Nhức nhối thị trường "hàng tươi sống"

ANTĐ - Không chỉ ma tuý, từ lâu Tây Bắc còn được biết đến như một địa bàn phức tạp nhất về buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD). Hơn 500 cây số quốc lộ 6 Điện Biên - Hà Nội trở thành những cây số nóng bỏng hoạt động của tội phạm này.

Không liều lĩnh, manh động như tội phạm ma tuý, nhưng đối tượng cũng có cả ngàn vạn chiêu thức, thủ đoạn dựng nên những “ma trận” mặt đường tinh vi, xảo quyệt nhằm đối phó với các lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn sự “chảy máu” của đại ngàn...

Tang vật hàng trăm ki lô gam tê tê bị Công an Điện Biên thu giữ.
Tang vật hàng trăm ki lô gam tê tê bị Công an Điện Biên thu giữ.


Vài chục năm trở về trước, Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng được biết đến với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, cùng hàng trăm loài muông thú quý hiếm. Những năm 80 của thế kỷ XX, diện tích rừng ở Mường Nhé tính khiêm tốn cũng còn đến trên 310.000ha. Hồi đó, các chiến sĩ biên phòng “nơi ba nước cùng nghe một tiếng gà” vẫn bắt gặp và thường xuyên phải đối phó với những đàn voi, đàn bò tót rầm rập trên các ngả tuần tra. Hổ, báo, gấu, nai, hoẵng, lợn rừng và nhất là các loài linh trưởng thì phong phú vô kể.

Cuối năm 2005, UBND tỉnh Điện Biên có chủ trương vận động nhân dân giao nộp súng tự chế, đã có khoảng 28.000 khẩu súng được giao nộp, thu giữ. Không còn vũ khí cho các tay thiện xạ miền ngược, lợn rừng, khỉ còn kéo về phá nương sắn, nương ngô của người dân ở nhiều xã thuộc huyện Mường Chà và Mường Nhé. Những người viết bài này đã từng mục kích cảnh tượng có một không hai đó, tại địa bàn xã Hô Củng, Huổi Văng của huyện Mường Chà trong chuyến công tác tháng 10/2005.


Nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, ngày càng nhiều các loài muông thú được đưa vào danh sách đỏ thì cuộc chiến chống buôn bán ĐVHD ngày càng cam go và khốc liệt. Qua số liệu tổng kết của lực lượng Cảnh sát môi trường Công an các tỉnh Tây Bắc, 2 năm trở lại đây, số vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD được phát hiện có xu hướng giảm, không còn những vụ vận chuyển hàng trăm, hàng ngàn ki lô gam bị bắt giữ nhưng theo nhận định của lực lượng chức năng, những gì đang diễn ra chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, các đối tượng hoạt động tinh vi, với tính “chuyên nghiệp” cao hơn...


Khi nguồn hàng trong nước cạn kiệt, nguồn cung cho thị trường ĐVHD - tiếng lóng dân trong nghề là “hàng tươi sống” - ở Việt Nam giờ đây chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, phổ biến là từ Lào, loại quý hiếm hơn thì từ Mianma. Chúng hình thành các đường dây có tổ chức chặt chẽ, hoạt động xé lẻ theo từng địa bàn, từng công đoạn; một ngả qua tuyến biên giới miền Trung (chủ yếu là 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) để vào sâu nội địa Việt Nam; ngả thứ hai qua các tỉnh Tây Bắc dọc theo quốc lộ 6 (Điện Biên - Sơn La - Hoà Bình và nóng bỏng nhất là Điện Biên) về Hà Nội rồi tiếp tục toả các tỉnh biên giới phía Bắc.

Công an TP Điện Biên Phủ và lực lượng Kiểm lâm kiểm tra số ĐVHD bị thu giữ
Công an TP Điện Biên Phủ và lực lượng Kiểm lâm kiểm tra số ĐVHD bị thu giữ


Bản đồ tác chiến của lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Điện Biên, từng dựng lên cả chục đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD xuyên quốc gia, nhưng như Thượng tá Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Điện Biên nhận định, là không dễ đối phó với rất nhiều thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này.

Năm 2010, Công an tỉnh Điện Biên phát hiện 30 vụ, bắt giữ 31 đối tượng, thu gần 500kg động vật, 170kg sản phẩm ĐVHD (xương, thịt, sừng, da các loại), trong đó có gần chục loài nằm trong danh sách đỏ, lực lượng Công an bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ hoặc tiến hành thả vào rừng, đồng thời xử phạt hành chính các đối tượng gần 130.000.000 đồng. Sáu tháng đầu năm 2011, chỉ riêng trên địa bàn này các cơ quan chức năng phát hiện 5 vụ, bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ gần 65kg ĐVHD, trên 110 kg sản phẩm ĐVHD các loại.


