"Nhỡ tay" giết vợ và chuỗi ngày làm phu đá để trả nợ đời

ANTĐ - Người đàn ông ấy phạm tội tày trời, án tù chung thân cũng khó gột rửa đi trong đời ông những nhọ nhem tội lỗi. Sau khi được giảm án, tha tù, ông cùng những người lầm lỡ khác từng vào tù ra tội vá víu đời mình bằng những công việc nặng nhọc nhưng rất đỗi lương thiện. Số phận họ, tưởng tất cả đã khép lại, nhưng từ những tháng năm miệt mài với sự hoàn lương nơi công trường khai thác đá Phú Cường (Cẩm Phả - Quảng Ninh) họ như những hòn đá khô khốc nhận ra giá trị của mình giữa cuộc đời bận rộn.

Vợ chồng ông Hoàn bây giờ

Giết vợ để rảnh nợ, 21 năm ăn cơm tù

Ông Nguyễn Văn Hoàn gắn bó với công trường khai thác đá này cũng được hơn chục năm rồi. Người xưa nói “thời gian như bóng câu qua cửa” nào có sai. Thoắt cái, sau những năm tháng ở tù trở về, mái tóc mới đó còn mang màu thanh xuân giờ bạc trắng xóa. Và dù đã ngấp nghé ở tuổi 70 nhưng trong trí nhớ của người đàn ông ấy thì dường như những biến cố diễn ra trong cuộc đời ông từ mấy chục năm trước vẫn như in lại trong tiềm thức. Nụ cười buồn buồn gượng gạo, đôi mắt mẫn tuệ trên gương mặt gầy, khi nhìn thẳng, khi xa xăm rụt rè như nói với chúng tôi phần nào về nỗi ám ảnh mà ông khó lòng “vùi sâu chôn chặt”: “Tôi đã nhỡ tay giết vợ”!

Sinh ra tại một vùng quê miền Trung, chàng thanh niên nghèo nhưng thông minh và hiếu học luôn mang trong mình khát vọng học tập thành tài để đổi thay cuộc sống. Sau khi học hết phổ thông, Hoàn học một trường trung cấp và ra Quảng Ninh lập nghiệp. Là người có tài, Hoàn nhanh chóng được đề bạt nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong một cơ quan Nhà Nước tại tỉnh Quảng Ninh. Thăng tiến nhanh, lại… đẹp trai và có tài ăn nói, các cô gái mến mộ và vây quanh gã thì nhiều. Nhưng gã thì say đắm một cô. Cô ấy trẻ đẹp, khi thì rạng rỡ như mặt trời, khi lại chúm chím e ấp như nụ tầm xuân mới nở, đến là duyên. Nàng rất lạ, lúc xoắn xuýt đa tình, lúc lại ỡm ờ lảng tránh khiến gã như kẻ đi giữa sa mạc với ảo ảnh một ốc đảo đầy ắp nước trước mặt, nhưng càng đuổi, ốc đảo càng lùi xa. Hỏi thì nàng ngúng nguẩy, rằng yêu gã, nhưng gã có vợ rồi, nàng chẳng muốn làm vợ hai. Thêm nữa, cũng có người đàn ông đang định hỏi cưới nàng. Nên nàng chưa biết xử lý thế nào, theo một người đã có vợ hay chọn chàng trai tân.

Còn Hoàn thì rất yêu nàng, yêu say đắm và lúc nào cũng muốn chiếm đoạt. Hoàn suy nghĩ nhiều về cuộc hôn nhân của mình trước đó. Đó là một cuộc hôn nhân không tình yêu giữa gã và vợ. Vợ gã là một cô giáo, cô ấy không đẹp nhưng lại được lòng mẹ cha Hoàn, chu toàn với 3 đứa con, 2 trai, một gái. Hoàn thương vợ, tôn trọng và quý vợ, nhưng thực sự để mảy may tình yêu thì chưa có. Độ đó, việc lấy vợ là do gia đình dẫn mối, Hoàn chỉ biết nghe theo. Cưới rồi mới thấy không yêu, nảy sinh bi kịch và gây ra những bất hòa. Giờ đã nếm trải đủ điều, người đàn ông tóc bạc tâm sự: “Tình yêu thực sự quả thật vô cùng quan trọng đối với mỗi mái ấm gia đình. Nếu không có tình yêu, không khí vô cùng ngột ngạt và lúc nào cũng muốn phá bĩnh. Cho đến bây giờ, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về hai chữ: Tình yêu!”

Nghĩ lại thời gian đó, ông Hoàn bùi ngùi: “Tôi không yêu vợ, hơn nữa đã quá mê đắm người con gái kia rồi. Nghĩ tới mọi lý do để ly hôn vợ, nhưng không đành, vì bố mẹ quá nghiêm khắc. Và thế là về nhà, mâu thuẫn với vợ, trong lúc cái vã, giằng co, tôi vô tình làm vợ ngã chết”.

