Nhớ màu áo xanh nhuộm đỏ đã bay xa!

ANTD.VN - Đêm 28-5-1998, Hà Nội mưa như trút nước. Ít ai biết được ở một góc sông Tô Lịch đoạn đầu đường Láng diễn ra cuộc vật lộn kịch liệt giữa một chiến sĩ công an và tên tội phạm đang cố gắng tẩu thoát khỏi nơi giam giữ. Dù điên cuồng chống cự, nhưng gã lưu manh đã bị bắt ngay sau đó, còn người lính thì mãi mãi không về.

Sau cái đêm ấy, căn nhà số 27A, ngõ 58, phố Trần Bình (phường Mai Dịch) của Đại úy Trương Văn Phương bỗng trở nên lạnh lẽo. Chưa đầy 30 tuổi đã đắm đò, chị Phan Thị Minh Phúc - vợ anh - gạt nước mắt chịu tang chồng ở vậy nuôi con. Nhưng suốt 20 năm qua, người phụ nữ này không một lời oán thán.

Nhớ màu áo xanh nhuộm đỏ đã bay xa! ảnh 1Đồng chí Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc CATP Hà Nội và đồng chí Hoàng Quốc Định, Trưởng CAQ Cầu Giấy đến thăm và tặng quà gia đình liệt sỹ Trương Văn Phương năm 1999

Truy đuổi tội phạm trong đêm mưa gió

Đại úy Trương Văn Phương sinh ra trong một gia đình có 5 anh em. Mỗi khi nhắc đến anh, mọi người trong nhà vẫn bảo, tuy là út nhưng lúc nào Phương cũng lo lắng chu toàn cho cả gia đình. Anh Phương gặp chị Phúc năm 1988 trong một cuộc hội ngộ tình cờ. Ngày ấy, biết yêu công an là chấp nhận vất vả, nhưng cái tính chân chất, bộc trực của anh vẫn khiến chị quyết định tiến tới hôn nhân.

Một thời gian sau, hai người nên duyên vợ chồng và đến năm 1991, bé Trương Minh Ngọc ra đời. Cuộc sống của một cô nhân viên Công ty in Hà Nội với chàng Thiếu úy Công an tưởng như viên mãn. Vì đặc thù công việc, chẳng mấy khi anh về trước giờ cơm, nhưng cứ hôm nào xong việc sớm anh lại tất tả lao thật nhanh về  nhà để được chơi cùng cô con gái nhỏ.

Năm 1996, anh Phương được phân công công tác tại Đội Điều tra, CAQ Cầu Giấy. Mặc dù đã công tác trong lực lượng công an gần chục năm nhưng với công việc mới anh cũng gặp nhiều bỡ ngỡ. Vốn là người có tính cách chính trực, xông xáo và nhất là luôn cầu toàn, anh Phương luôn tận tâm với công việc, được anh em đồng đội yêu mến. Cuối tháng 5, anh Phương thụ lý hồ sơ một vụ trộm cắp. Thủ phạm là một thanh niên tên Giang Mạnh Hùng.

Hùng còn rất trẻ và tình huống phạm tội của đối tượng cũng hết sức trớ trêu. Đó là trong lần lên Hà Nội để ôn thi đại học, Hùng dính líu vào vụ trộm cắp vặt vì quá túng thiếu. Hậu quả  là thanh niên này phải chịu án tù nghiêm khắc. Nhìn cậu thanh niên trẻ với ánh mắt đầy sợ hãi khi ngồi hỏi cung, anh Phương thấy tim mình thắt lại. Tương lai rộng mở của chàng trai này đang đóng sập trước mắt, nghĩ thế, anh Phương không đành lòng. Anh cố tìm thêm những chứng cớ có lợi nhất để giảm bớt sự tăng nặng hình phạt cho Hùng.

Anh ở lại cơ quan, lật đi lật lại đống hồ sơ vụ trộm và quyết định gọi Hùng lên để làm rõ thêm vài chi tiết. Lúc này, ngoài trời tối sầm lại rồi một cơn mưa như trút nước đổ xuống. Trong căn phòng chỉ còn lại 2 người, bỗng nhiên đèn điện vụt tắt, anh Phương chưa kịp lấy chiếc đèn pin trong tủ thì tên phạm đã nhanh chân vùng dậy, xô chiếc bàn, hòng tẩu thoát.

