Nhóm tội phạm công nghệ cao bị triệt phá từ tin báo của Cảnh sát Mỹ

ANTD.VN - Từ sự phối hợp và tin báo của Cảnh sát Hoa Kỳ, cơ quan công an Việt Nam đã nhanh chóng triệt phá và đưa nhóm tội phạm công nghệ cao ra xử lý trước pháp luật.

Theo đó, sau 3 ngày xét xử và nghị án, chiều 23-9, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Xuân Hưởng (SN 1984, trú ở phường Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) 17 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Cũng với tội danh trên, Lê Thành Tiến Sĩ (SN 1988, trú ở phường Thới Bình, Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị tuyên phạt 15 năm tù. Tiếp đến, Mai Quang Thanh (SN 1983, trú tại phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM); Nguyễn Hồng Thanh (SN 1988, ở xã Hành Thịnh, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, xin vắng mặt khi tuyên án) lần lượt bị tuyên phạt cùng mức án 13 năm tù.

Trần Xuân Hưởng (ngoài cùng, bên trái) và đồng phạm tại phiên tòa.

Cáo trạng truy tố các bị cáo cho thấy, năm 2012, Cảnh sát Hoa Kỳ phát hiện một người tên Huong ở Việt Nam có hành vi dùng thẻ gift card để mua hàng giá rẻ với nhiều dấu hiệu bất minh. Ngay sau đó, Cảnh sát Hoa Kỳ đã cung cấp tài liệu cho Cơ quan điều tra - Bộ Công an Việt Nam.

Các thẻ gift card này được mua bằng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ do 65 tổ chức tài chính thuộc 9 nước phát hành, chủ yếu là Hoa Kỳ và Canada. Từ nguồn tin trên, cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của nhóm đối tượng trên.

Cụ thể, thông qua các diễn đàn, Trần Xuân Hưởng biết các đối tượng bán thẻ gift card và mua hàng bằng thông tin thẻ tín dụng trộm cắp với giá thấp. Hưởng đã mua gom các thẻ gift card, sau đó bán lại cho nhiều đối tượng ở nước ngoài để kiếm lời.

Hưởng thường mua các thẻ này với giá từ 30%-60% giá trị thực của thẻ và rao bán chênh lên 45-60%, hưởng lợi từ 10-15%. Để rao bán thẻ gift card, đối tượng đăng ký nhiều tài khoản khác nhau trên Ebay và Amazon.

Quá trình điểu tra, cơ quan công an xác định, Hưởng đã mua bán 3.539 thẻ với giá trị lên đến 355.671,22 USD. Không chỉ làm một mình, đối tượng còn lôi kéo thêm Mai Quang Thanh. Cả hai thỏa thuận, Hưởng có nhiệm vụ tìm mua thẻ để Thanh bán.

Do không có tài khoản ở nước ngoài, Thanh đã liên hệ và chuyển thẻ cho người quen rao bán với giá từ 80-95% giá trị thật của thẻ. Trừ các chi phí quảng cáo, phí chuyển tiền, Thanh được hưởng 8-21% giá trị thực của thẻ, còn Hưởng thu lợi từ 5-10% lợi nhuận bất chính.

Tổng số thẻ Thanh lưu trữ gồm 1.896 mã thẻ, với tổng giá trị là 117.078,81 USD. Để thực hiện trót lọt, các đối tượng phải tìm người “shipper”, trong đó có Lê Thành Tiến Sĩ. Sĩ sử dụng thông tin thẻ tín dụng trộm cắp mua hàng hóa rồi chuyển vận đơn mặt hàng cho Hưởng để thanh toán.

Sau khi bán hàng thành công, khách hàng trả tiền, Sĩ chuyển tiền thanh toán cho Hưởng từ 45-60% giá trị thực của sản phẩm. Liên quan đến vụ án, Nguyễn Hồng Thanh là người mua các thẻ tín dụng trộm cắp để bán lại cho Hưởng. Hưởng đã chuyển khoản cho Thanh số tiền 200 triệu đồng.

Kết quả điều tra cho thấy, do không xác định được cụ thể số lượng, giá trị của thẻ “gift card” và hàng hóa nên cơ quan điều tra xác định số tiền chiếm đoạt và hưởng lợi của các bị can dựa trên cơ sở số tiền họ nhận được khi bán hoặc chia lợi nhuận theo tỉ lệ % giá trị thực của thẻ gift.

Theo đó, số tiền bị cáo Trần Xuân Hưởng đút túi là 1,2 tỷ đồng, Mai Quang Thanh hưởng lợi bất chính 119 triệu đồng, Nguyễn Hồng Thanh chiếm đoạt 179 triệu đồng và Lê Thành Tiến Sĩ chiếm hưởng là 1,3 tỷ đồng.

Trước khi lần lượt quyết định tuyên phạt Trần Xuân Hưởng cùng đồng phạm các mức an nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội khẳng định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy hại đến an ninh mạng. Các bị cáo đều là người có hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện tội phạm và số tiền chiếm đoạt lớn.

Do vậy, cần phải áp dụng những mức án nghiêm khắc, tương xứng nhằm răn đe, giáo dục, cải tạo các bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung. Và ngoài hình phạt tù  như đã nêu, Trần Xuân Hưởng và đồng phạm còn bị xử phạt bổ sung từ 20 triệu đồng đến 80 triệu đồng.