Nhớ về người liệt sỹ công an có trái tim quả cảm

ANTD.VN - Khi lao vào ngăn chặn đám lưu manh côn đồ tấn công người lái xích lô tội nghiệp trên phố Huế, có lẽ Thượng úy Nguyễn Văn Ngữ chỉ nghĩ duy nhất một điều, đó là làm sao cứu nạn nhân khỏi trận mưa dao tàn độc. Nhưng lúc nạn nhân thoát cơn nguy hiểm thì cũng là lúc người lính ấy ngã xuống, máu đỏ ướt đẫm bộ sắc phục công an. 

Lãnh đạo CATP Hà Nội thăm chị Nguyên sau đám tang Thượng úy Nguyễn Văn Ngữ

20 năm kể từ ngày anh ra đi trong cuộc chiến phòng chống tội phạm, có một người phụ nữ cũng bước vào “cuộc chiến” của riêng mình. Chừng đó thời gian, chị đã thay chồng vừa làm mẹ, vừa làm cha, đối mặt với bao khó khăn để chèo chống gia đình, nuôi 2 đứa con thành người. Những đứa trẻ ngày nào giờ đã lớn và chúng vẫn nhìn vào anh như một tấm gương. 

Hữu duyên thiên lý…

Chị Nguyên bắt đầu câu chuyện với tôi không phải là những tháng ngày cực khổ khi thay chồng cáng đáng công việc của hai bên nội ngoại mà là những dòng hồi ức về mối tình đầu của mình. Trong suốt câu chuyện ấy, thi thoảng chị lại cười lấy tay che mặt. Gần 60 tuổi, có cháu nội rồi mà bây giờ nhắc lại, má chị vẫn ửng đỏ như thời thiếu nữ. 

Đầu năm 1982, cô y tá thực tập sinh của Viện Quân y 5 (Ninh Bình) Nguyễn Thị Nguyên tranh thủ kỳ nghỉ cuối tuần đi nhờ một chiếc xe tải của đơn vị về Hà Nội thăm cha đang công tác tại Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng. Ngày đó, đường sá chưa được như bây giờ nên sau cung đường hơn 100km xóc quặn ruột, đến tận 23h xe mới về đến Đuôi Cá.

“May mắn là sau này thấy tôi khó khăn quá, Ban chỉ huy CAQ Hai Bà Trưng đã giúp đỡ các cháu 100.000 đồng/tháng. Rồi Báo An ninh Thủ đô cũng nhận đỡ đầu 2 cháu 100.000 đồng/tháng ăn học đến năm 18 tuổi. Sự giúp đỡ quý báu ấy đã thủy chung theo mẹ con tôi suốt mười mấy năm trời”. 

Chị Nguyễn Thị Nguyên (Vợ Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngữ)

Ác một nỗi, khi thả xuống vài vị khách đi nhờ thì chiếc xe cứ ì ra không chịu nhúc nhích. Người lính lái xe sau một hồi đánh vật với cỗ máy cũ kỹ đành bảo: “Thôi, xe nằm đường rồi. Em tùy nghi di tản vậy chứ ngồi đợi chẳng biết đến bao giờ”. Chị tiếng là gái Hà Nội, nhưng thực ra nhà ở tận Đông Anh, bởi vậy đứng giữa Thủ đô nhưng vẫn lạ nước lạ cái.

Hà Nội năm 1982 mọi thứ vẫn còn bao cấp, đời sống khó khăn nên sau 21h là đường sá tối thui. Chị thất thểu đi bộ một mình trên cung đường vắng vẻ, vừa đi vừa run, bụng thì nghĩ: “Bây giờ mà gặp vài gã “quân khu” hay “cao bồi” thì chết chắc”.

May sao từ phía xa thấy có một chốt công an đóng bên đường, vậy là chị vững dạ rảo bước tới. Trực trong chốt là người lính trẻ, thấy cô gái tay xách nách mang, thay vì niềm nở tiếp đón thì anh công an nghiêm mặt đề nghị chị… xuất trình chứng minh thư.