Một trong những vụ lớn nhất được phát hiện cách đây chưa lâu xảy ra tại địa bàn xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Các trinh sát Phòng Cảnh sát Môi trường qua mật phục đã bắt quả tang đối tượng Lò Văn Thể, SN 1973, có hộ khẩu thường trú tại đội 9B, xã Thanh Luông, vận chuyển 85kg ĐVHD, gồm 39 cá thể rùa các loại (có 3 loài nằm trong sách đỏ). Đấu tranh khai thác, Lò Văn Thể khai nhận mua gom số ĐVHD trên từ một đối tượng người Lào và một số ngư­ời dân từ các xã phía Bắc lòng chảo Mường Thanh.

Một ngày cuối tháng 5/2011, tại km 403+100, quốc lộ 6, địa phận huyện Tuần Giáo, Đội CSGT Tuần Giáo thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Điện Biên, phối hợp với lực lượng Kiểm lâm kiểm tra xe khách biển kiểm soát 27H- 6565 chạy tuyến Điện Biên - Hà Nội, do lái xe Phùng Đức Thịnh điều khiển, phát hiện thu giữ 9,2kg rắn, 6,6kg cá thể rùa. Đáng chú ý, toàn bộ các cá thể rùa này đều thuộc loài nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ nghiêm ngặt...


Trao đổi với chúng tôi, Lò Văn K. - một đối tượng “có đai có số” chuyên buôn bán ĐVHD từ biên giới Việt - Lào về khu vực Si Pa Phìn, huyện Mường Chà, từng “bật mí” rằng: “Cái gì cũng có, đảm bảo xịn 100%, từ: cao hổ cốt, xương, da hổ nguyên vẹn, bàn tay gấu, mèo rừng, thậm chí cả sừng tê giác(?)”. Vậy những thứ này ở đâu ra? K. trả lời bằng cái cười bí hiểm... Dù các cơ quan chức năng hoạt động ráo riết, nhưng thực tế, “hàng tươi sống” vẫn có ở khắp mọi nơi, ê hề trên các bàn nhậu của các nhà hàng, quán ăn đặc sản từ miền ngược đến ngay giữa Hà Nội.

Tại Tây Bắc, đối tượng buôn bán ĐVHD vẫn đang ngấm ngầm hoạt động trong một thị trường nghe thì chìm lắng và rất kín đáo, nhưng khi khách có nhu cầu thì đều được đáp ứng tối đa(?). Thời điểm hiện tại (9/2011), trên thị trường Điện Biên một lạng cao hổ giao tận tay “có bảo hành” giá 22 - 25 triệu đồng, một chỉ sừng tê giác (nặng 3,75gam, kích cỡ bằng hạt ngô nhỏ) được rao bán 3 triệu đồng, một chỉ mật gấu (khô) giá 1,8 - 2 triệu đồng... 

Cán bộ kiểm lâm, công an thả ĐVHD về rừng
Cán bộ kiểm lâm, công an thả ĐVHD về rừng


“Buôn bán ĐVHD lãi gấp nhiều lần buôn bán ma tuý, mà lại yên tâm không có nguy cơ án dựa cột...” - Dương Thành T. - một tay có thâm niên hơn 10 năm chạy hàng tươi sống trên tuyến quốc lộ 6, tiết lộ một cách đắc chí. Chế tài xử lí với loại tội phạm này nhìn chung rất nhẹ, chủ yếu là tịch thu và phạt hành chính. Năm 2010, Công an tỉnh Điện Biên phát hiện 30 vụ, bắt giữ 31 đối tượng, nhưng cũng chỉ 1 vụ với 1 đối tượng đủ điều kiện để khởi tố, còn lại 29 vụ với 30 đối tượng chỉ có thể xử lý hành chính với số tiền vỏn vẹn 124.000.000 đồng.

Trong khi đó, một kilôgam tê tê mua gom ở biên giới chỉ có 1 triệu đồng, về Điện Biên từ 3 - 3,5 triệu đồng tuỳ theo chất lượng, thì xuống Hà Nội đã là 5 triệu đồng, đưa ra Quảng Ninh lên đến 8 triệu đồng... lãi như thế ai mà chẳng ham.

“Thời hoàng kim, một chuyến hàng tôi có thể kiếm vài trăm triệu đồng dễ như người ta húp bát cháo nguội” - Dương Thành T. cười khùng khục, để lộ hai hàm răng như thể... “anh Chí” của làng Vũ Đại ngày nào...