Nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Đường thủy hầu tòa vì thu "phế" nhà thầu

ANTD.VN - Thi công các dự án do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, 16 nhà thầu lần lượt phải “cắt” tiền phần trăm cho một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn, số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Theo đó, ngày 18-10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Phạm Văn Thông (SN 1970) – cựu nguyên Giám đốc Ban QLDA, Vũ Mạnh Hùng (SN 1972) – cựu Quyền trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (đều thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) và Trần Đức Hải (SN 1961) – cựu Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Điều đáng nói là những sai phạm của các bị cáo nêu trên chỉ được phát hiện, làm rõ bởi Báo Pháp luật TP HCM khi có những bài viết “phanh phui” về những khuất tất, “quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, vào đầu năm 2018. Phiên tòa xét xử các bị cáo từng là lãnh đạo, cán bộ của ngành giao thông thủy nội địa dự kiến diễn ra trong 2 ngày.

Bị cáo Phạm Văn Thông - cựu Giám đốc Ban QLDA (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (giữa) và đồng phạm tại phiên tòa.

Đưa vụ án ra xét xử, cáo trạng truy tố các bị cáo thể hiện, từ tháng 12-2015 đến tháng 1-2016, Trần Đức Hải, Phạm Văn Thông và Vũ Mạnh Hùng là những người có chức vụ, quyền hạn tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, các bị cáo đã thu tiền trái quy định của 14 cá nhân, đại diện cho 16 nhà thầu thi công các dự án do Cục Đường thủy Việt Nam làm chủ đầu tư.

Sau khi thu được hơn 4,2 tỷ đồng và 27.900 USD (tổng cộng hơn 4,8 tỷ đồng) của các nhà thầu thi công, Trần Đức Hải và đồng phạm đã không quản lý, sử dụng theo quy định của Nhà nước về chế độ sổ sách, tài chính.

Cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo, cáo trạng xác định Phạm Văn Thông với chức vụ là Giám đốc Ban QLDA, được giao thực hiện các công việc tư vấn, giám sát thi công và làm thủ tục nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng đối với các gói thầu thi công do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư.

Khi 16 nhà thầu thi công được thanh toán tiền thi công vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 và nhận chỉ đạo từ cựu Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Phạm Văn Thông đã trực tiếp thu tiền của các nhà thầu này với tỉ lệ từ 5% đến 20%. Thu “phế” đối với nhà thầu, Thông chi tiêu trái quy định hơn 1,2 tỷ đồng. Số tiền còn lại, bị cáo khai chi vào việc chung của cơ quan nhưng không có căn cứ.

Đối với Vũ Mạnh Hùng, cơ quan truy tố xác định, đầu năm 2016, bị cáo này được bổ nhiệm chức Phó chánh văn phòng và đến giữa năm này thì được giao làm Quyền trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam). Hùng biết Thông thu tiền bất chính của các nhà thầu và được bàn bạc về việc quản lý “quỹ đen”.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Hùng còn 7 lần nhận tiền từ Thông, hơn 800 triệu đồng (trong số tiền thu bất chính của các nhà thầu) để chi cho việc Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Đường thủy nội địa Việt Nam. Ngoài ra, bị cáo này còn dùng hàng chục triệu đồng từ “quỹ đen” để tiếp khách.

Về Trần Đức Hải, tài liệu điều tra làm rõ, bị cáo này vốn giữ chức Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, phụ trách trực tiếp Ban QLDA và cùng với Thông thực hiện việc thương thảo, ký kết, thanh lý hợp đồng thi công và nghiệm thu các công trình đưa vào sử dụng đối với các gói thầu do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Hải đã chỉ đạo Thông thu tiền bất chính của 14 cá nhân, đại diện cho 16 nhà thầu thi công với tổng số tiền nêu trên và chỉ đạo cấp dưới chi dùng số tiền này trái quy định. Quá trình điều tra, bị cáo này không thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân.

Quá trình làm rõ hành vi phạm tội của nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cơ quan điều tra cũng đã lần lượt lấy lời khai của đại diện tất cả các nhà thầu đã “nộp phế” cho Thông. Tuy nhiên, những người này đều phủ nhận việc phải giao nộp tiền bất chính, đồng thời cũng chối bỏ việc giúp sức cho Thông lập giấy tờ giả tạo để đối phó với cơ quan chức năng.

Vạch trần thủ đoạn lập “quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cơ quan tố tụng cũng kiến nghị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính tiến hành thanh tra một đơn vị, thuộc Bộ Giao thông vận tải cùng một doanh nghiệp liên quan đến vụ án này.