Nhóm cựu cán bộ hợp tác xã "tự tung tự tác" lĩnh án

ANTD.VN - Quản lý tiền vốn của tập thể, song Kiều cùng nhóm cán bộ hợp tác xã đã cho vay mượn bừa phứa dẫn đến tổ chức kinh tế này bị thiệt hại nghiêm trọng.

Theo đơn kháng cáo của bị cáo, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa tiến hành xem xét lại tội trạng của Dương Văn Đoàn (SN 1970) – cựu Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp La Nội, quận Hà Đông (gọi tắt là HTX La Nội) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng mong muốn được giảm hình phạt và hưởng án treo, Nguyễn Hữu Long (SN 1983) – cựu Thủ quỹ HTX La Nội; Nguyễn Tài Tiếp (SN 1948) – nguyên Kế toán trưởng HTX La Nội và Đặng Đình Vĩnh (SN 1960) - cựu Kiểm soát viên HTX La Nội cũng đệ đơn kháng cáo lên cấp tòa phúc thẩm.

Ngoài ra, liên quan đến vụ án còn có Đặng Đình Kiêu (SN 1971) – nguyên Chủ nhiệm HTX La Nội và Lưu Thị Thu Thủy (SN 1986) – cựu Kế toán viên HTX La Nội nhưng không có đơn kháng cáo, đồng thời cũng không bị kháng nghị.

Dương Văn Đoàn (trên cùng, bên phải) cùng các cựu cán bộ HTX liên quan

Trước đó, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã lần lượt áp dụng các mức án từ 18 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 15 năm tù, đều về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo quy định tại Điều 165-BLHS.   

Diễn biến vụ án thể hiện, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động và sáp nhập, tháng 12-2010, Kiêu cùng các bị cáo liên quan lần lượt được bầu giữ những chức vụ nêu trên. Cùng thời điểm, bộ máy lãnh đạo HTX mới cũng tiếp nhận 19 triệu đồng tiền mặt, hơn 800 triệu đồng trong tài khoản, hơn 6 tỷ đồng gửi tiết kiệm và 115 triệu đồng tiền nợ.

Biết HTX La Nội có số tiền lớn nhàn rỗi, tháng 8-2011, Đoàn đặt vấn đề vay 2 tỷ đồng. Nhận lời cấp phó, Kiêu nhanh chóng tổ chức cuộc họp cán bộ chủ chốt và cùng nhất trí cho thành viên ban chủ nhiệm vay tiền với lãi suất bằng lãi suất tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở địa phương.

Thực hiện việc làm trái pháp luật, ngày 30-8-2011, Kiêu đưa cho Đoàn và Long cuốn sổ tiết kiệm của HTX La Nội trị giá hơn 3,7 tỷ đồng để làm thủ tục rút tiền gửi tại Qũy tín dụng nhân dân Dương Nội. Và việc làm này đã không được nhóm cán bộ HTX nhập vào sổ sách kế toán.

Rút số tiền rất lớn về, Kiêu cho Đoàn vay 2 tỷ đồng, đồng thời tự đứng tên lập một sổ tiết kiệm mới trị giá 1,7 đồng hòng tư túi tiền lãi cá nhân. Ngoài ra, để các không bị thắc mắc, Kiêu giao cho Long giữ 70 triệu đồng và Đoàn giữ 377 triệu đồng là tiền lãi trong khoản tiền hơn 3,7 tỷ đồng gửi tiết kiệm.

Tiếp tục gặp khó khăn trong làm ăn, gần 3 tháng sau, Đoàn một lần nữa gạ gẫm Chủ nhiệm HTX La Nội cho vay thêm 1 tỷ đồng và cũng lấy từ nguồn tiền của tập thể. Lần vay mượn tiền bạc thứ hai hoàn toàn do Kiêu tự ý quyết định.

Sau khi biết Đoàn vay thêm 1 tỷ đồng nữa, những người có trách nhiệm trong HTX La Nội đã yêu cầu “con nợ” phải lập bản cam kết thời hạn thanh toán, lãi suất và buộc Phó chủ nhiệm HTX phải thế chấp “sổ đỏ” mảnh đất hơn 142m2 làm tài sản bảo đảm cho cả 2 khoản vay, trị giá 3 tỷ đồng.

Mặc dù lập giấy cam kết, song thực tế Đoàn không giao giấy tờ nhà đất cho HTX quản lý và cũng không có tiền trả nợ khi đến hạn. Về phía Kiêu cùng nhóm cán bộ dưới quyền thì ra sức bưng bít hành vi “tự tung tự tác” trước các kỳ đại hội đồng xã viên.

Khi sự việc bại lộ, Kiêu liên tục thúc ép cấp phó trả lại tiền cho HTX nhưng Đoàn đã mất hết khả năng thanh toán. Nguy cơ tù tội hiện hữu, Kiêu, Long và Vĩnh buộc phải giao nộp tổng cộng 1,4 tỷ đồng thay “con nợ”. Giai đoạn điều tra, gia đình Đoàn cũng khắc phục được 500 triệu đồng.

Với diễn biến vụ án nêu trên, xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Đoàn và chấp nhận kháng cáo của Long, Tiếp, Vĩnh.

Khép lại vụ án, cấp phúc thẩm tuyên phạt Dương Văn Đoàn 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội, Nguyễn Hữu Long bị áp dụng 36 tháng cải tạo không giam giữ, Nguyễn Tài Tiếp bị xử phạt 30 tháng tù giam và Đặng Đình Vĩnh cũng phải nhận 24 tháng tù nhưng được hưởng án treo.