Nhớ thầy!

ANTĐ - Ngay từ khi còn bé, mới chập chững bước chân vào con đường hội họa - Cha tôi - nhà văn Kim Lân đã quyết tâm chọn cho tôi những người thầy mà ông tin rằng đó là những tấm gương về nhân cách sống, về tài năng và sự lao động sáng tạo nghiêm túc của họ để tôi học hỏi.

Nhớ thầy! ảnh 1Họa sĩ Dương Bích Liên và người bạn thân Bùi Xuân Phái

Vì thế ngay từ bé, cha tôi đã dành biết bao nhiêu thời gian, tâm huyết để đưa tôi đến nhà các bác họa sỹ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Văn Cao… để học hỏi. Hai cha con lễ mễ xách tranh của tôi đến cho các bác xem và phê bình, hết đến nhà bác Phái, bác Văn Cao, bác Sáng, bác Nghiêm, lại đến nhà bác Dương Bích Liên để xem các bác vẽ, nghe các bác và bố tôi nói chuyện, được các bác phê bình tranh cho tôi. Các bác ai cũng nhẹ nhàng chỉ bảo, nói chuyện với tôi, rất ân cần tử tế, lại còn cho tôi ngồi bên hàng giờ im lặng xem các bác vẽ. Tôi có thể im lặng như thóc bên cạnh các bác để xem các bác vẽ, các bác cũng chẳng thấy tôi phiền hà đến dòng tư tưởng suy nghĩ của các bác. Các bác vẽ, tôi ngồi im bên cạnh như bị cuốn theo sự say mê của các bác - bởi thế các bác dù khó khăn đến mấy cũng chưa bao giờ thấy tôi làm phiền cả.

Cha tôi hay dắt tôi sang nhà bác Dương Bích Liên, mỗi khi đến nhà bác, tôi thường hay được bác cho xem chồng ký họa bằng chì than của bác. Bác vẽ ký họa rất nhiều, nét vẽ chắc, nhanh và dứt khoát, nhưng nhớ nhất một lần bác cho tôi xem chồng ký họa bộ đội hành quân, bác ký họa nhiều về đề tài này, đoàn bộ đội đi trong rừng, vác súng, ba lô, mũ cài lá ngụy trang, bác ký họa đoàn người đi vô cùng sinh động. Bác vẽ ký họa tài tình thế nào mà đoàn bộ đội hành quân trên đường, bóng in xuống suối đến nỗi nhìn chiều nào cũng thấy đoàn bộ đội đang hành quân, bác là một họa sỹ có tay nghề hình họa vô cùng vững chắc và tài hoa. 

Bác ở 55 Bà Triệu, từ nhà tôi ở Hạ Hồi đến bác rất gần. Bác ở trong căn phòng nhỏ, có một giường cá nhân, trên giường trải ga trắng muốt, một cái gối trắng muốt, bác có một cái bàn và một cái ghế kiểu Pháp rất đẹp. Bác chỉ cái ghế nói với bố tôi:

- Dương Bích Liên lúc nào cũng cô đơn - 1 mình - 1 ghế - 1 bàn.

Bác gần như ít khi tiếp khách ở nhà, mỗi lần bố tôi đưa tôi sang thăm bác, bao giờ cũng được bác cho ngồi trên chiếc giường trải ga trắng muốt của bác để xem tranh, chiếc giường này bác không cho ai ngồi bao giờ. Bởi nhà bác duy nhất chỉ có một chiếc ghế mà thôi, sau này bác có thêm vài chiếc ghế nhỏ để một vài người bạn đến có thể ngồi.

Bác Liên sống cuộc sống tối giản đến mức không thể nào còn đơn giản hơn.

Bác Liên ít nói, tiếng nói nhỏ nhẹ, nhiều khi phấn khích điều gì bác thường hay nói lắp, bác cười mủm mỉm, bác chỉ dạy tôi cách ghi chép minh họa bằng chì than, phấn màu rồi để tôi ngồi tỉ mẩn xem tranh của bác, bác nói chuyện với bố tôi, toàn chuyện văn chương nghệ thuật, quan điểm sáng tác…

Tính bác lặng lẽ, bác càng lặng lẽ hơn khi bác vẽ bức “Hào”, bức tranh tôi rất thích, bác vẽ về chiến tranh khi Hà Nội bị bom B-52 thả. Một sự lặng lẽ, mênh mông, màu nâu vàng ấm của đất, những đường xẻ ngang xẻ dọc vào lòng đất, đoàn bộ đội đi lặng lẽ, trong đường hào sâu dưới lòng đất cũng màu nâu sậm của đất, lừ lừ tiến về phía trước, phía chân trời, một sự tuyên thệ quyết chiến đấu không lời. Một bức tranh cô đọng nhất lột tả sự dữ dội hào hùng của chiến tranh, sự hy sinh thầm lặng của đoàn bộ đội đi trong lòng đất - chân trời tít xa phía trước không một bóng người. Bức tranh bác vẽ về chiến tranh theo một tư tưởng khác hẳn những bức tranh vẽ thời kỳ đó, những cảnh bộ đội, dân quân bắn máy bay, tên lửa phòng không bắn máy bay rơi, hô hào, sôi nổi… Vì vậy bức tranh “Hào” đã bị ban giám khảo loại ra khỏi cuộc triển lãm, cho rằng tác phẩm đó có “vấn đề”, bức tranh “Hào” đã bị yêu cầu đưa về treo ở trường Mỹ thật Việt Nam để mọi người đến xem, phê bình, góp ý.

