Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020):

Nhớ lời dạy của Bác với Công an Thủ đô về bảo vệ trị an

ANTD.VN - Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng Công an nhân dân và Công an Thủ đô. Trong ký ức của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an, mọi người nhớ mãi quãng thời gian năm 1963, khi Bác đến dự và nói chuyện tại hội nghị 3 chuyên đề của Bộ Công an. Người nhắc: “Ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác, tích cực phòng chống gián điệp biệt kích”.

Ngược dòng lịch sử truyền thống, năm 1963, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 17, Bộ Công an đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phát động phong trào bảo vệ trị an, phấn đấu làm cho tình hình trật tự ở Thủ đô được ổn định thực sự.

Sau đó, tại Hội nghị 3 chuyên đề của Bộ Công an được tổ chức vào ngày 25-4-1963, cũng đã nhấn mạnh và đánh giá vai trò quan trọng của phong trào bảo vệ trị an. Báo cáo kinh nghiệm về sự chỉ đạo và thực hiện phong trào bảo vệ trị an của xã Yên Phong thuộc tỉnh Ninh Bình và khối 30, khu Đống Đa, Hà Nội trình bày tại Hội nghị đã nêu bật ý nghĩa chiến lược của phong trào trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và giữ gìn trật tự an ninh xã hội.

Đặc biệt, Hội nghị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện. Sau khi nói về tình hình nước ta và những nhiệm vụ cụ thể của ngành Công an, Bác đã nhắc “ra sức phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, giáo dục quần chúng nâng cao tinh thần làm chủ đất nước, tinh thần cảnh giác, tích cực phòng chống gián điệp biệt kích”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình bác Nguyễn Văn Tá, Trưởng ban Bảo vệ khối 30, khu Đống Đa - người có công xây dựng khối 30 thành lá cờ đầu phong trào bảo vệ trị an (Ảnh tư liệu Công an Hà Nội)

Từ lời huấn thị của Bác, phong trào bảo vệ trị an đã thật sự trở thành phong trào quần chúng rộng rãi và đi vào chiều sâu. Khí thế Cách mạng và tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân được nâng cao thêm một bước. Quần chúng trực tiếp tham gia giữ gìn trật tự đường phố, tham gia phòng chống gián điệp phát hiện ra nhiều hiện tượng nghi vấn, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu phản tuyên truyền. Phong trào còn động viên quần chúng, góp phần đẩy mạnh sản xuất và thực hiện tốt các chính sách. Cũng qua phong trào bảo vệ trị an, các công tác nghiệp vụ của ngành Công an tiến hành được thuận lợi hơn.

Trong năm 1963, quần chúng đã cung cấp cho Công an 125.000 nguồn tin về chính trị và 12.000 nguồn tin về hình sự. Toàn thành phố có hàng vạn tấm gương tốt. Theo dõi những bước đi của phong trào bảo vệ trị an của Công an Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm, động viên lực lượng công an và quần chúng nhân dân thực hiện tốt phong trào bảo vệ trị an.

Tháng 12-1963, khối 30 khu Đống Đa được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng 3 và Bộ Công an công nhận là lá cờ đầu trong phong trào quần chúng bảo vệ trị an các thành phố, thị xã, thị trấn toàn miền Bắc...

Khối 30 nằm giữa phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) là một phố nhỏ hẹp, nhiều ngõ xóm lầy lội, phần lớn là nhà tranh, có hơn 200 hộ với 1.000 nhân khẩu, hầu hết là người lao động, dân nghèo thành thị. Sau ngày Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, nhân dân trong khối phố thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Bác về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội đã quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, trong đó chú trọng công tác giữ gìn trật tự trị an.

Các đồng chí cán bộ chủ chốt như Nguyễn Văn Tá - Trưởng ban bảo vệ, Nguyễn Văn Miễn - Trưởng ban đại biểu, Nguyễn Thị Hiếu đại biểu phụ nữ, Nguyễn Thị Vân - ủy viên bảo vệ, tổ trưởng dân phố, cùng nhiều đồng chí khác rất tâm huyết gắn bó với công việc chung. Họ có sáng kiến thành lập đội cứu hỏa là tiền thân của đội dân phòng sau này. Ban lãnh đạo khối cùng cán bộ công an công tác tại địa bàn đã lập nhóm “trực nhật 3 phòng” (phòng gian, phòng gián điệp, phòng hỏa hoạn).

Hàng tối, cán bộ luân phiên đi nhắc nhở mọi nhà trong tổ trình báo tạm trú, tạm vắng, phòng hỏa hoạn và khóa cửa phòng gian. Chiều thứ 7 hàng tuần, toàn dân tổng vệ sinh. Ban bảo vệ dân phố, tổ Đảng đường phố và cán bộ Công an phụ trách khối là trung tâm đoàn kết nhân dân trong khối. Kinh nghiệm của khối 30 được lan nhanh ra toàn thành phố.

Báo Thủ đô Hà Nội khi ấy đã có bài viết biểu dương phong trào khối 30 được Bác Hồ đọc và chỉ thị cho các cấp xác minh. Người đã gửi tặng huy hiệu cho một số đồng chí có thành tích trong ban bảo vệ và thường xuyên theo dõi từng bước đi tiến bộ của khối phố. Đặc biệt, tối Giao thừa tết Giáp Thìn 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm, chúc tết một số nơi, một số gia đình ở Hà Nội và đã đến gia đình đồng chí Nguyễn Văn Tá, Trưởng ban bảo vệ khối 30, người có đóng góp xây dựng khối 30 thành lá cờ đầu. Tại đây, Bác nhắc nhở đồng chí Tá: “Chú quét sạch nhà rồi phải quét sạch cả cửa, quét sạch cửa rồi phải quét sạch cả vỉa hè và làm sạch cả đường phố nữa. Mình làm tốt rồi phải thuyết phục mọi ngời cùng làm tốt hơn nữa”.

Lời dạy của Bác thể hiện lòng mong muốn từng cán bộ, từng người dân phải gìn giữ cho môi trường đẹp đẽ và sạch sẽ. Cao cả và sâu sắc hơn, Người nói với chúng ta phải quét sạch những gì coi là rác rưới nhơ bẩn làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh. Bao trùm tất cả là một nền an ninh trật tự xã hội tốt đẹp.