họa, mỗi nét vẽ đều nóng bỏng cảm xúc và chất chứa ý chí dâng hiến tuổi trẻ cho độc lập dân tộc. Hàng trăm bức trực họa ngay trên trận địa vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay là những báu vật và là nguồn tư liệu sáng tác bất tận cho đề tài cách mạng nước nhà. 

Họa sĩ kể, một buổi chiều vừa dựng dàn giáo xong, chuẩn bị vật liệu định trèo lên để vẽ thì máy bay Mỹ bất ngờ ập đến. Chỉ mới kịp hút xong điếu thuốc lào ai ngờ một ánh sáng vụt qua, tiếng réo của làn bom rú rít, rồi tiếng nổ dữ dội ầm vang, cái dàn giáo đổ sập. Hút chết, nhưng họa sĩ lại cùng anh em tiếp tục dựng dàn giáo khác, vẽ cả đêm xong mới nghỉ. Bức tranh cổ động tươi mới sắc màu, dưới bãi cỏ cháy đen vì bom đạn làm họa sĩ dạt dào cảm xúc, với những dòng thơ, cùng những hình tượng chiến sĩ và các bà mẹ anh hùng trên trận địa.

Sau này, trên suốt dọc đường số 5 thuộc tỉnh Hải Hưng một thời và Hải Dương sau này, họa sĩ Lê Hướng Quỳ đều có mặt để vẽ tranh thông tin tuyên truyền cổ động. Dọc tỉnh lộ và đường liên huyện có tới hơn 30 bảng tường vẽ tranh cổ động. Mỗi bức tường tranh rộng từ 15 tới 30m2, họa sĩ phải dựng dàn giáo cao tới 4, 5 mét để vẽ. Họa sĩ không khác gì người thợ xây vất vả với công trình cùng với nắng mưa giá rét. Không ít lần dàn giáo gãy đổ vì gió mạnh, họa sĩ Lê Hướng Quỳ bị ngã, nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành công việc phục vụ chiến trường và sản xuất.

Kể cả thời gian được cử đi học tiếp đại học Mỹ thuật, chuyên ngành hội họa từ 1972 đến 1977, họa sĩ Lê Hướng Quỳ vẫn tiếp tục vẽ tranh tuyên truyền cổ động cho tỉnh Hải Dương. Năm 1982, khi được chuyển sang phòng sáng tác xuất bản, làm tờ Văn hóa Thông tin, họa sĩ Lê Hướng Quỳ vẫn tham gia vẽ trên Pa-nô,   Ap-phich. Cho đến nay, khá nhiều tranh mà họa sĩ  vẽ đã trở thành vốn quý, là nhân chứng lịch sử chiến đấu và dựng xây của tỉnh được lưu giữ tại các bảo tàng Cách mạng, Khoa học quân sự và Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ đã được nhận giải Nhì (không có giải nhất) về tranh cổ động toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1976. 

“Vợ tôi” của Lê Hướng Quỳ

Dịu dàng vóc lụa và những áng thơ tình

Gần hai chục năm chuyên vẽ tranh cổ động, nhưng họa sĩ Lê Hướng Quỳ không sao nhãng việc chăm chút cho những hình tượng nghệ thuật ở các chất liệu khác như sơn dầu, màu bột và nhất là lụa, một thế mạnh của ông. Nhiều tranh lụa của ông đã tạo được ấn tượng ấm áp với những nỗi xúc động sâu lắng. Người xem nhớ đến những tác phẩm giàu trữ tình như: “Bác Hồ đọc bia ở Côn Sơn”, “Một thời chưa xa”, “Xuống đồng”, “Chân quê”, “Mùa thi”… Không ít tư duy và cảm xúc trong lĩnh vực tranh cổ động làm tràn lên những hình tượng nghệ thuật trong tranh lụa của ông, được người xem yêu thích, qua các đề tài: “Mùa mới”, “Mùa đay”, “Trăng quê”, hay “Khoảnh khắc biển động”… Đặc biệt những bức chân dung vẽ vợ con qua chất liệu lụa của Lê Hướng Quỳ càng để lại nhiều cảm xúc lắng đọng trong người xem. Điển hình trong đó bức tranh lụa “Hội thi cấy” đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm. Cùng với đó là triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Hướng Quỳ được tổ chức vào năm 2004. Trong đó bao gồm cả những tác phẩm của ông được lưu dấu qua những Giải thưởng Mỹ thuật Triển lãm khu vực Sông Hồng, hay Giải Mỹ thuật Côn Sơn của TP Hải Dương…

Bên cạnh sự nghiệp hội họa của mình, họa sĩ Lê Hướng Quỳ còn thể hiện cảm xúc qua những áng thơ. Đây cũng là một hành trình nghệ thuật đồng hiện trong tâm hồn nghệ sĩ, khi là màu sắc qua nét vẽ, khi lại là hình tượng và ngôn ngữ thi ca. Ông hiện có tới bốn tập thơ in riêng và hàng chục bài được chọn trong các tuyển tập in chung. Cùng với đó, thơ của ông cũng được không ít nhạc sĩ phổ nhạc, và thể hiện một nét riêng của một họa sĩ làm thơ, đó là tính chau chuốt và ẩn dụ khá độc đáo.