Nhọc nhằn "bơi" giữa dòng đời

ANTĐ - Cánh cửa theo bóng đá chuyên nghiệp vĩnh viễn đóng lại, 4 trong 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ được hưởng án treo bây giờ đang phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh đầy khó nhọc mà có lẽ họ chưa từng ngờ tới.

Nhọc nhằn "bơi" giữa dòng đời ảnh 1

Long Giang sẽ phải làm lại cuộc đời ở tuổi 28

SEA Games 25 ở Vientiane - Lào (2009), sau trận bán kết với U23 Singapore, chúng tôi gặp Nguyễn Thành Long Giang bên ngoài đường piste SVĐ Chao Anouvong. Khuôn mặt điển trai, thông minh và nụ cười tươi rói của một tài năng mới 21 tuổi khiến những người tiếp xúc với anh rất có thiện cảm. Long Giang khi ấy được coi là hậu vệ xuất sắc hiếm hoi của bóng đá Việt Nam, dù chỉ cao khoảng 1,7m.

Với phong cách chơi bóng mạnh mẽ nhưng hiện đại, tương lai xán lạn mở ra trước mắt cầu thủ quê Tiền Giang này. Đến giờ, chúng tôi vẫn nhớ như in câu trả lời của Long Giang khi được hỏi về định hướng cho tương lai - “Em sẽ nỗ lực để nâng cao. Bóng đá là cuộc sống của em và em sẽ không biết làm gì khác nếu thiếu nó”. Vậy mà, chưa đầy 7 năm sau đó, mọi thứ đã đảo lộn, Long Giang bây giờ đang vất vả tìm kế sinh nhai.

Trong nhóm cầu thủ “dính chàm”, Phan Lưu Thế Sơn được đình chỉ điều tra, cựu đội trưởng Đồng Nai là Phạm Hữu Phát nhận mức án nặng nhất - 6 năm tù giam, còn lại 4 cái tên nhận mức án 2 năm tù treo là Nguyễn Thành Long Giang, Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện, Hà Niệm Tiến. Không bao giờ được trở lại với bóng đá chuyên nghiệp, 4 cầu thủ này sẽ phải tìm con đường khác để mưu sinh. Đó là một sự thật nghiệt ngã mà họ phải chấp nhận và đối mặt vì những sai lầm mắc phải. Trong số này, Long Giang được coi là cầu thủ “khá” nhất.

Sinh ra trong một gia đình cơ bản ở đất Gò Công - Tiền Giang, Long Giang ít nhất còn có công việc kinh doanh đồ chơi, nội thất ôtô từ gia đình khi lỡ bước. Nhưng ngay cả như vậy, anh vẫn đau đáu giấc mơ xỏ giày ra sân đá phủi hàng tuần cho vơi nỗi nhớ. Chỉ có điều, đá phủi thì không thể là một nghề và Long Giang trước sau cũng phải làm công việc khác. Dự kiến, sau khi lấy vợ trong năm 2016 này, Long Giang sẽ xin gia đình một chút vốn để lên TP.HCM lập nghiệp, làm lại cuộc đời từ con số 0 ở tuổi 28.

Cũng có hoàn cảnh gia đình được xét vào loại “ổn” như Long Giang, nhưng tiền vệ Kiên Trung vẫn đang loay hoay tìm con đường đi cho riêng mình. Không đá bóng, Trung cũng chẳng có nghề nghiệp nào rõ ràng, vì vậy để bắt đầu một công việc gì đó không phải chuyện đơn giản. Mới lập gia đình, nên gánh nặng kiếm tiền càng trĩu lên đôi vai của cầu thủ này. Có những lúc Kiên Trung ngồi hối hận, trong đầu chất đầy những điều “giá như”.

Tất cả đã muộn, Trung hiểu điều đó và không cho phép mình chìm đắm trong những sai lầm của quá khứ. Trước mắt, anh sẽ phụ gia đình bán tạp hóa và cố gắng dành dụm chút vốn liếng để có thể tự mở một cửa hàng ăn uống của riêng mình. “Tôi đang phải tự chịu trách nhiệm với những sai lầm mình đã gây ra. Mọi thứ có những lúc rất mờ mịt với tôi. Nhưng tôi không còn cách nào khác là phải làm lại từ đầu, dù sẽ rất vất vả”, Kiên Trung bộc bạch. 

Không được may mắn như các đồng đội cũ, tiền vệ Đức Thiện tìm cho mình một con đường riêng ở quê nhà Long Khánh - Đồng Nai để tránh bão tố cuộc đời. Hồi còn ở CLB Đồng Nai, Đức Thiện được biết đến như một tay guitare giỏi trong đội, luôn là quản ca ở những cuộc vui. Bây giờ, Thiện lại dùng chính tài lẻ ấy của mình để mưu sinh. Anh mở một quán cà phê nhỏ ở gần nhà, thi thoảng đích thân đàn ca cho khách tìm niềm vui qua ngày. Khách đến quán dù không thật đông, nhưng ít nhất cũng đủ giúp Đức Thiện có thêm thu nhập, đỡ đi bao lo toan bộn bề phía trước. 

Người cuối cùng trong nhóm cầu thủ được hưởng án treo là Hà Niệm Tiến. Sau một thời gian sinh hoạt cùng đội bóng cựu lão tướng Công an TP.HCM, Niệm Tiến trở về nhà vay chút vốn từ gia đình để cùng vài người bạn mở một quán ăn tại TP.HCM. Nhưng chuyện làm ăn, nhất là làm dịch vụ ăn uống, không đơn giản như Tiến nghĩ, quán không những không sinh lãi mà còn lỗ nặng.

Việc quán phải đóng cửa như một điều tất yếu và Niệm Tiến lại suy nghĩ về hướng đi mới cho mình. Sẽ là rất khó bởi cũng như các đồng đội, trang bị kiến thức về cuộc sống của Niệm Tiến là quá ít. “Cuộc sống như một dòng sông. Dù thế nào thì cũng phải học bơi nếu không sẽ bị chìm. Bọn em đã sai lầm và không thể trở thành một cầu thủ tốt được nữa, nên sẽ cố gắng làm một người tốt với gia đình và bạn bè”, Niệm Tiến tâm sự.