Nhớ Tết thời chưa có "số"

ANTD.VN - Tất nhiên, đấy là một Tết Giáp Tuất đã rất xa, nhưng chưa xa tới mức không thể nhớ. Mà quên thế nào được, vì bây giờ ở nhà vẫn treo bức sơn dầu của anh bạn thân họa sĩ vẽ chó. Mấy con “cún” đáng yêu vô cùng, chúng đi chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược, cầm đào cầm quất. 

Nhớ Tết thời chưa có "số" ảnh 1Minh họa: Lê Phương

Ngộ nghĩnh nhất là ở cổ của chúng đều lủng lẳng đeo máy nhắn tin, một thứ giờ đây đã tuyệt truyền. Riêng con đầu đàn thì đang ngông nghênh đầy hãnh diện chơi một chiếc điện thoại di động Motorola huyền thoại to đùng. Hình như nó cũng chưa biết sử dụng, nhưng trông “oai” khôn tả. Lúc đấy tuyệt nhiên chưa có kết nối Internet. Và đương nhiên, khi một tay chơi Hà Nội trong bữa rượu tất niên hồi đó, nhỡ có nhắc đến những là “công nghệ tin học”, những là “kỹ thuật số” thì vẻ mặt của đám người nghe bỗng phảng phất một sự kính cẩn mơ hồ sợ hãi. Đại loại nó cũng gần giống như ở hôm nay, khi nhiều thị dân vừa hồ hởi vừa hoang mang nhắc tới cuộc cách mạng “bốn chấm không”.

Vậy cái cuộc cách mạng long giời lở đất này sẽ đem tới Tết Việt những gì nhỉ? Bởi ở cái thời vừa ngây vừa thơ chưa có kỹ thuật số, để lo cho một cái Tết thật đàng hoàng thì luôn là một việc vất vả. Không kể chuyện tiền nong, chỉ cần đếm những công phu bỏ ra cho nó đã là một nhọc nhằn đại sự. Nào là xếp hàng mua gạo nếp, mua lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. Nào là đôn đáo chạy lo mua cân thịt mua gói kẹo, để bàn thờ Tết có mâm cỗ khang trang cúng tiên tổ. Tuy hớn hở nhưng từ quan chí dân, mặt ai nấy cũng đều loay hoay nhớn nhác. Vui đấy mà mệt đấy. Ngày nay khác hẳn, chỉ cần ngồi nhà lên mạng online đã nhan nhản dịch vụ. Giò lụa muốn đôi cái hay chục cái, loại thượng thặng hay loại trung bình. Rồi cá kho rồi thịt đông, bảo đảm từ mộc nhĩ nấm hương đến gia vị, gọi cái có ngay người mang đến cửa. 

Thậm chí có những gia đình tự muốn gói bánh chưng để đám trẻ không quên truyền thống, thì chỉ cần ấn nhẹ “Ok” trên bàn phím 

smartphone, người ta “síp” đến tận nhà từ nồi to để luộc cho đến cái dây lạt bé xíu. Một tư duy kinh tế số mới tinh, nhưng đã quá thân thuộc với không những các đô thị sáng choang, mà tới ngay cả những vùng quê còn rêu phong cây đa bến nước. 

Thường thì sự tiến triển của văn minh nhân loại, luôn có một ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của mọi quốc gia. Và trong sự tiến triển chung đấy thì những thành tựu từ những cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc nâng cao công nghệ sản xuất, luôn giữ một vị trí cực kỳ quan trọng. Thế nhưng máy móc có hiện đại tối tân đến mấy cũng sẽ là vô ích, nếu tư duy của con người không nhịp nhàng tương thích. Có phải vậy chăng mà ở buổi ban sơ của tất cả những cuộc cách mạng công nghiệp, không phải ai cũng nhìn nhận được đúng vai trò của nó. Ví dụ nổi tiếng nhất là trường hợp của Hoàng đế Napoleon Bonaparte (1769-1821). 

