Nhọc nhằn xiếc thú

(ANTĐ) -Tôi nhớ có một truyện ngắn được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1992 kể về câu chuyện của một người phụ nữ dạy hổ. Từ người chị có một “mùi hổ” rất đặc trưng khiến người chồng không hài lòng. Và chị đã cố gắng hết sức để lo chu toàn cho cái tổ ấm của mình để nó không bị lung lay trước “mùi hổ”. Chị đã phải trả một cái giá rất đắt - sinh mạng mình để đánh đổi hạnh phúc.

Nhọc nhằn xiếc thú

(ANTĐ) -Tôi nhớ có một truyện ngắn được giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1992 kể về câu chuyện của một người phụ nữ dạy hổ. Từ người chị có một “mùi hổ” rất đặc trưng khiến người chồng không hài lòng. Và chị đã cố gắng hết sức để lo chu toàn cho cái tổ ấm của mình để nó không bị lung lay trước “mùi hổ”. Chị đã phải trả một cái giá rất đắt - sinh mạng mình để đánh đổi hạnh phúc.

Nghề của những hy sinh

Nếu tôi nói một câu như thế về nghề nuôi dạy thú làm xiếc, hẳn bạn đọc sẽ nghĩ rằng tôi quá đề cao nghề làm vui cho đời này. Nhiều nghề khác còn hy sinh hơn thế. Công an, thợ mỏ, nghề báo của chúng tôi... và còn vô vàn những nghề khác nữa, nghề nào cũng đáng phải hy sinh. Nhưng với nghề xiếc thú, có nhiều lý do để nói đó là nghề của những hy sinh. Người phụ nữ trong câu chuyện mà tôi nói ở trên, vì muốn người chồng của mình hài lòng, chị đã chấp nhận làm một việc hết sức ngu ngốc - xóa hết “mùi hổ”.

Chị xịt rất nhiều nước hoa lên người, chị được hạnh phúc trong vòng tay của người chồng, nhưng đến ngày hôm sau, khi chị trở về với công việc của chính mình, người bạn diễn của chị - con hổ đã không còn nhận ra chị vì đã mất đi “mùi hổ”. Nó không chấp nhận mùi phụ nữ từ người vẫn hàng ngày làm bạn với nó. Một kết cục buồn đã đến với người dạy hổ, chị đã phải hy sinh tính mạng của mình trước dã tâm của con thú mà không một người đồng nghiệp nào dám lao vào cứu chị.

Đem câu chuyện này kể với NSƯT Tạ Duy Nhẫn - Trưởng đoàn Xiếc thú Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thế hệ thứ hai gắn bó với nghề xiếc thú, ông bảo: “Chuyện này hoàn toàn có thật chứ không phải là một truyện ngắn hư cấu, rất dễ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

Những người làm nghề này, là chồng thì phải thông cảm cho vợ, là vợ thì phải thông cảm cho chồng. Vì đã gọi là thú, đặc biệt là thú dữ thì con nào cũng có dã tâm. Nó có thể xơi tái mình ngay nếu như mình không có mùi đặc trưng của nó”. Xem ra đây cũng xứng đáng được gọi là một sự hy sinh. Vì người diễn viên, bên ngoài cái vẻ hào nhoáng trong những bộ trang phục biểu diễn kia, thì “mùi đặc trưng” không phải ai cũng dễ thông cảm. Và để làm nghề thì phải chấp nhận có “mùi đặc trưng” không lấy làm dễ chịu cho lắm.

Còn hy sinh thứ hai, có vẻ cũng giống nhiều nghề nguy hiểm khác. Đó là đối mặt với những chấn thương. Chuyện huấn luyện viên của những con thú như gấu, voi, sư tử, hổ bị tát nát mặt, tay, chân khi cơn thú tính của con vật lên cao mà không kiềm chế được cũng không còn là chuyện hiếm. Những tai nạn thương tâm ấy khiến họ phải bỏ nghề, như trường hợp nghệ sỹ Đông Đào mà thế hệ người làm xiếc hôm nay vẫn còn nhắc đến như bài học của chính mình.

