Như thế cũng là tội phạm

ANTĐ - Một Chỉ huy Đội Điều tra hình sự công an cấp quận cho biết, hiện nay, việc xử lý trường hợp tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đang gặp phải những khó khăn. Theo quy định của pháp luật, người biết rõ là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ sẽ bị xử lý về hình sự.

Nếu người chứa chấp, tiêu thụ không biết được đó là tài sản do phạm tội mà có thì hành vi không cấu thành tội phạm, nên không bị xử lý về hình sự. Đây chính là “kẽ hở” của luật pháp và bọn tội phạm đã lợi dụng để hoạt động phạm tội.

Thực tế, rất nhiều vụ việc cơ quan công an phát hiện người điều khiển hoặc sử dụng xe máy không có giấy tờ; tiến hành xác minh, đã xác định xe máy đó là tang vật của các vụ phạm pháp hình sự, chủ yếu là trộm cắp; hoặc trong nhiều vụ án, cơ quan công an điều tra làm rõ, thu hồi tang vật liên quan đến phạm pháp hình sự như laptop, ĐTDĐ, phụ tùng xe ô tô, xe máy đắt tiền…

Tuy nhiên, người sử dụng đều khai mua của đối tượng không quen biết tại địa chỉ “chung chung” là ở khu vực công cộng, tuy không có giấy tờ nhưng vẫn mua vì “ham rẻ” và không biết đó là tài sản trộm cắp (!). Do không đủ căn cứ chứng minh ý thức chủ quan của người mua tài sản là do phạm tội mà có, nên theo quy định của pháp luật, những trường hợp này chỉ bị xử phạt hành chính.

Đúng ra, khi mua bán tài sản phải có hóa đơn, giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ. Trường hợp không chứng minh được, phải xử lý hình sự. Được biết, ở nước ngoài người ta xử lý rất nghiêm về việc này. Vì vậy, người dân rất tuân thủ pháp luật, không mua tài sản không rõ nguồn gốc, nên rất ít xảy các vụ trộm cắp tài sản. Nếu ở nước ta, luật pháp mà nghiêm và người dân cũng ý thức được như vậy, chắc rằng số vụ trộm cắp xe máy; phụ tùng xe ô tô, xe máy… sẽ giảm rất nhiều.