Nhu cầu cấp thiết, quy hoạch… từ từ

ANTD.VN - Với tốc độ đô thị hóa và gia tăng phương tiện giao thông chóng mặt, khoảng 20 năm trở lại đây, giao thông tĩnh, nhất là ở các quận nội thành, luôn là đề tài nóng bỏng, nỗi bức xúc của người dân Hà Nội. 

Chính các cơ quan chức năng của thành phố cũng xác định đây là “vấn đề nổi cộm”. Tất cả đều thống nhất, “cần có các biện pháp cấp bách và lâu dài nhằm đảm bảo nhu cầu đỗ xe ngày càng tăng của người dân”.

Thực trạng, chủ trương đều đã rõ và để giải “bài toán” giao thông tĩnh một cách bài bản, khâu đầu tiên cần làm tốt là quy hoạch. Thế nhưng, việc đáng ra phải “đi trước một bước” lại được khởi động rất chậm chạp.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 7-2011 nhưng phải tới gần 5 năm sau, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội mới được phê duyệt (tháng 3-2016). Hệ quả, do độ trễ quá lớn, các đồ án “ăn theo” như quy hoạch hệ thống bến xe và điểm đỗ đến nay vẫn còn đang trong giai đoạn… lấy ý kiến.

Lập quy hoạch đã chậm nhưng việc thực thi quy hoạch còn… chậm hơn. Cách nay 14 năm, từ năm 2003, Hà Nội đã có Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng đến 2020. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, quỹ đất “vàng” vốn được dành cho bãi đỗ xe phần lớn bị “hô biến” thành đất xây dựng chung cư, văn phòng, khách sạn…

Tính đến tháng 12-2015, khu vực các quận nội thành mới chỉ thực hiện được 14,76% diện tích các bãi xe, điểm đỗ xe so với quy hoạch đã được phê duyệt. Không oan khi nói rằng quy hoạch có cũng như không, chỉ nằm trên… giấy và “Hà Nội quá thiếu chỗ đỗ xe…” vẫn là câu cửa miệng của người Hà Nội.

Quy hoạch cần thời gian nghiên cứu nhưng thực tế cuộc sống lại không chấp nhận sự “từ từ”. Bến xe Kim Liên tấp nập một thời giữa trung tâm Hà Nội đã trở thành khách sạn Nikko từ 20 năm trước.

Mới đây, bến xe Lương Yên - bến xe cuối cùng trong 4 quận nội thành cũ - cũng đã đóng cửa, nhường chỗ cho một khu đô thị. Bến xe Mỹ Đình khi đi vào hoạt động từ năm 2004 còn đìu hiu, “khuất gió” nhưng chỉ vài năm sau đã trở thành điểm “nóng” vì quá tải, buộc phải mở rộng, “san tải” sang các bến xe khác… Tới đây, những bến xe khách sôi động nhất thành phố như Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm… sẽ tiếp tục lùi ra xa trung tâm thêm một khoảng dài. 

Tất cả những sự biến động ấy sẽ không đột ngột, không gây bức xúc nếu được đặt trong một bản quy hoạch có tầm nhìn dài hạn và khoa học. Lộ trình ấy phải được quyết định và minh bạch ngay từ bây giờ để không tạo ra những điểm “nóng” ở tương lai. Cùng đó, ở nội thành, danh sách các khu đất cho giao thông tĩnh cũng phải công khai và quyết chỉ dành cho điểm đỗ, không cho phép bất cứ một sự chuyển đổi nào… Nếu làm chậm nhưng chắc chắn và rõ ràng, quy hoạch vẫn sẽ thu được hiệu quả.