“Nhờn” kháng sinh, nguy sinh mạng

ANTĐ - Là nước có tỷ lệ “nhờn” kháng sinh cao ở châu Âu, Italia có nguy cơ trở lại kỷ nguyên “tiền kháng sinh”, tức là thời kỳ chưa có thuốc kháng sinh khi mà các loại vi khuẩn mặc sức tấn công sức khỏe  con người.

“Nhờn” kháng sinh, nguy sinh mạng ảnh 1Dù thế giới liên tiếp có những thuốc kháng sinh cực mạnh song 
vi khuẩn cũng không ngừng biến đổi để kháng thuốc

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh châu Âu (ECDC) trong báo cáo công bố ngày 17-11 nhân dịp Ngày Tuyên truyền về kháng sinh lần thứ bảy tại châu Âu đã cho biết, Italia hiện nằm trong nhóm nước châu Âu có tỷ lệ vi khuẩn “nhờn” kháng sinh cao nhất. Theo đó, hiện tượng vi khuẩn có khả năng kháng lại kháng sinh dòng Carbapénèmes - một dòng kháng sinh cực mạnh, điển hình như pénicillines - tại nước này đã tăng gấp đôi, từ 15,2% năm 2010 lên 34,3% năm 2013. 

Báo cáo của ECDC dẫn ra trường hợp vi khuẩn Klebsiella gây bệnh viêm phổi  làm ví dụ điển hình cho thực trạng “nhờn” thuốc kháng sinh đáng báo động ở Italia. Loại vi khuẩn này gây ra các triệu chứng viêm nhiễm rất nguy hiểm cho bệnh nhân và hiện đã có khả năng kháng lại các loại kháng sinh mạnh nhất, tăng từ 4,6% số trường hợp năm 2010 lên 8,3% năm 2013.

Giám đốc của ECDC, Giáo sư Marc Sprenger, cho rằng hiện tượng “nhờn” thuốc kháng sinh tại châu Âu như Italia và Hy Lạp, quốc gia duy nhất xếp trên Italia về tỷ lệ nhờn thuốc kháng sinh dòng Carbapénèmes với tỷ lệ 59,4% là rất đáng lo ngại, vì khi số lượng kháng sinh có hiệu quả ngày càng giảm đi thì con người sẽ càng nhanh chóng quay trở lại kỷ nguyên “tiền kháng sinh” (năm 1942). Đó là kỷ nguyên mà thế giới chưa có thuốc kháng sinh nên các loại bệnh sinh ra từ vi khuẩn không thể điều trị và con người có thể chết dần chết mòn vì không có các liệu pháp điều trị hữu hiệu.

Báo cáo của ECDC được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) những năm qua đã không ngừng lên tiếng cảnh báo kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Mới đây nhất, sau khi thu thập dữ liệu tại 114 quốc gia trên toàn cầu về tình trạng kháng thuốc, trong đó đặc biệt là kháng sinh, báo cáo công bố hồi tháng 5-2014 của WHO đã nêu rõ mối đe dọa nghiêm trọng “nhờn” thuốc kháng sinh đang diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới, có nguy cơ ảnh hưởng tới tất cả người dân ở mọi lứa tuổi và các quốc gia khác nhau. 

Một báo cáo toàn cầu của WHO cho biết, “nhờn” thuốc kháng sinh là do việc lạm dụng và sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh nên đã “khuyến khích” các chủng vi khuẩn sinh ra biến thể mới để vô hiệu hóa tác dụng của thuốc. Một trong những “siêu vi khuẩn” nguy hiểm nhất là vi khuẩn MRSA ước tính đã giết chết khoảng 19.000 người ở Mỹ và 20.000 người ở châu Âu/năm, vượt xa số người chết vì “đại dịch thế kỷ” HIV/AIDS; hay Acinetobacter baumannii - một loại vi khuẩn phổ biến có khả năng kháng hầu hết kháng sinh và dễ dàng lây nhiễm qua các bệnh nhân trong bệnh viện - gây viêm màng não và khiến khoảng 80% bệnh nhân nhiễm tử vong; bệnh lao đa kháng thuốc ước tính giết chết 150.000 người trên toàn cầu/năm…

Trước thực trạng trên, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Keiji Fukuda đã lo lắng cho rằng, nếu không phối hợp hành động tức thời, thế giới sẽ đối mặt với một kỷ nguyên “hậu thuốc kháng sinh”. Khi đó, theo ông Fukuda, các bệnh truyền nhiễm thông thường hoặc những vết thương nhỏ trước đó có thể chữa trị được thì nay có thể gây chết người do kháng thuốc kháng sinh.