Nhốt búp bê vào khối trong suốt và một thử nghiệm mới

ANTĐ - Sự thu hút kỳ lạ từ một con búp bê bị nhốt trong khối trong suốt - tác phẩm trông hoàn toàn khác lạ so với các tác phẩm điêu khắc ở một cuộc triển lãm đã khiến tôi quyết tâm gặp tác giả Lưu Tuyền - người được biết đến như “nghệ sỹ của lớp vỏ bọc”.  

Búp bê trong những vỏ bọc lột tả “khoảng trống” trong tâm hồn con người 

Lao đao vì… nhựa

Nếu nhìn vào tác phẩm của Lưu Tuyền, sẽ nghĩ anh cũng đi theo con đường hóa thạch composite - chất liệu đã được biến hóa rất thành công dưới bàn tay của nghệ sỹ Vương Văn Thạo. Nhưng kỳ thực, đây lại là thử nghiệm táo bạo với Art Resin - chất liệu nhựa hữu cơ có thể coi là lần đầu tiên được ứng dụng trong một tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam. Cuộc “gặp gỡ” của Lưu Tuyền với Art Resin bắt đầu khi anh tham gia một cuộc triển lãm ở Hồng Kông năm 2013 và phát hiện các họa sỹ dùng nó như một lớp bề mặt phủ lên những bức tranh. Sự trong trẻo đến lạ kỳ và khả năng tạo hiệu ứng quang học của loại nhựa này khiến Lưu Tuyền tìm mọi cách tạo nên những tác phẩm điêu khắc cho riêng mình.

Những lần đổ khuôn đầu tiên đã thất bại khi hợp chất đông không đều hoặc tạo ra những vết nứt, gãy. Mỗi lần hỏng như thế khiến anh xót xa khi phải bỏ đi toàn bộ tác phẩm, tốn đến hàng triệu đồng vì chất liệu này thuộc hàng đắt đỏ, xa xỉ chứ không hề “bình dân”. Hơn nữa, việc thao tác toàn bộ công đoạn hoàn toàn bằng thủ công với hóa chất độc hại cũng khiến anh nhiều phen lao đao về sức khỏe. Anh kể, cứ sau một tháng làm việc liên tục như thế anh lại ốm nặng, vì hít phải nhiều bụi, ảnh hưởng đến phổi. Đó là chưa kể những lần nhựa đổ ra tay gây bỏng rát là chuyện… cơm bữa. Nhưng điều đó không cản bước Lưu Tuyền, khi thành công trong việc thử nghiệm với chất liệu mới, chất liệu chưa được biết đến trong điêu khắc truyền thống, nó là kết quả cho sự liều lĩnh, dấn thân của một người làm nghệ thuật không chịu đứng mãi trên những quan điểm cũ kỹ.

“Mất khách” vì búp bê

Bạn bè và những người trong giới thường gọi anh với cái tên “Tuyền búp bê”. Sở dĩ có cái tên nghe “nữ tính” này là vì từ hội họa hay điêu khắc, anh đều lấy búp bê là hình tượng chủ đạo. Tình cờ một hôm anh đã gặp lại một con búp bê ở nhà một người bạn giống y chang con búp bê anh đã từng được tặng hồi còn là một cậu bé, cái hồi bất cứ đồ chơi nào, chẳng phân biệt gái hay trai, đối với trẻ con cũng đều đáng quý. Lưu Tuyền chia sẻ: “Có một lần tôi nhìn thấy một đứa trẻ tự kỷ đang ngồi trong công viên. Đôi mắt của em bé thẫn thờ, vô định như không có một khái niệm gì về tương lai và cả những gì đang diễn ra. Trông dáng điệu ấy không khác gì so với con búp bê mà tôi đang vẽ”. Có lẽ chính sự đồng điệu về cảm xúc ấy khiến cho anh muốn nhân cách hóa những con búp bê, phản ánh một diện mạo của xã hội hiện đại, khi con người càng ngày càng thu mình vào trong những lớp vỏ bọc, sống tách biệt và dần trở nên vô cảm với những thứ xung quanh.

Nhưng chính cách đặt vấn đề này cũng mang lại cho Lưu Tuyền nhiều khổ tâm, khi tranh anh vẽ ra lại không nhận được sự đón nhận như trước, cái thời mà anh còn mải mê vẽ tranh phong cảnh, phố phường, làng quê. Anh kể, nhiều người hỏi anh, tại sao lại vẽ búp bê, cái này nhìn đáng sợ, kỳ quái quá. Ngay cả những khách hàng trước đây hay mua tranh của anh cũng đều từ chối. Đó cũng là phản ứng dễ hiểu, vì những gì dễ gần, thân thiện với cuộc sống thì cũng dễ đi vào lòng người và được chấp nhận hơn là những thứ đã được “đóng đinh” như một sản phẩm của trò ma quỷ, nhất là trong các thước phim điện ảnh. Đối với Lưu Tuyền, chắc chắn anh có lý do của riêng mình. Việc được sáng tạo những con búp bê khiến cho anh chẳng những được thử thách mà còn đưa anh tới những tầm cao tư duy nghệ thuật. Như họa sỹ Vũ Đình Tuấn đã từng nói: “Trong bối cảnh ồn ào có phần khoa trương của diện mạo mỹ thuật đương đại, sự xuất hiện của Lưu Tuyền đặt thêm một niềm hy vọng cho công chúng yêu nghệ thuật, đồng nghĩa với việc họa sĩ phải tiếp tục bước tự tin trên con đường sáng tạo chuyên nghiệp, phải dấn thân và quyết liệt, bởi dừng lại có nghĩa là chấm hết”.