Nhớ lại buổi tối hôm đó, chị phì cười: “Anh ấy nói rất dõng dạc: “Tôi, Thượng sỹ Nguyễn Văn Ngữ. Đề nghị chị cho kiểm tra giấy tờ tùy thân”. Mãi sau này chị mới biết, dạo ấy Hà Nội đang chuẩn bị Đại hội Đảng nên các chốt công an kiểm soát rất chặt chẽ người qua lại. Hơn nữa anh Ngữ nghĩ, con gái tử tế thì ai lại ra đường lúc đêm hôm làm gì. Chỉ đến khi chị xuất trình giấy tờ và nói rõ lý do nhỡ xe thì anh mới nở một nụ cười”.

Liệt sỹ Nguyễn Văn Ngữ chụp ảnh chung cùng gia đình trước khi hy sinh

Hạnh phúc ngắn ngủi

Sau khi biết đầu đuôi câu chuyện, anh công an tên Ngữ khuyên chị nên ngồi tại chốt nghỉ tạm chứ đi bộ đêm hôm giữa đường vắng rất nguy hiểm. 6h sáng, quay lại chốt khi hết ca tuần tra, anh Ngữ vẫn thấy cô y tá trẻ ngồi ngủ gật ở góc phòng. Hỏi địa chỉ cần đến, chị chỉ biết cơ quan của cha mình ở phố Cửa Bắc, còn tới đó bằng cách nào thì… chịu. Vậy là bàn giao xong ca trực, anh bèn đưa chị tới tận nơi. Hai người nên duyên từ đó.

Anh Ngữ là con thứ năm trong gia đình. Năm 1978, anh gia nhập lực lượng công an và công tác ở Cục Cảnh sát trại giam - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Rồi theo điều động của tổ chức, anh chuyển về CAP Tân Mai, CAP Trương Định (quận Hai Bà Trưng), Phòng Cảnh sát trật tự và cuối cùng là Đội Cảnh sát Giao thông số 1 (Phòng CSGT Hà Nội). Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ những năm tháng đất nước vừa trải qua chiến tranh vô cùng thiếu thốn. Lương ba cọc ba đồng, nhưng dù ở bất kỳ vị trí nào, anh cũng luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 

Chị Nguyên nhớ lại: “Anh Ngữ cứ đi tít mít từ sáng đến đêm. Công an hồi đó trực cứ như bộ đội thời chiến vậy, lúc nào cũng bộn bề công việc. Bận đến nỗi chị đang làm y tá trong quân đội cũng phải xin chuyển ngành về  Công ty thoát nước Hà Nội để có thời gian lo việc nhà và chăm các con cho anh yên tâm công tác”. Rồi chị bần thần: “Có lẽ chính vì vậy mà anh gặp nạn khi gặp tình huống ngang tai trái mắt giữa đường”. 

Tối mùng 2 Tết năm 1996, tranh thủ giờ nghỉ giữa ca trực, anh Ngữ đảo về nhà thắp hương lên bàn thờ gia tiên. Năm ấy, đơn vị trực 100% quân số nên sắp hết Tết mà cả nhà vẫn chưa có nổi một bữa cơm sum họp. Sau khi giặt xong chậu tã cho cu Việt - lúc đó mới 15 tháng tuổi - anh lại vội vã khoác bộ sắc phục vào người, hôn lên trán con rồi tất tả xách xe ra cửa.

Nhìn cảnh ấy, chị Nguyên tủi thân cằn nhằn: “Tết nhất mà anh cứ đi tối ngày, vợ con chẳng trông mong gì được. Đến bát cơm ăn cũng vội vội vàng vàng”. Anh quay lại nhìn chị cười: “Lấy chồng công an thì phải cố gắng chứ. Thôi mấy mẹ con đi ngủ sớm đi. Mùng 4 được nghỉ, bố sẽ đưa cả nhà về thăm ông ngoại”. Nói rồi anh lúi húi dắt xe đi giữa cái rét cắt da cắt thịt. Ngờ đâu, đó cũng là lần cuối chị được trách chồng mình.