Hành vi giết vợ của ông Hoàn bị Tòa kết án chung thân. Một lần dại để một đời đau, cho đến lúc này, người đàn ông tóc bạc ấy cũng không thể ngờ mình đã ra tay sát hại vợ. Khi sống trong lao tù, ông luôn luôn bị giằng xé trong lương tâm và luôn ám ảnh về cái chết, về bệnh tật. Ông không bao giờ nghĩ mình có ngày ra ngoài, làm lại cuộc đời. Nhưng vốn bản tính hiền lành, ông cũng có ý thức cải tạo tốt. Bằng những nỗ lực của bản thân trong cải tạo, ông đã được đặc xá, sau 21 năm ăn cơm tù, mặc áo số. Ông được trở lại cuộc đời.

Miệt mài tìm đường 

Ra trại bơ vơ, quê cũ là chốn đau lòng, Hoàn miệt mài tìm đường sống quay lại vùng mỏ Cẩm Phả - Quảng Ninh. Nhưng chàng thanh niên sức vóc khi xưa giờ trở về là người đàn ông với mái tóc thời gian phủ bạc chân yếu tay mềm, sức gần như cùng, lực gần như kiệt. Vùng mỏ lúc này cũng chỉ có những công việc tay chân, nặng nhọc là dễ dàng xin được. Một người tù trở về như ông Hoàn, mấy ai dám nhận vào làm. Nhìn ông và bản lý lịch, người ta dò xét đủ điều, ông không dễ dàng qua được các vòng… tuyển dụng đầy dè bỉu.

Rồi may thay, nhờ có ông Từ Khải Thoong - nguyên Giám đốc tại Xí nghiệp khai thác đá Phú Cường hiểu và cưu mang, để ông Hoàn được ở lại công trường khai thác đá Phú Cường. Nếu không, chắc chắn cuộc đời ông sẽ rẽ một ngả nào đó xa xôi và chênh vênh nào đó. Có công việc ở vùng đá, ông Hoàn hàng ngày chăm chỉ đi làm lụng, ông đã vực được kinh tế gia đình lên. Có của ăn, của để rồi làm vốn liếng cho 3 người con của ông. Ông Hoàn thi thoảng lại nhắc cho các con biết chuyện quá khứ của mình để bảo chúng hãy đối xử tốt với vợ, hãy sống lương thiện và hãy tìm lấy niềm vui từ chính công việc của mình.

Tại nơi này, những đứa con của ông cũng lần lượt có vợ, có chồng. Những tưởng sự cô độc sẽ làm bạn mãi với ông, thì cũng chính tại đây, ông được ân nhân giới thiệu cho một người phụ nữ đã quá thì, để hai người cùng đùm bọc, đỡ đần nhau. Bà Nhuần - người vợ thứ hai của ông dường như cũng hiểu nỗi ám ảnh mà ông trải qua, nên bà cũng luôn cố gắng chia sẻ cùng ông, dù là những điều nhỏ nhoi nhất. Tù tội là cái gì đó thật đáng sợ. Vì thế, nghe lời dạy của ông, ba con ông Hoàn đều phấn đấu, làm ăn chính đáng, sinh con đẻ cái và giờ cũng là chỗ dựa cho ông bà.

Tại khu khai thác đá Phú Cường, ông Hoàn không phải là người duy nhất tìm lại được chính mình. Bởi nơi công trường quanh năm khai thác đá cùng những tiếng nổ khô khốc ấy còn có những hoàn cảnh như anh Vũ Thanh Bình, anh Nguyễn Thế Cường, Tạ Quang Phương và rất nhiều người nữa. Nhắc tới chuỗi ngày “hoàn lương”, ông Hoàn, anh Phương cũng như bao người nơi đây không thể nào quên ân nhân đã đến với cuộc đời họ. Đó là ông Từ Khải Thoong. Từ những gian nan buổi đầu, được sự giúp đỡ của Công an thị xã Cẩm Phả, ông Thoong đã mạnh dạn thành lập công trường với tâm nguyện đây sẽ là nơi giúp đỡ những con người mà cuộc đời đã từng vướng vào vòng lao lý. Bỡ ngỡ, rụt rè rồi cũng qua khi khi họ nhận được từ người lãnh đạo sự chân thành, nỗ lực giúp họ vượt qua những mặc cảm, và vươn lên làm lại cuộc đời.

Sa ngã có ba bảy đường, nhưng đường hoàn lương chỉ một. Ông Hoàn nghĩ vậy và đã làm vậy. Nỗi đau xa xưa dù không thể nào quên hẳn được, nhưng ông đã cùng với người vợ mới vá víu lại đời nghèo, những ám ảnh tội lỗi và chuộc lại lỗi lầm. Bởi cả hai ông bà đều biết, giờ đây, tài sản quý giá nhất của mình là đám con, cháu ngoan ngoãn và lương thiện.