Ngoài trời tối om, cơn mưa mùa hạ khiến con đường ướt nhẹp, người đi lại trên phố cũng vắng tanh. Anh Phương vừa lao theo tên tội phạm vừa hô hoán, vượt qua những tường rào, thép gai. Khi ấy, hai bên sông Tô Lịch vẫn còn trồng rất nhiều cây chuối và hàng rào gai. Cuộc rượt đuổi tên phạm trong bóng tối, dưới cơn mưa khiến đôi mắt anh mờ đi. Nhưng người chiến sỹ quả cảm ấy vẫn lao mình về phía trước để bắt giữ đối tượng. Lúc ấy, vì bị truy đuổi ráo riết, tên tội phạm có khuôn mặt thư sinh, non nớt bỗng như một con thú điên cuồng chạy về phía trước hòng tìm đường thoát thân.

Có những lúc anh Phương đã tóm được vạt áo của đối tượng, hắn vùng vẫy, thậm chí xoay người chống trả, tung những cú đòn đáp trả vào người anh Phương. Cuộc vật lộn kéo dài, hai bên giằng xé, chiếc áo cảnh phục của anh rách bươm, hàng cúc áo tung về nhiều phía. Trong lúc trấn áp tội phạm, anh Phương bị xô ngã, vô tình đầu anh bị đập xuống một vật cứng ở độ cao hơn 2m. Cú va đập khiến anh choáng váng và ngất lịm đi. Máu từ trán anh chảy nhuộm đỏ chiếc áo cảnh phục.

Đồng đội tìm thấy anh, đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện Giao thông Vận tải nhưng mọi sự cố gắng đều quá muộn. Giây phút anh ra đi ấy cũng là lúc tên phạm bị bắt. 

Lúc ấy, ở nhà chị Phúc và bé Ngọc chẳng hiểu sao lòng nóng như lửa đốt, định gọi điện hỏi anh sao mưa to vậy chưa về, mâm cơm chị vẫn để chờ anh. Ngọc còn nói với mẹ: “Hôm nay mất điện, để con làm nến giống mọi khi bố làm cho mẹ nhé” thì điện thoại reo lên. Tiếng chuông điện thoại lạnh ngắt, bên kia đầu dây có người thông báo anh Phương bị tai nạn.

Lúc đó trong đầu chị Phúc chỉ đang nghĩ rằng chắc là anh chỉ bị thương thôi, Ngọc bỗng khóc ré lên đòi bố vì tiếng sấm. Chị Phúc ôm chặt lấy con rồi lao đến bệnh viện, khi nhìn thấy anh nằm đó, chị khuỵu xuống, cả thế giới như đổ sập trước mắt chị.

Nhớ màu áo xanh nhuộm đỏ đã bay xa! ảnh 2Gia đình nhỏ của liệt sỹ Trương Văn Phương 

“Bố đi làm một nhiệm vụ đặc biệt”

Khi anh Phương mất đi, bé Ngọc mới 7 tuổi vừa học xong lớp 1, anh còn hứa với con sẽ đi họp phụ huynh và trao thưởng cho cô con gái học giỏi. Nhưng vào cái ngày cuối cùng ấy anh đã ra đi mãi mãi. Cô gái nhỏ quấn bố như sam vẫn cứ hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Sao bố đi làm mãi không về thế? Bao giờ bố về hả mẹ?”. Những lúc ấy chị Phúc lặng lẽ quay lưng đi, đôi vay gầy rung lên bần bật. Những lúc ấy chị lại lau vội nước mắt, nở một nụ cười động viên con: “Bố đi làm nhiệm vụ đặc biệt, Tết bố sẽ về”. Nhưng cứ Tết này qua Tết khác, Ngọc vẫn cứ hỏi mãi sao bố chưa về.