Nhớ thầy! ảnh 2Bức tranh “Hào” của họa sĩ Dương Bích Liên

Sau bức tranh “Hào” bác Liên gần như ở ẩn, tâm hồn mong manh quá nhạy cảm, tinh tế của bác gần như không chịu nổi và không hiểu nổi sự áp đặt một cách vô lối của một số quan điểm lúc bấy giờ đã quy chụp cho bác.

Bác là người cô đơn, sau bức “Hào”, bác càng lặng lẽ hơn, cô độc và tuyệt đối cô đơn hơn.

Bác dáng người cao, khuôn mặt khá đẹp trai, cười mủm mỉm, giờ mắt bác buồn, đăm chiêu, ngơ ngẩn, hai tay bác khư khư ôm chiếc mũ cối của bộ đội, đi nghiêng nghiêng trên đường, sát vào vỉa hè, bác đi thật sát vào vỉa hè, cứ như là bác muốn mình biến hẳn vào trong bức tường để không muốn ai nhìn thấy mình vậy.

Tôi thương bác lắm, trong gia đình bác, riêng một mình bác đi theo con đường mỹ thuật hội họa, con đường sáng tạo của riêng tâm hồn bác, bác cô đơn ngay trong chính gia đình 

của mình. 

Và “Hào” bức tranh sơn dầu bác vẽ, vẫn là bức tranh để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất của sự quyết liệt, âm thầm, lầm lì, dữ dội, lừ lừ tiến về phía trước bất chấp hiểm nguy giữa sống và chết. Tôi nghĩ đó là bức tranh vẽ về chiến tranh chống Mỹ dữ dội, hào hùng, quyết liệt nhất, cho ta cảm giác trong gang tấc giữa sự sống và cái chết, con người vẫn bám chặt vào đất, lẩn mình vào đất, quyết liệt bảo vệ đất, bầu trời, và cuộc sống.  

Kháng chiến bùng nổ, bác đi theo kháng chiến làm báo Vệ quốc đoàn, bác được kết nạp Đảng năm 1949. Năm 1952, bác là một trong những nghệ sỹ được phân công vẽ Bác Hồ, bác đã ký họa nhiều về những hình ảnh sinh hoạt của Bác, để cho đến năm 1980 bức sơn mài Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đã ra đời.

Suốt đời bác sống cô đơn, thanh bạch, thu mình khép kín, sống đạm bạc, không vợ con, không ham mê danh vọng, không tiền tài, quyết liệt cô đơn đến tận cùng trong suốt cuộc đời đầy sóng gió vật lộn giữa thực và mơ, giữa đẹp và xấu, giữa sự thanh bạch và giầu sang, giữa đầu hàng số mệnh và kiên cường giữ phẩm giá của người nghệ sỹ trong cuộc biến động thăng trầm thời cuộc của đất nước, của dân tộc, từ chống Pháp, chống Mỹ đến xây dựng xã hội chủ nghĩa với bao biến động. Bác vẫn giữ phẩm giá của mình, cô đơn không đòi hỏi tiền tài, danh lợi, sống trong nghèo khổ, âm thầm để làm việc. Đó là sáng tạo - là cái đẹp muôn thuở và là chính mình - con đường độc hành của đời bác.   

Bức “Ngõ cụt” tôi nghĩ bác đã vẽ chính bác, đứng một mình như một cái bóng, nhìn về phía trước, cái cây tỏa nhiều cành, nhiều ngã rẽ, con đường phía trước cụt. Suốt đời bác đi tìm, tâm hồn nhạy cảm mong manh của bác đôi lúc không hiểu nổi bão lớn ở đời. Sau khi mấy người bạn tri âm của bác - bác Bùi Xuân Phái mất ngày 24-6-1988, bác Nguyễn Sáng vào Sài Gòn sống, bác Liên không ăn gì nữa, tuyệt cốc, chỉ uống rượu, bác muốn ra đi, bác đốt hết thư từ, ký họa, bác muốn đốt hết cả tác phẩm của mình để cùng bác ra đi. Dù mọi người khuyên can, bác tự kết thúc đời mình bằng cách nhịn ăn - suốt gần một tháng, không ăn, chỉ uống rượu, bác Dương Bích Liên đã ra đi vào 9h sáng ngày 12-12-1988, bác Nguyễn Sáng ra đi ngày 16-12-1988 - Thế là bộ tứ, 4 người họa sỹ mà tôi vô cùng yêu quý, kính trọng, họ là những người thầy đầu tiên của tôi đã lần lượt ra đi - còn lại bác Nguyễn Tư Nghiêm năm nay đã 93 tuổi, bác là người thọ nhất trong những người thầy đầu đời và suốt đời của tôi.

Sài Gòn - Những ngày đầu năm 2015