Một số người may mắn hơn thì được chuyển đến những bộ phận làm việc gián tiếp trong liên đoàn. Là người nghệ sỹ xiếc nói chung việc gặp chấn thương, dù lớn, dù bé, cũng như ta hàng ngày phải ăn cơm chan canh vậy. Anh có thể ăn cơm không có nước canh, nhưng chỉ là ngày một ngày hai, còn về đa số là có món ấy đi cùng. Chấn thương với diễn viên xiếc cũng thế, chỉ là ngày một ngày hai không dính, chứ còn tổng thể những ngày tập luyện là ngày nào cũng dễ có, chỉ là nặng hay nhẹ mà thôi. Trên bất cứ cánh tay của người diễn viên xiếc thú nào lại không có một nốt sẹo. Những chiếc sẹo to, nhỏ, cứ đan với nhau, nhằng nhịt. Nào là nốt cắn, nốt cào, nốt cấu...

Người diễn viên yêu thương con thú bao nhiêu, vuốt ve nó, thủ thỉ với nó như với người thân của mình, chỉ cần một giây phút lơ đễnh không hiểu những xúc cảm của nó là sẵn sàng nhận những tấn công từ con thú. Chị Vũ Thị Thu Hằng, diễn viên xiếc voi còn nhớ như in cái ngày con voi bạn diễn của chị mắc bệnh “phụ nữ”, chị không biết, bắt nó ra biểu diễn. Và trong cơn “khó ở” của con vật khổng lồ ấy, khi đến động tác dùng vòi tung người lên cao, nó đã thả chị xuống. Chấn thương ấy khiến chị nằm viện mất một tháng. Chị định bỏ nghề, nhưng rồi khi ra viện, chị lại muốn quay lại ngay với con voi đã tấn công chị, bởi đó là con vật mà chị ấn tượng nhất trong suốt quãng đời dạy thú của mình. Chị quay lại để tìm hiểu kỹ hơn về tâm lý của nó, và chị biết nó nổi khùng vì phần nào mình chưa quan tâm đến người bạn diễn đặc biệt này.

Cần nhất là sự nhạy cảm với nghề

Liên đoàn Xiếc Việt Nam có 70 đầu thú, thuộc về những chủng loại như gấu, ngựa, chó, trăn, dê, cừu. Trong mỗi chương trình xiếc của liên đoàn, xiếc thú chỉ có 3 tiết mục, nhưng để những tiết mục biểu diễn thành công, trên sân khấu khán giả nhìn thấy có vẻ rất đơn giản nhưng đằng sau cánh gà là những nỗ lực không ngừng.

Với xiếc người, chỉ cần thời gian tập luyện anh có thể có được những thành công. Còn với xiếc thú, thời gian để con thú tập luyện thành công, người dạy thú đồng thời cũng là diễn viên xiếc thú không thể tính bằng ngày tháng. Đó có thể là 3 tháng với những con thông minh, nhưng cũng có thể hàng năm trời với những con kém hơn mới được bước ra sân khấu. Có những người nghệ sỹ, nuôi con thú không khác gì mẹ chăm con. Anh trải một chiếc khăn, ôm con gấu vào lòng, cho nó bú bình sữa khi nó vừa mới được sinh ra. Nhiều nghệ sỹ tâm sự: Con thú - người bạn diễn không biết nói như là đứa con ruột thịt của mình vậy.

Từ động tác làm quen ban đầu, những yêu thương vỗ về hàng ngày, chăm sóc nó khi ăn, khi ngủ, khi đi chơi. Những ngày đầu, thú gặp người diễn viên, gần như không làm gì, chỉ tập làm quen với nhau để tìm hiểu tính nết và nét đặc trưng nhất của con thú, nó yêu gì, ghét gì, lúc nào nó vui, lúc nào nó buồn, lúc nào có thể tập và lúc nào phải nghỉ. Ông Nhẫn bảo: “Dạy thú thì không có giáo trình, người dạy thú quan trọng nhất là phải nhạy cảm, tìm ra tố chất đặc biệt của con thú, kết hợp với mình để có được sự phối hợp ăn ý nhất. Tôi đã qua rất nhiều loại thú, mỗi lần chuyển giao thú lại cho đồng nghiệp hay các em kế cận trong lòng mình đều rất hụt hẫng. Thỉnh thoảng nhớ “bạn diễn”, lại tìm đến thăm, nhưng đó là điều tối kỵ vì nó rất có thể quấn mình mà quên mất người thầy hiện tại”.