Không chỉ nói với con như vậy, chính chị Phúc cũng tự dối lòng mình anh chỉ đang đi công tác xa như trước đây. Rồi anh sẽ về với mẹ con chị. Đối với người phụ nữ ấy, có lẽ không gì  có thể bù đắp được nỗi đau mất chồng, chỗ dựa lớn nhất của mẹ con chị. Trước đây, dù công việc có bận rộn như thế nào anh Phương vẫn thu xếp để chăm sóc cho gia đình. Anh luôn quan tâm vì thương chị là vợ công an thiệt thòi đủ thứ. Có những dịp lễ Tết, người ta đưa vợ con đi chơi, còn anh đi trực, chị lại lủi thủi một mình. Vì thế, cứ rảnh lúc nào anh Phương lại về nhà đưa vợ con đi chơi.

 Những năm tháng vắng bóng anh Phương, chị Phúc vẫn thay anh gánh trên vai trách nhiệm của một người chồng người cha, lo toan mọi việc gia đình chu toàn và chăm sóc con. Có những đêm Ngọc nằm trong lòng mẹ nhớ bố, Ngọc khóc nỉ non đòi bố về. Những lúc ấy Ngọc lại đòi mẹ cho đội chiếc mũ kepi của bố để đóng giả nữ cảnh sát. Tiếng cười của con khi đùa giỡn với cái bóng trên tường khiến chị nhớ anh vô cùng. Nhớ màu áo xanh mỗi khi anh đi làm về, chị lại lấy chiếc áo và chiếc đồng hồ kỷ vật của anh và ôm vào lòng như để vơi đi nỗi nhớ.

“Nhất định con sẽ làm chiến sĩ công an giống bố!”

Mỗi khi những câu hát: “Có bàn chân lặng lẽ, giữa dòng đời như nước cuốn. Chập chờn trắng đen không thể nhìn thấy đáy. Từ trong bão giông vẫn nghe tiếng gọi...” của bộ phim cảnh sát hình sự vang lên trên truyền hình, Ngọc lại nhớ bố, nhớ tới màu áo xanh bố vẫn mặc. Trong tâm trí của cô gái có vóc dáng nhỏ bé luôn nung nấu một ước mơ sẽ trở thành chiến sĩ công an. Ngọc có vóc dáng nhỏ bé nhưng tính cách kiên cường, mạnh mẽ. Chị Phúc nhìn vào tấm ảnh Ngọc mặc quân phục treo trên tường nhà cười nói: “Ngọc giống bố nó lắm, giống từ tính cách đến khuôn mặt. Ánh mắt luôn tươi vui và đầy nghị lực sống”.

Đến năm 18 tuổi, khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời, Ngọc kiên quyết xin mẹ cho được thi vào trường Cảnh sát. Lúc ấy, chị Phúc đã động viên con, giảng giải cho Ngọc về những khó khăn của công việc này, thậm chí cả những nguy hiểm. Nhưng chị bất ngờ bởi câu nói của cô con gái nhỏ: “Nhất định con sẽ làm chiến sĩ công an giống bố”. Vậy là, Ngọc thi vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân và nhất định muốn theo học điều tra. Hình ảnh về người bố dũng cảm, điều tra, truy bắt tội phạm là một tấm gương sáng khiến Ngọc đam mê và mơ ước được làm công việc này.

Sau 3 năm học, Ngọc được phân công công tác tại Đội Kinh tế, CAQ Cầu Giấy nơi trước đây bố Ngọc đã công tác. Cô gái nhỏ người nhưng trí lớn ấy đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ tiên tiến, luôn được anh em đồng chí đồng đội quý mến. Đối với Ngọc, bố Phương chính là động lực giúp cô có thêm dũng khí để mạnh mẽ, nỗ lực học tập, tu dưỡng trở thành người cảnh sát nhân dân.

Trong lúc trấn áp tội phạm, anh Phương bị xô ngã, vô tình đầu anh bị đập xuống một vật cứng ở độ cao hơn 2m. Cú va đập khiến anh choáng váng và ngất lịm đi. Máu từ trán anh chảy nhuộm đỏ chiếc áo cảnh phục.