Nhóm cán bộ quản lý dự án đường sắt lĩnh án đích đáng

ANTĐ - Sau hơn 1 ngày xét xử, vào 12h giờ trưa nay (27-10), TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Hải Bằng cùng 5 bị cáo liên quan các mức án nghiêm khắc, về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chức vụ trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 281-BLHS.

Ngoài bị phạt tù còn bị kê biên nhà đất

Cụ thể giữ vai trò lớn nhất trong vụ án, Phạm Hải Bằng (SN 1969) – nguyên Phó Giám đốc BQL Dự án đường sắt (RPMU) bị tuyên phạt 12 năm tù. Tiếp đến, Nguyễn Nam Thái (SN 1977) – cựu Trưởng phòng Dự án 3 (RPMU) phải nhận 11 năm tù và Phạm Quang Duy (SN 1975) – nguyên Phó Giám đốc RPMU bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù.

Với nhóm cựu cán bộ dự án đường giữ chức vụ cao hơn, Trần Văn Lục (SN 1958) – nguyên Giám đốc RPMU bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và Trần Quốc Đông (SN 1964 – nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962) - nguyên Giám đốc RPMU cũng đều phải lĩnh cùng mức 7 năm 6 tháng tù giam.

Thay mặt HĐXX sơ thẩm, Thẩm phán Trương Việt Toàn công bố bản án

Ngoài hình phạt tù nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội còn tuyên truy thu và tịch thu xung công quỹ Nhà nước toàn bộ số tiền 11 tỷ đồng mà Phạm Hải Bằng cùng đồng phạm đã ép liên danh các nhà thầu tư vấn phải “bôi trơn”. Cụ thể, Phạm Hải Bằng phải nộp hơn 4,9 tỷ đồng, Nguyễn Nam Thái phải giao nộp 3,5 tỷ đồng và Phạm Quang Duy phải nộp lại 2,3 tỷ đồng. Các bị cáo được đối trừ số tiền đã khắc phục trong ở giai đoạn điều tra.

Để bảo đảm việc thi hành án đối với số tiền phải truy thu xung công quỹ, TAND TP Hà Nội cũng đã quyết định kê biên tài sản là nhà và đất của 4/6 bị cáo. Cụ thể là mảnh đất 80m2 của Phạm Hải Bằng ở phố Kim Mã; mảnh đất 118m2 của Nguyễn Nam Thái ở quận Nam Từ Liêm; 48,5m2 nhà đất ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy của Nguyễn Văn Hiếu và hơn 100m2 nhà, đất của Trần Quốc Đông ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Trước khi quyết định áp dụng các mức án phạt tù cụ thể nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội khẳng định, căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa có đủ cơ sở để kết luận trong khoảng thời gian từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2014, Phạm Hải Bằng cùng đồng phạm đã nhận tổng cộng 11 tỷ đồng từ JTC.

Các cựu cán bộ dự án đường sắt nghe tòa tuyên án

Để nhận được số tiền nêu trên, Bằng với cương vị Phó Giám đốc RPMU, kiêm Chủ nhiệm dự án tuyến đường sắt đô thị số 01 đã gặp gỡ, trao đổi và nại ra các khó khăn để buộc đại diện các nhà thầu tư vấn phải chi tiền bất chính. Sau đó, Bằng đã trực tiếp và chỉ đạo Duy, Thái nhiều lần nhận tiền từ JTC.

Cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng bị cáo, HĐXX đánh giá Phạm Hải Bằng giữ vai trò chính và là đối tượng cầm đầu các bị cáo liên quan thực hiện hành vi phạm tội. Cùng với đó, bị cáo còn cầm giữ phần lớn trong số tiền 11 tỷ đồng nhận từ JTC. Vì vậy, mức án áp dụng đối với bị cáo phải cao hơn tất cả các bị cáo khác trong cùng vụ án.

Giữ vị thứ hai là Nguyễn Nam Thái. Bởi trong quá trình nhận và chi tiêu số tiền bất chính, bị cáo luôn giúp sức rất tích cực cho Phạm Hải Bằng và thực tế là Thái cũng đã cầm giữ số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Tiếp đến là Phạm Quang Duy cũng giữ vai trò đồng phạm tích cực với bị cáo cầm đầu. Duy được Bằng cho biết phía JTC sẽ chi tiền cho RPMU ngay từ đầu. Và thực tế, bị cáo Duy cũng nhiều lần nhận tiền của đối tác với tổng số 2,8 tỷ đồng.

Đối với 3 bị cáo còn lại là Trần Quốc Đông, Trần Văn Lục và Nguyễn Văn Hiếu, tòa án đánh giá trong thời gian giữ chức Giám đốc RPMU, tất cả các bị cáo này đều được Bằng báo cáo về việc JTC chi tiền “bôi trơn”, song không hề chỉ đạo cấp dưới chấm dứt ngay việc làm trái pháp luật. Hơn nữa, các bị cáo còn nhận những khoản tiền được trích ra từ khoản tiền mà các nhà thầu dùng để “bôi trơn”.

Đánh giá về mức độ phạm tội của các bị cáo nguyên là Giám đốc RPMU, HĐXX sơ thẩm nhìn nhận các bị cáo đã đồng phạm với Phạm Hải Bằng về mặt ý chí cũng như hành động. Các bị cáo biết rõ hành vi của Bằng là trái công vụ, trái pháp luật và lẽ ra phải có biện pháp chấm dứt, ngăn chặn, nhưng các bị cáo vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra. 

Các cựu cán bộ đường sắt thi nhau trải lòng

Trước đó khi được nói sau cùng, Trần Văn Lục đã xin HĐXX cho phép được nói trong ít phút. Theo đó, nguyên Giám đốc RPMU này trình bày, tính đến thời điểm vụ án xảy ra, ông ta đã công tác trong ngành đường sắt và dự án gần 30 năm.

Dứt lời, bị cáo Lục nói tiếp: “Trong số các bị cáo ở đây, bị cáo là người từng trải và gắn bó với đường ngành đường sắt lâu nhất. Ở cái tuổi 57, vậy mà bị cáo vẫn rơi vào hoàn cảnh này. Bị cáo cảm thấy mình không đáng bị như thế này”.

Bị cáo Trần Văn Lục - nguyên Giám đốc RPMU khóc nói trước toà 

Cũng với giọng nghẹn ngào, nguyên Giám đốc RPMU phân trần, cùng một vấn đề nhưng nếu nhìn ở góc độ này thì thấy bình thường, còn nhìn ở góc độ kia lại thành ra có tội. Biện minh cho việc làm sai trái của bản thân, bị cáo Lục lý lẽ: “Đây là một dự án rất lớn. Theo bị cáo nếu JTC không bỏ tiền ra để tổ chức lễ ký kết hợp đồng thì chắc chắn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ thực hiện lễ ký hợp đồng hoành tráng”.

Sau cùng, nguyên Giám đốc RPMU cho rằng: “Cuối năm tháng 10-2009 bị cáo đã không còn làm việc và giữ chức vụ ở RPMU nữa thì lấy gì để chỉ đạo cấp dưới không nhận tiền của JTC. Nếu bị cáo biết thế này thì bị cáo đã không nhận 100 triệu đồng để khỏi dính dáng tới pháp luật”.

Là bị cáo thứ 2 được nói lời sau cùng, Phạm Hải Bằng vừa khóc lóc, vừa trình bày về hoàn cảnh gia đình. Nguyên Phó Giám đốc RPMU cho biết, hiện chỉ một mình vợ bị cáo phải phụng dưỡng cả bố lẫn mẹ đẻ đã ngoài 70 tuổi, lẫn mẹ chồng, trong khi các con còn nhỏ dại. Kinh tế gia đình từ trước tới nay đều phụ thuộc một mình bị cáo.

Nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Quang Duy tỏ rõ sự "khôn ngoan" hơn nhiều đồng phạm

Cho rằng không có động cơ phạm tội và trục lợi cá nhân, Phạm Hải Bằng nói trong day dứt, ngay từ khi ra trường bị cáo đã luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu. Tiếp đến, bị cáo giữ vai trò chính trong vụ án cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo chỉ xuất phát từ tâm lý muốn cùng với các nhà thầu tư vấn nhanh chóng thực hiện thành công dự án.

Chốt lại lời nói sau cùng của mình, Phạm Hải Bằng nghẹn bứ: “Bị cáo luôn cố gắng, phấn đấu từ lúc ra trường tới nay, nhưng không ngờ lại phải đứng trước pháp đình như thế này. Với tất cả những gì vừa trình bày, bị cáo rất mong HĐXX xem xét cho tội trạng của bị cáo”.

Cùng với tâm trạng như 2 bị cáo từng là đồng nhiệm, cộng sự, song Phạm Quang Duy lại tỏ ra “bản lĩnh” và khôn ngoan hơn khi nói: “Từ khi làm việc với CQĐT đến nay, bị cáo đã nhận thức sâu sắc việc làm của bản thân. Bị cáo đã sai khi nhận những đồng tiền không chính đáng từ các nhà thầu”.

Mong muốn được HĐXX xem xét thấu đáo, nguyên Phó Giám đốc RPMU này lý giải mặc dù nhận tiền không hợp pháp từ JTC, song tất cả đều được sử dụng vào mục đích, việc làm của tập thể, hoàn toàn không hưởng lợi cá nhân và luôn hướng tới việc dự án sớm hoàn thành.

Và cũng như tất cả các đồng phạm, bị cáo Duy cho biết bản thân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Hiện tại, vợ không có công ăn việc làm và 2 con còn quá nhỏ, đứa lớn mới 31 tháng tuổi, còn đứa nhỏ thì chỉ 13 tháng… Từ đó, bị cáo Duy xin tòa xử nhẹ tội để sớm trở về nuôi dạy các con.

Đối các bị cáo còn lại là Trần Quốc Đông, Nguyễn Nam Thái và Nguyễn Văn Hiếu cũng đều thi nhau nói về quá trình công tác của bản thân, sự cống hiến cho ngành cũng như hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn. Đặt biệt, mặc dù giữ chức vụ cao nhất trong số 6 bị cáo (Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), song bị cáo Đông lại không thể kiềm chế được cảm xúc, vì phải mất một lúc khá lâu mới nói được thành lời xin tòa xem xét, giảm tội.