Nhức óc với tiếng pô xe máy “độ“

ANTĐ -Tham gia giao thông bây giờ thỉnh thoảng lại giật mình trước tiếng pô xe máy “độ” trên đường phố. Không ít người có tuổi và kể cả người trẻ mỗi khi nghe tiếng gầm gào, rú rít từ những chiếc xe này đã vội dạt hết sang hai bên đường.
Nhức óc với tiếng pô xe máy “độ“ ảnh 1

Cá tính hay “quái tính”?

Vài năm trước, dân “tổ lái” ở Hà Nội rộ lên mốt chơi còi. Những chiếc còi với đủ loại kiểu dáng, kích cỡ nhưng cơ bản đều thuộc loại bị cấm sử dụng bởi chúng cho ra những âm thanh hết sức “nghịch nhĩ”. Mặc dù vậy, những người sử dụng dường như không buồn quan tâm. Với họ, tác dụng chính của còi không phải để xin đường mà lại là sự khẳng định cái tôi của mình.

Vì thế tiếng còi càng quái dị, càng ầm ĩ, người ta càng thích thú. Bây giờ chơi còi đã lạc hậu, dân chơi xe quay sang chơi pô (ống xả) “độ”. Tuy khác về thể loại, nhưng sự “ầm ĩ” thì ngang nhau. Công năng của pô không chỉ để xả khí thải mà còn là sự thể hiện tính… sĩ hão.Cụ Phạm Thị Dung trú tại ngõ 15 phố Vọng Hà (Chương Dương, Hoàn Kiếm) bây giờ cạch đến già cũng không dám đi xe đạp điện ra đường nữa.

Sở dĩ cụ Dung quả quyết như vậy bởi cụ vừa mới bị ngã một cú trời giáng do nghe tiếng nẹt pô bất ngờ trên đường đi lĩnh lương hưu. Cú ngã khiến cụ phải vào viện điều trị mất 3 ngày vì trật khớp cổ tay, cụ bảo: “Hôm ấy, tôi đang đi chầm chậm sát vỉa hè thì bất ngờ nghe một tiếng nổ rầm rầm ngay đằng sau cứ như trời sập. Tiếng cái xe ấy giống như có cả chục chiếc xe tăng rú ga cùng một lúc vậy. Nghe rất hãi. Tôi giật mình loạng choạng tay lái rồi ngã vật ra đường. Chưa bao giờ tôi nghe thấy thứ âm thanh khủng khiếp như thế. Nó giống như tiếng gầm của một con quái thú khổng lồ”.

Nếu như với cụ Dung, tiếng pô xe nghe xé tai là nỗi sợ hãi thì với nhiều thanh niên đó lại là sự thể hiện cá tính và đẳng cấp chơi xe. Chỉ có dân “sành điệu” mới đủ khả năng kinh tế và trình độ để “độ” xe theo ý thích của mình. Trên các diễn đàn như tinhte…, bikevietnam… hay 2banh… giới trẻ đua nhau hướng dẫn, tư vấn cách “độ” xe, đặc biệt là “độ” pô sao cho âm thanh uy lực để tạo độ “bốc” nhằm gây sự chú ý với người đi đường.

Thậm chí sau mỗi lần “độ”, chủ nhân chiếc xe còn quay clip ghi lại hình ảnh, âm thanh tiếng pô nổ rồi đưa lên diễn đàn cho mọi người nhận xét. “Sau khi gắn cây pô Yoshimura này vào xe, mỗi khi đi đến đoạn nào bị tắc, em chỉ cần cắt côn rồi vê ga từ đằng xa là đám đông tự động dạt hết sang hai bên để nhường đường. Tiếng cây pô này cực kỳ uy lực, em chẳng cần bóp còi làm gì nữa, các bác ạ” - một thành viên trên diễn đàn chuyên chơi xe Exiter hãnh diện nói như vậy.

