Nhộn nhịp đổi “xích thố” lấy... mobile

ANTĐ - Sự nối kết không dây quả như một sức mạnh, và tính hữu ích của nó khó cưỡng đến mức không tưởng.
Câu chuyện về điện thoại di động ở vùng cao là vấn đề làm nóng bỏng vào mỗi phiên chợ ngựa ở Mường Khương, Lào Cai. Từ lâu, phiên chợ ngựa vẫn họp, nhưng cuộc mua bán vào mỗi phiên chợ là sự trao đổi sức kéo, sức thồ, và những chú ngựa già được chủ nhân bán cho những người nấu thắng cố.

 Những phiên chợ như thế, xưa kia là cuộc thay đổi cách tăng gia sản xuất của mỗi chủ nhân có ngựa thì giờ đây, kể từ khi mạng điện thoại di động có ở vùng rẻo cao này, những cuộc mua bán ngựa thồ cũng vẫn có, và vẫn thế, chỉ khác là chủ nhân thay đổi mục đích sử dụng, dùng một phần số tiền bán ngựa thồ vào việc sắm cho mình chiếc điện thoại di động... chủ yếu để nghe nhạc.

Một thời ngựa thật đổi "ngựa sắt" như cơn lốc ở chợ Mường Khương

Một thời, đổi “chiến mã” - phương tiện đi nương rẫy hữu ích- lấy xe máy tầu như cơn sóng cuộn ở chợ Mường Khương. Thế rồi, những chiếc xe máy đi đường ngựa thồ đã không bền bỉ như con ngựa bốn chân nên đã nhanh chóng trở thành nỗi bực dọc của người mua. Mỗi lần xuống chợ là phải đổ xăng, chữa phanh, vá lốp… rồi bực hơn là khi tu vài bát rượu ngô bên chảo thắng cố nóng hổi thì nó- chiếc xe máy-  “không biết dẫn mình về như con ngựa” lại còn hất ngã sưng chân, tay, mặt mày, thế nên nó thành “ngựa sắt” chết trong góc nhà của nhiều người dân ở bản xa Mường Khương…

Bán ngựa sắm xe máy, ào ạt như cơn gió bấc thổi qua vạt nương ở Mường Khương. Sau đó nhiều người lại tìm quay trở lại với ngựa thồ, phương tiện thân quen từ bao đời ở góc núi không thể thay thế đối với họ.

Giờ chợ ngựa lại nhộn nhịp hơn trước, bởi bắt đầu từ 3 năm nay, sóng điện thoai thực sự tràn vào đến tận bản xa, chứ không như trước đây chỉ ngoài trung tâm huyện mới có. Thế nê, người Mông xuống chợ thấy cái “cầm tay”, gọi cho nhau mà không cần nhìn mặt, ở mãi xa tít tắp cách nhiều dãy núi cũng nghe tiếng nhau, thế là mua một cái cho mình. Một người có, cả bản sắm theo, nhiều bản sắm, giờ người có điện thoại di động nhiều như hạt ngô chính mùa. Ai cũng có một chiếc điện thoại cài cạp quần “tit, tít, tít”…

Ở chợ ngựa Mường Khương, chủ bán ngựa xong nhất định phải qua hàng điện thoại, không mua thì đổi cũ lấy mới, các thêm tiền. Không phải tất cả những người bán ngựa ở Mường Khương đều thế, nhưng hầu hết, những người ở chợ ngựa đều kết thúc phiên chợ bằng cuộc ghé thăm hàng điện thoại di động, không mua thì… cài nhạc. Và cuộc đổi “xích thố” lấy mobile ở chợ phiên Mường Khương giờ đều đều theo mỗi buổi chợ của người dân bản xứ.

Chợ ngựa Mường Khương

Một thời ngựa thồ dân bản rầm rộ bán để mua "ngựa sắt"- xe máy win Trung Quốc

Nhiều người xuống chợ ngựa, bán xong ngựa đảo qua hàng mobile để sắm 1 chiếc

Cơn sốt di động ở vùng cao tràn vào tận bản sâu xa của Mường Khương

Bán ngựa dành một phần tiền sắm điện thoại di động thành mốt ở đây

Anh Lý A Gióng vừa bán con ngựa được 7 triệu, sắm chiếc điện thoại
2 sim, có chụp ảnh, và thẻ nhớ với giá 2,2 triệu đồng

Mobile không phân biệt giới, tuổi. Một chị vừa bán ngựa và
sắm điện thoại di động rồi đi ô tô khách từ huyện về nhà

Cửa hàng điện thoại di động đông vào mỗi phiên chợ ngựa cuối tuần

Người phụ nữ cầm tiền đắn đo trước hàng điện thoại di động

Một thanh niên thử nghe nhạc mới cóp ở cửa hàng mobile bên góc chợ Mường Khương