Nhớ Tô Hoài: Người xác lập vị thế cho văn học thiếu nhi Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với 94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, với một số lượng tác phẩm đồ sộ, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài, có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau.
Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài

Nhà văn Tô Hoài cũng chính là người tiên phong khai đường mở lối và xác lập một vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Tri ân và tưởng nhớ một nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm mới đặc biệt và các hoạt động ý nghĩa dành cho độc giả.

Nhà thơ Vũ Quần Phương kể, con người Tô Hoài hội nhập được nhiều tính cách ngỡ như trái ngược: sắc sảo, dí dỏm, nhưng lại điềm tĩnh, ít nói, thích giấu mình đi nhưng luôn có mặt khi cần thiết. Tham gia nhiều thứ mà như không nhập cuộc nào. Bực lắm chỉ hơi cao giọng, chưa thấy quát tháo ai, nhưng yêu ghét rõ ràng. Rõ ràng ở lòng mình, ít biểu hiện ra bên ngoài hay phân biệt đối xử. Người được yêu thì biết, người bị ghét cũng không hay. Nước trong thì rửa mặt, nước đục thì rửa giày, chả phải bỏ đoạn sông nào. Vũ Quần Phương nhận định: “Đây cũng là bản lĩnh sống cao, tôi nghĩ thế!”.

Sinh thời, Tô Hoài có lần bảo: “Người ta bảo mình khôn, chả biết có đúng không, nhưng dại thì chết từ tám đời nào rồi…” Ông đã tự nhận xét đúng và tôi cũng thấy ở nhiều đợt đấu tranh ác liệt trong giới văn thì ông đi nằm viện. Có thể là ngẫu nhiên, có thể là ông hay phát ốm khi phải lao vào các cuộc tranh cãi. Với lại, bệnh mãn tính thì lúc nào ông cũng có thể vào viện- nhà thơ Vũ Quần Phương kể.

Trí óc Tô Hoài minh mẫn và tỉnh táo, ngay cả khi tợp một hơi hết cốc rượu 40 độ to bằng cốc nước chanh. Chưa bao giờ thấy Tô Hoài uống say và nói lẫn. Ông thường uống bia, uống nhiều nhưng ăn ít. Ông sành ẩm thực, không cầu kỳ như Nguyễn Tuân, nhưng vẫn đầy đủ phong thái tinh tế của người Kẻ Chợ. Nói năng có duyên nhưng lại nhạy cảm, ông mực thước mà vẫn đào hoa, và đào hoa một cách mực thước, đời ông ít giông bão, lĩnh vực này mà vẫn thú lắm, vui lắm.

Nhà thơ Hữu Việt nhớ lại, năm 1994, Hội nghị những nhà viết văn trẻ toàn quốc tổ chức tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Đại diện những người viết trẻ đến từ khắp nơi. Sau phần thảo luận tẻ nhạt, chúng tôi được nghe nhà văn Tô Hoài nói chuyện. Bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng và dí dỏm, ông kể về sự đọc của mình. Hàng ngày, ông đọc mọi tin tức trên báo, kể cả mục nhắn tin. Nhà văn Tô Hoài bảo, ông rất chăm đọc thơ, nhất là thơ…dở trước. “Thơ càng dở tôi càng đọc kỹ”. Nói rồi, ông trễ mục kỉnh, nhìn xuống dưới hàng ghế đại biểu cười tủm tỉm: “Ai chứ thơ ông Huy Cận tôi phải đọc đầu tiên”- Nhà thơ Huy Cận ngồi bên dưới, cười rung cả nghế, có vẻ đã biết bạn mình hay nói bỡn. Cả hội trường Cung Thiếu nhi bấy giờ mới dám ồ lên.

Nhà thơ Hữu Việt, khi kể về những ký ức của ông với Tô Hoài đã rằng: Chuyện trăm năm vậy mà thoáng chốc như mây bay gió thổi. Hôm nay chúng ta nói về trăm năm đời người, như được lật lại pho sử sống của văn học và cũng là đời sống của mộ người vừa là gạch nối, vừa làm nên một nền văn học Việt Nam mới. Nhớ bác, trọng bác, khâm phục bác. Nhưng nổi lên lúc này là cảm giác tiếc nhớ về một thế hệ nhà văn đã để lại trong lòng nhiều công chúng và giới cầm bút dấu ấn về tài năng, nhân cách và cả sức làm việc bền bỉ, cùng với đó là những bài học nhỏ mà sâu sắc. Và nhớ nhất là nét hóm hỉnh của bác Tô Hoài trong nụ cười đã nhiều phần sương khói.

Ra mắt 21 ấn phẩm đặc biệt của nhà văn Tô Hoài

Với 21 ấn phẩm cả ra mắt lần đầu và tái bản hình thức mới, loạt sách kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài của NXB Kim Đồng mang đến cho độc giả một góc nhìn toàn diện và mới mẻ về những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài.

Đầu tiên, phải kể đến hai ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” được thiết kế, in ấn công phu, với số lượng in hạn chế 500 bản, đánh số từ TH 001 đến TH 500 dành cho độc giả muốn sưu tầm sách: “Dế Mèn phiêu lưu ký” song ngữ, minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Họa sĩ Ngô Mạnh Lân là người đầu tiên vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký năm 1959 khi ông đang học họa sĩ − đạo diễn phim hoạt hình tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô. Sau đó, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cũng vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký hai lần nữa năm 1972 và năm 1989.

Độc giả ấn tượng với những hình ảnh sinh động, trong sáng mà khoáng đạt về chú Dế Mèn hiệp nghĩa, về những phong cảnh thiên nhiên sống động trong tác phẩm của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Ấn bản kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài tập hợp đầy đủ cả ba phiên bản minh họa Dế Mèn của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Sách được in trên giấy Nouvel cao cấp, bìa cứng trang trọng.

Được mệnh danh là “họa sĩ Dế Mèn” với 4 phiên bản minh họa “Dế Mèn phiêu lưu ký” khác nhau, mỗi ấn bản Dế Mèn của họa sĩ Tạ Huy Long lại mang đến cho độc giả một góc nhìn mới về thế giới Dế Mèn. Ấn bản này được làm bìa cứng bọc vải, bìa áo bọc ngoài ép nhũ, ruột in trên giấy Nouvel cao cấp.

Cũng trong đợt này, ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa cũng ra mắt công chúng. Thuộc thế hệ 9X, Đậu Đũa cũng là nữ họa sĩ đầu tiên vẽ “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Bằng con mắt của người trẻ thời hiện đại, minh họa của Đậu Đũa khác biệt với tạo hình Dế Mèn của các thế hệ họa sĩ đi trước.

Lần đầu tiên, độc giả Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận với hai ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã từng xuất bản tại Thuỵ Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa.

Ngoài các ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” trên, độc giả cũng sẽ gặp lại Dế Mèn bản tranh truyện comic của họa sĩ Trương Qua; bản song ngữ Việt−Anh, bản dịch của Đặng Thế Bính, minh họa của Thành Chương; bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” minh họa lần đầu năm 1959 của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, cùng ba ấn bản “Dế Mèn phiêu lưu ký” khác của họa sĩ Tạ Huy Long.