Nhức mắt vì biển hiệu

ANTĐ - Trước tình trạng lộn xộn về kích cỡ của biển hiệu cửa hàng, nhập nhằng giữa biển hiệu và biển quảng cáo, tên gọi gây sốc, chất lượng, giá cả không liên quan gì đến những lời giới thiệu “đường mật” chăng đầy trên các phố… mới đây Sở VH-TT&DL Hà Nội đã lên kế hoạch, sẽ đưa các hoạt động này vào khuôn khổ, dự kiến triển khai vào đầu năm 2012.

“Choáng váng” với biển hiệu

Nổi tiếng bằng gây sốc

Trên phố Trần Huy Liệu, từng có một cửa hàng có tên gọi “Ối giời ơi”. Tấm biển trên khiến nhiều người đi qua phải tò mò vào để tận mắt xem cửa hàng bán gì mà bỗng kêu trời lên thế. Không lâu sau, một cửa hàng bán quần áo trên phố Tôn Đức Thắng cũng treo tấm biển rất to, đỏ đến nhức mắt “Ối giời ơi, rẻ quá!”. Không biết có bao nhiêu người bị thu hút bởi kiểu quảng cáo gây sốc này. Song, cửa hàng lọt vào “tầm ngắm” của Thanh tra và Phòng Quản lý văn hóa của Sở VH-TT&DL Hà Nội. Bà Nguyễn Thùy Anh- Trưởng phòng Quản lý văn hóa cho biết, khi đến kiểm tra, cửa hàng trưng ra đầy đủ giấy tờ, hóa ra tên biển hiệu này đã được công nhận trong giấy đăng ký kinh doanh hẳn hoi. Không xử lý được, Sở và UBND quận Đống Đa đành vận động chủ cửa hàng, hạ biển xuống cho đỡ… mất mỹ quan đô thị.

Đó là chuyện của những cửa hàng lớn. Còn rất nhiều các cửa hàng nhỏ khác, có cách quảng cáo “choáng váng” kiểu như “Bún chả Sinh Từ chính hiệu lâu năm” kèm theo dưới là dòng chữ “Lưu ý: Cửa hàng kế bên mới mở”.  Hay như “Đại hạ giá. Giá sốc tận óc”; “Hàng nhập khẩu từ Mỹ, giá Việt Nam” … Không chỉ gây “sốc tận óc” cho người qua đường đọc phải,  rất nhiều biển hiệu quảng cáo còn sai chính tả, văn phạm kiểu như “xửa xe, vá xăm”, “sôi chả ruốc”, “mỳ sào”, “nem dán”. Tình trạng quảng cáo “tự phong” cũng xuất hiện nhan nhản với các tiêu chuẩn hàng đầu kiểu như “ở đâu rẻ nhất, chúng tôi rẻ hơn”, “xịn nhất Hà Nội”, rồi “gia truyền”, “chính hãng”, “Ăn được, ngủ được là tiên, không ăn được ngủ được trả lại tiền”… Không dựa theo tiêu chí cũng chẳng qua cuộc bình chọn nào, những biển hiệu sai sự thật này xuất hiện vô tội vạ và ngày càng nhiều. Trong khi thực tế, chưa có tiền lệ xử phạt những kiểu biển hiệu như trên.

Quy định đã có, áp thế nào?

Năm 2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 94 - quy chế quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố. Bên cạnh các văn bản pháp luật khác thì đây là hệ thống quy định khá cụ thể để giải quyết tình trạng loạn biển hiệu quảng cáo trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, nếu là biển hiệu quảng cáo phải xin phép, đóng thuế, còn biển hiệu công ty, trụ sở, cửa hàng, cửa hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thì không phải xin phép nhưng phải bảo đảm kích thước như quy định trong quy chế. Ngay sau khi quyết định này được ban hành, tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố đều đã xây dựng phương án triển khai, mỗi quận một sáng kiến. Có quận đề ra giải pháp, trong quá trình cấp giấy đăng ký kinh doanh, yêu cầu chủ cửa hàng cam kết thực hiện đúng các quy định về kích thước và nội dung biển hiệu…

Song, quy củ cũng chỉ kéo dài được một thời gian, rồi đâu đóng đấy. Nhiều chủ cửa hàng nghĩ ra nhiều chiêu “lách luật, biển hiệu kiêm luôn biển quảng cáo, và mặc nhiên quan niệm “nhà mình, mình làm gì cũng được”. Cũng vì việc biển hiệu không cần cấp phép nên mạnh ai nấy làm. Biển hiệu “khủng” xuất hiện ngày càng nhiều trên phố. Một cửa hàng thường có từ hai đến ba biển quảng cáo và thêm luôn cả biển “di động”. Thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì nhanh chân bê vào, hết “sóng gió” lại điềm nhiên trưng…

Bà Nguyễn Thùy Anh - Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT&DL khẳng định, tình trạng lộn xộn về biển hiệu không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây nhiều bức xúc, việc chấn chỉnh lại biển hiệu sẽ được quyết liệt triển khai vào đầu năm 2012. Mô hình Sở    VH-TT&DL dự kiến lấy làm chuẩn là của quận Long Biên. Ông Nguyễn Trọng Duy - Trưởng phòng VT-TT UBND quận Long Biên cho biết: Từ năm 2009 quận Long Biên đã bắt tay vào triển khai “làm sạch” mặt tiền các tuyến phố chính Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, Long Biên 1, Long Biên 2… cho đến nay đã cơ bản hoàn tất. Các quy định về nội dung, kích thước màu sắc biển hiệu được gửi tới từng tổ dân phố, từng hộ dân dọc hai bên đường. Cùng với đó là tổ chức ký cam kết và mạnh hơn là xử phạt hành chính và kiên quyết cưỡng chế. Ông Nguyễn Trọng Duy chia sẻ, để chấn chỉnh sự lộn xộn về biển hiệu không khó, nhưng duy trì được điều này mới thực sự khổ, đã có thời điểm, quận lên danh sách 890 trường hợp vi phạm. Song, cũng nhờ vận động tốt, đa phần các trường hợp này đều tự nguyện tháo dỡ. UBND quận chỉ phải cưỡng chế 35 biển trong số này.

Việc lập lại trật tự biển hiệu trên các tuyến phố sẽ được thực hiện như “cuộc chiến” gần 1 năm trước đây Hà Nội đã làm với “khoan cắt bê tông”. Bà Nguyễn Thùy Anh cho biết thêm, trước mắt Hà Nội sẽ triển khai tại các tuyến phố của quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng…