Nhói lòng trước những cái chết thương tâm do bị ong đốt

ANTĐ - Ngày 4-11 vừa qua, 51 học sinh trường Tiểu học Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện do bị ong đốt. Mặc dù, tất cả các bệnh nhi đã được xuất viện, không có bất thường về sức khỏe, song vẫn khiến không ít phụ huynh lo lắng…

Nhói lòng trước những cái chết thương tâm do bị ong đốt ảnh 1Các học sinh trường Tiểu học Yên Sở (Hoàng Mai) bị ong đốt đã xuất viện

Học sinh bị ong đốt đã đi học bình thường

Theo đại diện Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai, sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã nhanh chóng đưa các em học sinh về phòng y tế của nhà trường tiến hành sơ cứu và báo ngay cho Trạm y tế phường để hỗ trợ. Trạm y tế đã khẩn trương thực hiện các bước đúng như quy trình của việc sơ cứu, đồng thời báo cho Trung tâm y tế quận để được hướng dẫn về chuyên môn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã báo cho phụ huynh các em học sinh bị ong đốt.

Sơ cứu và vệ sinh xong, các em học sinh đã được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra. Sau khi khám, các bác sỹ đã cho 49 học sinh về ngay do có sức khỏe ổn định, không có biểu hiện bất thường. Bệnh viện chỉ giữ lại 2 em để chờ kết quả xét nghiệm máu. Hai học sinh này cũng đã được về nhà do kết quả xét nghiệm cho thấy thể trạng  hoàn toàn bình thường. Đến ngày 5-11, qua theo dõi kiểm tra đã có 47/51 học sinh bị ong đốt đã đi           học trở lại, 4 em được gia đình xin nghỉ học vì lý do mệt nhưng không có biểu hiện bất thường.

Thời gian qua đã xảy ra không ít người hợp bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị ong đốt. Cách đây không lâu, dư luận xôn xao trước cái chết thương tâm của cháu Đặng Ngọc Thanh Tâm (3 tuổi rưỡi, ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Nguyên nhân do em trai cháu Tâm là bé Đặng Tấn Đạt khi nằm võng mắc dưới tán cây bỗng có 1 tổ ong vò vẽ rơi xuống.

Thấy em bị ong đốt, Tâm ôm em chạy nên bị ong châm tới 46 nốt. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng bé Tâm vẫn không qua khỏi. Còn tại tỉnh Đăk Nông, 3 cháu bé trong một gia đình cũng đã bị bầy ong vò vẽ làm tổ trên cây lao xuống đốt khi đang chơi ngoài vườn. Hậu quả là bé 3 tuổi đã tử vong, chị và anh của bé bị rối loạn đông máu do trúng nọc độc ong quá nặng. 

Không nên coi thường

Ngoài các trường hợp xấu số trên, có không ít người đã bị thương tích nặng nề do ong đốt, song được cứu chữa kịp thời nên may mắn sống sót. Đầu tháng 8 vừa qua, tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bé Nguyễn Văn An khi cầm que chọc phá tổ ong trên cành cây trong vườn đã bị cả đàn ong kéo đến đốt hơn 20 nốt. An được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khó thở, sưng đau toàn thân. Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống cháu Nguyễn Thị Linh (11 tuổi, ở Tuyên Quang) bị ong vò vẽ đốt 170 nốt, dẫn đến li bì khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ, toàn thân sưng nề, phù, suy đa tạng. Sau 7 ngày lọc máu liên tục, rất may cháu Linh đã qua cơn nguy kịch.

Theo bác sỹ Trần Thu Hà, Bệnh viện Bạch Mai, nọc ong chứa nhiều chất độc và nhiều men, dễ gây dị ứng nên khi bị ong đốt, bệnh nhân sẽ có cảm giác buốt, đau nhức. Trong các loại ong, ong bầu, vò vẽ, bắp cày là nguy hiểm hơn cả. Biểu hiện đầu tiên khi bị ong đốt là vùng da sẽ đỏ, phù nề, đau, ngứa quanh chỗ đốt. Với nọc ong có lượng độc thấp, những nốt này sẽ mất đi sau 4-12h. Nguy cơ tử vong không chỉ do lượng nọc ong mà còn tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người và vùng da bị đốt. 

Khi bị ong đốt, nạn nhân cần nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong, không nên dùng nhánh cây, quần áo để xua đuổi, nhanh chóng có các biện pháp sơ cứu.  Trong trường hợp vết đốt sưng to, người có trạng thái lờ đờ, khó thở cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, mỗi cá nhân không nên tiếp xúc với ong (trừ trường hợp bắt buộc), không chọc phá tổ ong, khi có ong xuất hiện cần đứng yên, nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi lao động để tránh bị ong và các loại côn trùng khác châm, đốt.

Toàn bộ học sinh bị ong đốt đã xuất viện 

Theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Bạch Mai, đến sáng  5-11 toàn bộ 51 học sinh của trường Tiểu học Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào viện khám, cấp cứu vì ong đốt tối 4-11 đã xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua khai thác thông tin và xem xét xác ong có thể nhận định loại ong đốt các em học sinh này là ong ruồi - thuộc nhóm ong mật nhưng nhỏ như con ruồi. Thông thường loài ong này khi đốt không gây độc tính mà có thể gây dị ứng và đau. 

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, do số lượng bệnh nhi nhập viện đông cùng lúc nên khoa đã chỉ đạo tăng cường thêm y bác sĩ hỗ trợ nhằm kịp thời xử trí, điều trị cho các bệnh nhân. Trong vòng 2 giờ đồng hồ, hầu hết các cháu đã được xử trí, cho xuất viện, chỉ còn 2 cháu có trên 10 nốt ong đốt nên phải lưu lại để theo dõi thêm. Đến sáng 5-11, 2 cháu này cũng đã được xuất viện. 

Tiến Hưng