Viết nhân Ngày nhà giáo việt nam 20-11:

Nhớ những ngày chưa xa

ANTĐ - Muôn vàn cánh chim đã bay lên bằng đôi cánh của mình sau từng lớp, từng cấp học. Và, mỗi cánh chim đều mang theo bóng dáng của những mái trường, niềm ơn nỗi nhớ về các thầy giáo, cô giáo thân yêu của mình. 

Nhớ những ngày chưa xa ảnh 1Lớp học thời chiến tranh

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) rồi cho đến những năm 1957-1958, các thầy giáo, cô giáo ở nước ta mới được Nhà nước trả lương theo chế độ hiện hành.

Khi ấy, mỗi người chỉ được nhận mỗi tháng 18kg gạo, mỗi năm 4 mét vải trắng để may quần áo. Các giáo viên mang gạo về góp với nhà dân nơi mình dạy học để cùng ăn, cùng ở với dân. Nhiều thầy, cô giáo ngoài giờ lên lớp và ngày nghỉ còn cùng gia đình, nhân dân nơi dạy học cày bừa, cấy lúa, gặt lúa, lao động công ích. Ở vùng đói kém, mất mùa, các thầy giáo ở miền núi xa xôi cùng nhịn đói lên lớp với các em học sinh. Có thầy, cô và học sinh đã lả vì nhịn đói, nằm gục ngay trên bàn học. Nhưng buổi học tiếp theo vẫn không vắng một ai. Em học sinh nào bị ốm, phải nghỉ học hoặc học đuối thì thầy giáo, cô giáo đến tận nhà giảng lại, dạy lại bài học đã qua (gọi là: phụ đạo) mà bố mẹ các em không phải trả tiền công. 

Những lớp học ở trong vùng địch tạm chiếm, cả thầy và trò vừa dạy học, vừa tránh giặc. Hoặc có nơi thầy, trò cùng tham gia đánh giặc. Giặc rút, lại về lớp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1964-1975) cảnh gặp gỡ cảm động, hào hùng của hai chiến sĩ: một là thầy giáo cũ, một là học sinh năm xưa ở chiến trường. Rồi vui sao, khi đất nước thống nhất, không ít thầy, trò cùng dạy học tại một trường. Rồi, có thầy giáo già từng dạy hai thế hệ cha con...

Đến tuổi trưởng thành, không nhiều người nghĩ rằng: Từ đây, kể cả lúc đã thành đạt hoặc gặp phải khó khăn trong cuộc sống, các thầy giáo, cô giáo cũ vẫn luôn ở bên cạnh các em học sinh để hỗ trợ, khích lệ, an ủi... nhờ những bài học, lời bảo ban mà ta đã thuộc, đã nhớ... Nhà văn thì rưng rưng nhớ tới các thầy, cô giáo dạy tiếng Việt, dạy văn cho mình. Các nhà khoa học, nghệ sĩ, hay bất cứ ngành nghề nào cũng đều có dấu ấn của các thầy, các cô hiện ra trong những công trình, tác phẩm của mình. 

Nhớ những ngày chưa xa ảnh 2

Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi nhớ không ít lần có cảnh một vị tướng quân đội hoặc người nổi tiếng có chức vụ cao đã từ chối ngồi hàng ghế phía trên thầy giáo, cô giáo của mình. Đấy là một cử chỉ, hay đúng hơn là một nét đẹp của truyền thống tôn sư trọng đạo có từ bao đời nay.

Ra đi, bay cao và bay xa, ai cũng có nơi để nhớ về là mái trường thân yêu và các thầy giáo, cô giáo quý mến. Hình như, không có ai đứng ngoài câu tục ngữ: “Không thầy, đố mày làm nên!”.