Mỗi con thú có một khả năng riêng và duy nhất. Chị Hằng kể, khi chị huấn luyện một chú khỉ, chị mất rất nhiều thời gian cho con vật thông minh đó tập đạp xe, nhưng nó lại đạp không hẳn hoi, lúc nó đánh mông sang bên này lúc lại bên khác. Chị không hài lòng, kiên quyết không cho lên sân khấu. Thời gian trôi mãi, đến khi chị quá nản chí thì mới phát hiện ra rằng, chân chú khỉ ấy bị bên cao, bên thấp, cách nhau khoảng 1cm.

Chị đành chấp nhận cho chú khỉ lên sân khấu, và không thể ngờ, động tác ấy của chú khỉ không khác nhiều một diễn viên hài nên được khán giả nhí rất thích, vỗ tay nhiệt liệt. Anh Lê Hồng Lộc, người gắn bó gần 20 năm với nghề dạy thú cũng xem con khỉ, là con vật ấn tượng nhất, vì nó rất giống người về hành động. Anh nhớ có một con khỉ trong khi tập rất thích vứt chiếc mũ đội đầu của mình vào thùng xe xích lô, cứ đội mũ lên là nó vứt ngay vào thùng xe. Bảo mãi, dạy mãi, cả đe dọa nữa nhưng nó cũng không sửa, cuối cùng đành chấp nhận như một động tác của “diễn viên khỉ” và cũng được khán giả ủng hộ vì buồn cười.

Ông Nhẫn chia sẻ: “Dạy thú rất khó, dù người giỏi đến đâu cũng không thể có một bản sao của con thú trước. Vì thế nó đòi hỏi người diễn viên xiếc thú phải luôn luôn sáng tạo, làm mới mình và động tác của những con thú. Diễn viên xiếc thú, trên sân khấu khán giả nhìn thấy có thể rất nhàn vì không phải làm gì. Nhưng dạy thú là một nghề không đơn giản, vì chúng đâu có hiểu mình muốn nói gì và mình cũng không biết chúng muốn gì. Thế nên cần nhất là sự nhạy cảm và nắm bắt tâm lý”.

Sẽ có ngành đào tạo xiếc thú

Qua nhiều thế hệ, người trẻ nhất của Đoàn Xiếc thú thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam hiện nay mới 20 tuổi, là con trai của chị Hằng - Nguyễn Chiến Thắng. Thắng cũng là con nhà nòi, nhưng niềm yêu thích những con thú đã đưa cậu đến làm bạn với những con gấu, tuy rất to lớn, thuộc loại thú dữ nhưng lại rất nhút nhát trước đám đông. 1 năm để làm bạn với người bạn diễn đặc biệt này chưa nói lên điều gì, nhưng cũng như mẹ, như những thầy hướng dẫn Thắng, những vết sẹo đã bắt đầu xuất hiện, nhưng Thắng bảo, đó là dấu ấn ghi nhớ sự hiểu người bạn của mình.

Thế hệ của Thắng, rồi những thế hệ sau nữa, sẽ được đào tạo bài bản hơn tại trường Xiếc Việt Nam, vì trường đang có dự định mở ngành xiếc thú, mở rộng điều kiện để có thể nuôi thú. Còn giờ đây, dù biết còn nhiều khó khăn và nhọc nhằn, nhưng xiếc thú vẫn rất hấp dẫn với nhiều bạn trẻ. Nhiều bạn cùng lứa với Thắng đều ở độ tuổi 20, sẵn sàng bỏ xiếc người, môn mà mình được đào tạo để đến với xiếc thú. Và phía sau Liên đoàn Xiếc, một khu nhà dành cho những diễn viên không biết nói đã được xây dựng, sẽ hoàn thành trong tháng 8 tới, mở ra một tương lai sáng hơn cho xiếc thú Việt Nam.

Yên Hưng