Nhức nhối "chợ" biển kiểm soát giả

ANTĐ - Mặc dù bên ngoài các cửa hàng trên phố Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chỉ quảng cáo làm biển số nhà nhưng khi được hỏi, hầu như trong số này đều có giao dịch mua bán BKS ô tô, xe máy giả. Việc các đối tượng sử dụng BKS không do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy khó lường. Với mức xử phạt hành chính hiện nay chỉ từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi trên là chưa tương xứng, khó răn đe đối tượng. 

Nhức nhối "chợ" biển kiểm soát giả  ảnh 1Tình trạng mua bán BKS giả trên phố Trần Nhật Duật vẫn diễn ra lén lút 

Cần biển gì cũng có

Trong vai một chủ xe mất BKS, phóng viên điều khiển chiếc xe máy được tháo BKS chạy chầm chậm dọc phố Trần Nhật Duật, vừa qua ngã ba Ô Quan Chưởng - Trần Nhật Duật, những tốp thanh niên trên vỉa hè tay vẫy, miệng liên tục chào mời. Khi chúng tôi rẽ vào một cửa hàng, viện lý do xe bị mất BKS, cần mua chiếc khác, một nam thanh niên kéo ghế mời ngồi và lôi từ trong gầm bàn ra một thùng carton bên trong đựng hàng chục BKS các loại. “Biển này là biển giả, làm từ phôi thường nên giá chỉ 300 nghìn đồng. Riêng biển này làm từ “phôi xịn” nên giá “chát” hơn 500 nghìn đồng”, vừa cầm biển trên tay, nam thanh niên vừa phát giá.

Nhức nhối "chợ" biển kiểm soát giả  ảnh 2

Trước thái độ lưỡng lự của chúng tôi, nam thanh niên này khẳng định, đây là “phôi xịn” nên đi đường sẽ không lo bị CSGT phát hiện. Để chứng minh, người này để 2 chiếc BKS “phôi thật” và phôi rởm cạnh nhau và lấy điện thoại chụp lại. Đưa hình ảnh cho chúng tôi xem, nam thanh niên giảng thích: “BKS được làm từ “phôi xịn” khi chụp ảnh sẽ có hình ảnh phản quang từ công an hiệu được dập nổi.

Còn đối với những biển làm theo “công nghệ” thường thì không có chất lượng như thế này”. Cùng với việc hướng dẫn cho chúng tôi biết cách thức nhận biết “phôi xịn” và phôi giả ra sao, người này cũng “mồi” thêm: “Hay là các anh lấy biển số đầu Hà Nội đi đêm hôm đỡ phải lo ngại ai hỏi han. Bất cứ loại nào em cũng có, kể cả biển ô tô”. Cầm trên tay BKS mà nam thanh niên này nói là “xịn”, chúng tôi dùng ngón tay cái miết mạnh vào dấu công an hiệu được dập nổi trên biển, ngay lập tức dấu dập nổi này chìm xuống. Thấy vậy, nam thanh niên giật lại chiếc biển rồi đứng dậy nói như đuổi khách: “Không mua thì thôi còn so sánh nhiều”.

Di chuyển xuống một cửa hàng phía dưới cách đó không xa, chủ cửa hàng này cũng phát giá mỗi biển 300 nghìn đồng. Thấy chúng tôi nói cửa hàng trước có phôi thật, người đàn ông này xua tay khẳng định: “Làm gì có phôi thật, chúng nó lừa anh đấy. Tôi khẳng định chỉ có phôi giả thôi. Nếu muốn làm biển phôi thật thì giá ít nhất cũng phải 1,5 triệu đồng/chiếc”.

Lý giải cho việc giá quá cao, còn đắt hơn cả việc đăng ký lại BKS cho một chiếc xe, người đàn ông này cho biết, phôi thật được tuồn ra từ nhà máy sản xuất và phải mất thời gian vài ngày, không thể đặt là có ngay. Hơn nữa nếu xe máy hay ô tô bị mất BKS 4 số thì khi làm lại không giữ được số biển cũ mà sẽ được cấp BKS 5 số. Chính vì vậy, nhiều chủ sở hữu phương tiện bị mất biển 4 số rất đẹp không muốn đăng ký lại nên đã mua BKS phôi xịn với 4 số cũ.

Những hệ lụy tiềm ẩn

Qua ghi nhận của phóng viên, mặc dù bên ngoài các cửa hàng này chỉ quảng cáo làm biển số nhà nhưng khi được hỏi, hầu như đều có giao dịch mua bán BKS giả. Giá cả dao động cho mỗi BKS xe máy từ 300 - 500 nghìn đồng/chiếc. Riêng BKS ô tô giá cao hơn vì theo giải thích của các chủ cửa hàng, việc dập số, chất lượng nhôm, thép cũng phải mất công hơn, biển to hơn. Dù không lộ liễu, song tình trạng mua bán BKS giả trên phố Trần Nhật Duật vẫn đang âm thầm hoạt động như chưa từng có sự xử lý của các cơ quan chức năng. 

Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy những thành phần đến đây tìm mua BKS giả được sử dụng vào những mục đích không rõ ràng, vi phạm pháp luật. Trên thực tế việc các đối tượng sử dụng BKS giả để hoạt động phi pháp không phải là hiếm. Ngay như trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT, lực lượng CSGT đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng sử dụng BKS giả để vận chuyển hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội CSGT số 1 cũng đã từng phát hiện nhiều xe ô tô hạng sang gắn BKS giả.

Trung tá Phạm Văn Tuyến, Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, điểm lại những vụ việc đơn vị đã từng kiểm tra, bắt giữ các đối tượng vận chuyển hàng lậu, có không ít chủ phương tiện đã bỏ cả xe và hàng khi bị CSGT kiểm tra. Đáng chú ý, có những đối tượng còn giấu trên xe rất nhiều BKS giả, khi đi qua mỗi địa phương sẽ sử dụng một BKS khác nhau nhằm qua mắt lực lượng chức năng. 

Đánh giá những tác động của “chợ” BKS giả giữa Thủ đô, chỉ huy Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt nhận định: “Việc các đối tượng sử dụng BKS không do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp không những là hành vi vi phạm Luật Giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường. Đơn cử như công tác điều tra, giải quyết TNGT, nếu như các đối tượng gây tai nạn sử dụng BKS giả, bỏ lại phương tiện không đến giải quyết thì cơ quan chức năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh, điều tra”. 

Dưới góc độ đảm bảo ANTT, chỉ huy các Tổ công tác 141, CATP Hà Nội cho biết, quá trình “lập chốt” làm nhiệm vụ không ít trường hợp thanh thiếu niên sử dụng xe không rõ nguồn gốc, đeo BKS giả để tham gia giao thông, hoặc rủ nhau đi gây án. Đại úy Phạm Ngọc Thành, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Y13/141 CATP Hà Nội cho biết, gần đây tổ công tác đã phát hiện, chuyển 2 đối tượng Hồ Đức Hiếu (SN 1995, trú tại Hà Nội) và Nguyễn Sơn Tùng (SN 1990, trú tại tỉnh Nam Định) cho CAP La Khê, quận Hà Đông để làm rõ hành vi đi xe mang BKS giả. Hiếu điều khiển xe máy Honda Airblade BKS 30N4-6307 có dấu hiệu làm giả. Xác minh nóng, cảnh sát xác định chiếc xe này của chị Nguyễn Thị Thoa (trú tại Ba Vì, Hà Nội).

Còn chiếc xe máy Honda Air blade BKS 29D1-015.18 do Nguyễn Sơn Tùng điều khiển mang BKS giả, đăng ký xe bị tẩy xóa. Qua xác minh, biển số xe 29D1-015.18 là của chiếc xe máy khác mang nhãn hiệu Piaggio. 

Cần nghiêm trị vi phạm

Đề cập tình trạng này với Đội CSKT CAQ Hoàn Kiếm, đại diện đơn vị khẳng định: “Trong năm 2015, Đội CSKT đã tập trung nhiều đợt truy quét các đối tượng mua bán, sản xuất BKS giả, song hoạt động mua bán BKS giả vẫn tồn tại”. Giải thích cho nguyên nhân của sự tồn tại dai dẳng trên, Đội CSKT CAQ Hoàn Kiếm cho biết, xuất phát từ hai phía cả người mua và người bán. Khi người dân có nhu cầu thì sẽ nảy sinh nguồn cung cấp, còn người bán thì vì lợi nhuận nên bất chấp tất cả. 

Đại diện Đội CSKT CAQ Hoàn  Kiếm cũng khẳng định, không có chuyện BKS trên được làm từ phôi thật. Các đối tượng đã sử dụng giấy đề can phản quang dán vào BKS để lừa những người không biết. Sau nhiều đợt truy quét của lực lượng công an, hiện các đối tượng đã không dám sản xuất ngay tại cửa hàng mà “tách” ra thành 2 công đoạn ở những địa điểm khác nhau để khó bị phát hiện. Công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng vì thế cũng gặp nhiều khó khăn. 

Hiện nay mức xử phạt đối với những hành vi trên chỉ bị phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng. Mức phạt trên theo chỉ huy Đội CSKT CAQ Hoàn Kiếm là chưa tương xứng với tính chất và mức độ của các đối tượng vi phạm, khó răn đe đối tượng. Nếu như làm giả hồ sơ, giấy tờ, con dấu của cơ quan Nhà nước... có thể bị truy tố vài năm tù, thì việc làm giả, bán BKS phương tiện giao thông như trên cũng cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt, bởi số tiền phạt hiện nay so với lợi nhuận các đối tượng thu được từ hành vi vi phạm này là rất nhỏ. Nhiều đối tượng khi bị phát hiện đã sẵn sàng nộp phạt vì biết không bị truy tố trước pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tăng nặng hình phạt như truy tố các đối tượng, có như vậy mới mong vi phạm không tồn tại một cách dai dẳng” - chỉ huy Đội CSKT CAQ Hoàn Kiếm kiến nghị.