Thật ra, người Việt ngay từ xa xưa với bản chất phóng khoáng không quá nệ cổ, thường thích nghi khá nhanh với những cái mới. Chính vì thế mà ở Tết này, cũng không hẳn là thời thượng, người ta bắt đầu nhắc nhiều đến cuộc cách mạng “bốn chấm không”.

Ông này là một thiên tài về nhiều mặt, thành danh như là một chính trị gia và một nhà quân sự kiệt xuất của nước Pháp. Ở tầm nhìn chiến lược của một người lãnh đạo đất nước, ông đánh giá rất cao công việc của các khoa học gia. Theo một giai thoại có thật thì trong chiến dịch chinh phục Ai Cập, Napoleon đã ra một mệnh lệnh khét tiếng “lừa ngựa và các nhà bác học đi vào giữa”. Nhưng cũng chính ông ta, đã từ chối bản thiết kế tàu thủy chạy bằng hơi nước của Robert Fulton, một phát minh vĩ đại trong cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên. “Gì, thưa ngài. Ngài sẽ làm một con tàu đi ngược chiều gió và hoạt động bằng một đống lửa được đốt dưới boong. Xin ngài tha lỗi, tôi không có thời gian để nghe điều vô nghĩa như vậy”. 

Hệ lụy nhãn tiền thấy ngay chỉ chừng hơn chục năm sau. Trên đường bị đi đày tới đảo Saint 

Helena, khi thấy một tàu thủy chạy bằng hơi nước băng băng vượt sóng, Napoleon cúi đầu thở dài. Ông ta đã tự sâu sắc biết rằng, cái nước Pháp hùng mạnh của ông đã manh nha thất bại ngay từ lúc ông chối bỏ cái cơ hội bằng vàng, mà nó chỉ đến từ một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. 

Bài học lịch sử này cho tới Tết Mậu Tuất hôm nay vẫn giữ nguyên giá trị, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu khởi động trên toàn thế giới. Đương nhiên để có được nó, nhân loại đã trải qua một đoạn đường dài đầy vất vả. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới từng đơn giản giải thích: “Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Còn lần ba là sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa. “4.0” ở lần này chính là sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.

Và ông khẳng định, với chiều rộng và chiều sâu của “bốn chấm không”, toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý cũng như quản trị sẽ có thay đổi cơ bản. Không phải ngẫu nhiên mà những ngày cuối năm 2017, ở ta đã có những chuyên đề thẳng thắn do Chính phủ điều hành, tranh luận thật sự về đồng tiền ảo “bitcoin”. Rồi việc đã và đang đưa ra những quy định cụ thể về quản lý kinh doanh trên mạng online, là các minh chứng. Chúng ta đâu có thể nằm ngoài cái lộ trình văn minh rực rỡ này. 

Thật ra, người Việt ngay từ xa xưa với bản chất phóng khoáng không quá nệ cổ, thường thích nghi khá nhanh với những cái mới. Chính vì thế mà ở Tết này, cũng không hẳn là thời thượng, người ta bắt đầu nhắc nhiều đến cuộc cách mạng “bốn chấm không”. Tất nhiên, đa phần đều mơ hồ không cần biết sâu xa vĩ mô nó là gì, chỉ biết khắp hang cùng ngõ hẹp, những ứng dụng cụ thể của nó đã thật sự hiện diện.

Đừng nói lũ trẻ “nghiện” Facebook như thế nào, chỉ cần nhìn hai cụ bà đã ngoài thất thập ở tuần sau ngày ông Công ông Táo, rủ nhau vào siêu thị mua rau sạch “organic”. Lúc khệ nệ mang rau về, cả hai cụ đều nhoay nhoáy lướt điện thoại thông minh gọi Uber hay Grab. Rất có thể sáng mùng Một, cả hai cụ sẽ “post” lên Facebook rồi “tag” đám con cháu những tấm hình có cành đào đang long lanh nở. 

Có phải vậy chăng mà những văn nhân bây giờ vẫn giữ tục khai bút, thì hầu hết ở những ngày đầu xuân Mậu Tuất này, đều trân trọng để trên bàn viết cái smartphone đời mới nhất?