Nhờ tiêm chủng, trẻ tử vong giảm

ANTĐ - Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh vẫn đáng lo ngại, trên thực tế, mỗi ngày cả nước có trên 70 trẻ sơ sinh tử vong. Tuy vậy, nhờ có tiêm chủng mà mỗi năm có hàng nghìn trẻ tránh được tử vong hoặc gánh nặng tàn phế do được phòng bệnh chủ động.

Nhờ tiêm chủng, trẻ tử vong giảm ảnh 1
Đảm bảo an toàn sau tiêm chủng để lấy lại niềm tin của nhân dân
Ảnh: PHÚ KHÁNH


Đã giảm nhưng vẫn ở mức cao

Theo ước tính của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 18/1.000 số trẻ sinh ra. Như vậy, với khoảng 1,5 triệu trẻ em được sinh ra hằng năm thì mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 27.000 trẻ sơ sinh tử vong và mỗi ngày có trên 70 trẻ sơ sinh tử vong. Các thống kê hàng năm cũng cho thấy, tử vong sơ sinh chiếm tới 1/3 tổng số tử vong chung. Tỷ lệ này càng cao hơn ở các khu vực miền núi, vùng sâu, hẻo lánh, nông thôn…, nhiều nơi cao gấp 3-4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh - BV Phụ sản Trung ương thực hiện cho thấy, trong tổng số hơn 29.000 trẻ sinh ra tại BV này năm 2012, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm 1,37%. Trong số này, hơn 40 trẻ tử vong sơ sinh là trẻ sinh non (dưới 28 tuần tuổi) và có cân nặng thấp (dưới 1.000g). Ngoài ra, các bệnh lý xuất huyết não - màng não, đa dị tật, suy hô hấp, phù thai, sốc, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da, suy dinh dưỡng, Rubella bẩm sinh, tăng áp phổi, bất thường nhiễm sắc thể… cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tử vong. Tính riêng tại BV Nhi Trung ương, mỗi năm có khoảng 4.000 - 5.000 bệnh nhi sơ sinh nhập viện điều trị tại khoa Sơ sinh và có khoảng 700 trẻ tử vong hoặc ca nặng xin về. 

Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009 - 2015 do Bộ Y tế phê duyệt đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 18%; tỷ lệ trẻ em tử vong dưới 1 tuổi xuống dưới 15%; tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống dưới 10%. Đến nay, Kế hoạch này đã đi hơn nửa chặng đường, số ca tử vong trẻ em cũng như tử vong sơ sinh dù đã giảm nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ rất đáng lo ngại và nước ta vẫn nằm trong nhóm các nước có số lượng trẻ em tử vong nhiều ở khu vực cũng như trên thế giới. 

Tỷ lệ bệnh nhi sơ sinh phải nhập viện trong 1 tháng đầu còn cao

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trong báo cáo thường niên về tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh “State of World Mothers” lần thứ 14 vừa được công bố mới đây, tổ chức “Save the Children” tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang trong tiến trình đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Tuy vậy, vẫn còn có hơn 17.000 trẻ tử vong ngay trong tháng đầu tiên trong đời, trong đó rất nhiều trường hợp có thể tránh được. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh việc đầu tư thêm cho các chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, đẩy mạnh chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, các khoản đầu tư khác cho nhân viên y tế tuyến đầu và y tế cộng đồng, thì việc phòng bệnh chủ động cho trẻ bằng vaccine vẫn luôn là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất.

PGS.TS. Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Sức khỏe cộng đồng cho biết, tại nước ta, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai trong toàn quốc từ năm 1985 và đã thu được những thành quả to lớn. Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước; thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển nhấn mạnh, nhờ tiêm chủng, mỗi năm, hàng trăm nghìn trẻ em Việt Nam không mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và hàng nghìn trẻ không bị chết hoặc tàn phế do bệnh tật. 

Chấn chỉnh, thanh tra toàn diện

Ngày 30-7, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về sử dụng vaccine. Theo đó, ngoài tỉnh Quảng Trị, trong thời gian qua Bộ Y tế đã thanh tra, kiểm tra về thực hiện công tác tiêm chủng và phát hiện một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc quản lý vaccine, sinh phẩm y tế cũng như tập huấn cho cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng. 

Để chấn chỉnh và tăng cường an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/ thành chỉ đạo các đơn vị liên quan tại địa phương tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn bảo đảm an toàn theo đúng các quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt lưu ý tư vấn đầy đủ cho gia đình hoặc người được tiêm chủng về tác dụng, lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải khi tiêm chủng. Tiến hành thanh tra toàn diện về công tác tiêm chủng, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các đơn vị nếu có sai phạm. Trường hợp xảy ra tai biến phải khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan tìm nguyên nhân để công bố công khai, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân vi phạm và những người liên quan.