Nhức óc với tiếng pô xe máy “độ“ ảnh 2

Coi thường Luật Giao thông đường bộ

Để tìm hiểu về thú chơi quái dị này, chúng tôi đã tìm gặp Tý “chuột” - một thợ sửa xe khá uy tín trong giới chơi mô tô có cửa hàng sửa xe trên phố Đại Từ, quận Hoàng Mai. Anh Tý cho biết: “Hiện dân chơi  xe 2 bánh thường “độ” pô theo 3 dạng. Dạng thứ nhất là mua pô sản xuất sẵn vốn bán đầy rẫy ở Phố Huế, chợ “Giời” hoặc các shop chuyên về phụ tùng xe máy online.

Nhức óc với tiếng pô xe máy “độ“ ảnh 3

Những chiếc pô "độ" kiểu này được rao bán đầy rẫy trên mạng

Đây là các ống pô dành cho những loại xe phân khối thấp (hay còn gọi là xe cỏ) từ 150cc trở xuống như Wave, Sh, Exiter, Nouvo… và do Trung Quốc, Thái Lan sản xuất. Dân chơi loại pô này chủ yếu là thanh niên choai choai muốn tạo tiếng nổ ầm ĩ để dạo phố cho… oai. Dạng thứ hai là dân chơi dòng xe phân khối lớn muốn “độ” lại pô do thiếu phụ tùng. Đây thường là những chiếc xe cổ như Honda Steed, Yamaha SR 400… Do xe cũ, thị trường phụ tùng khan hiếm và đắt đỏ nên thợ sửa xe thường phải tự chế những chiếc pô cho đúng chủng loại, kiểu dáng phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Loại pô này âm thanh tuy lớn, nhưng ấm và chắc, không ầm ĩ và ảnh hưởng nhiều đến người khác. Dạng thứ ba là những chiếc xe thuộc dòng thể thao đời mới, chủ xe muốn có âm thanh theo ý thích nên thường đặt ống pô từ các hãng độ ở nước ngoài gửi về. Loại ống pô này rất đắt có thể lên tới hàng nghìn USD và âm thanh cũng khá… giật mình”.

Nhức óc với tiếng pô xe máy “độ“ ảnh 4

Nhiều chiếc xe được "độ" pô cho ra âm thanh khủng khiếp

Tuy nhiên theo anh Tý thì khi sản xuất một chiếc xe, nhà sản xuất đã tính toán kỹ các rào cản kỹ thuật chung của từng quốc gia. Do đó họ sản xuất ống pô sao cho đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về đảm bảo âm thanh, tiếng ồn cũng như các tiêu chí về khí thải môi trường. “Chiếc pô “zin” ngoài việc giảm bớt âm lượng cho luồng khí xả ra từ buồng đốt còn có tác dụng hạn chế khí CO độc hại.

Do đó với những chiếc pô “độ” rẻ tiền, chắn chắn lượng CO xả ra sẽ là rất lớn. Ngay cả pô “độ” của cánh thợ sửa xe chế ra có thể giảm bớt được tiếng ồn nhưng về tiêu chuẩn khí thải thì không ai kiểm định được. Còn đối với pô nhập về của các hãng độ lớn thì có thể họ đảm bảo được tiêu chuẩn khí thải, nhưng độ ồn âm thanh cũng chưa chắc đã phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam” – anh Tý thừa nhận.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cơ thể con người sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi khi bị tiếp xúc với tiếng ồn ở dải từ 55dB (Decibel) - 80dB. Về mặt sinh lý nó gây tổn thương thính giác, mất ngủ, mất khả năng làm việc, hay nguy hại hơn là gây nên các bệnh về tim mạch và huyết áp. Về mặt tâm lý, nó dẫn tới stress, căng thẳng thần kinh, dễ nóng nảy, nổi cáu, kích động hoặc lo sợ, nghi ngờ…

Còn về mặt ATGT, nó có thể gây nguy hiểm cho người đi đường bởi dễ giật mình và gây tai nạn, nhất là với phụ nữ và người cao tuổi. Ống pô “độ”, chỉ bằng cảm quan cũng có thể nhận thấy về khí thải và tiếng ồn vượt quá ngưỡng chịu đựng của con người và hậu quả cũng như sự ảnh hưởng tiêu cực của nó là điều không cần tranh cãi.

(Còn tiếp)