Nửa đêm hôm đó, chị Nguyên điếng người khi thấy đồng đội của anh tìm đến nhà với tin báo, anh bị “tai nạn” rất nặng. Lúc vào đến Bệnh viện Việt - Đức, nhìn thấy anh nằm bất động trên chiếc băng ca trắng toát, chân chị khuỵu xuống. Vậy là lời hứa đưa con về quê chúc Tết của anh đã mãi mãi thành dang dở.

Cháu Tiến ngày còn nhỏ thắp hương cho cha

Trái tim quả cảm

Nhiều người dân sống hai bên phố Huế đến bây giờ vẫn nhớ câu chuyện xảy ra đêm 20-2-1996 khi một người đạp xích lô bị một nhóm thanh niên hung bạo mang đầy dao kiếm truy sát. Nhìn đám lưu manh đầy sát khí đuổi chém người, mọi người la hét chạy dạt ra mà không ai dám vào can. Đúng lúc nguy cấp nhất thì đám du côn kia sững lại bởi một tiếng quát đanh gọn: “Tôi là công an, yêu cầu các anh dừng lại”.

Tiếng quát dõng dạc cùng bộ cảnh phục khiến vài đối tượng chột dạ buông dao rồi lảng đi. Lợi dụng cơ hội ấy, nạn nhân mau chân chạy thoát. Thế nhưng có một tên cay cú vì vuột mất con mồi nên đã lén quay lại bất ngờ đâm thẳng nhát dao vào ngực người chiến sỹ. Cú đâm hiểm ác khiến anh ngã xuống. Người chiến sĩ công an quả cảm đó là Thượng úy Nguyễn Văn Ngữ.

34 tuổi, một nách 2 con nhỏ, chị Nguyên gánh cái tang thứ hai trong chưa đầy 1 năm (mẹ chị mất trước đó không lâu). Người phụ nữ nhỏ bé lúc đó chỉ nặng chưa đầy 40kg này đã bước vào một “cuộc chiến” thực sự để cáng đáng tất cả những phần việc mà chồng mình để lại. Đồng lương y tá  của chị khi ấy chỉ vỏn vẹn 200 nghìn đồng/tháng, nhiều đêm ngồi nhìn 2 đứa trẻ ngủ mà lòng chị hoang mang, quặn thắt: “Mai đây ai sẽ dạy dỗ chúng hàng ngày? Một thân một mình, biết lấy gì để nuôi con giữa thời buổi cái gì cũng đắt đỏ?”.

May sao cu Tiến sớm nhận thức được hoàn cảnh của mình nên rất ngoan. Hàng ngày đến lớp, tối về giúp mẹ chăm em làm việc nhà rồi học bài, chị Nguyên cũng đỡ tủi phần nào khi nhận được  sự trợ giúp từ chính những người đồng đội của chồng.

Chị bảo: “May mắn là sau này thấy chị khó khăn quá, Ban chỉ huy CAQ Hai Bà Trưng đã giúp đỡ các cháu 100.000 đồng/tháng. Rồi Báo An ninh Thủ đô cũng nhận đỡ đầu 2 cháu 100.000 đồng/tháng ăn học đến năm 18 tuổi. Sự giúp đỡ quý báu ấy đã thủy chung theo mẹ con tôi suốt mười mấy năm trời. Thú thực, nếu không có các đồng đội của anh Ngữ thì không biết bây giờ mẹ con tôi sẽ ra sao”. 

Anh Ngữ đã ra đi được hơn 20 năm, chị Nguyên đã nghỉ hưu và cu Tiến ngày nào cũng đã thành một chiến sỹ công an. Tốt nghiệp Trung cấp CSND năm 2004, về nhận nhiệm vụ ở CAQ Hai Bà Trưng rồi bây giờ là Phòng Cảnh sát Kinh tế, năm nào người lính trẻ này cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao.

Tiến cười bảo: “Em được như bây giờ cũng là nhờ bố. Mẹ em vẫn nói, bố luôn tận tụy với công việc, bảo vệ nhân dân, xứng đáng với những gì mà cả đời mình đã theo đuổi”. Nói vậy rồi Tiến lại cười, mắt nhìn lên bức ảnh cha treo trang trọng giữa nhà. Hai nụ cười ấy giống nhau như một.